Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình cần được áp dụng cho mọi nhà

Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình cần được áp dụng cho mọi nhà
 
Gia đình Đại uý Cứ A Súa và chị Phàng Thị Mai ở bản Cư Nhà La,  xã Sùng Phài, TP. Lai Châu là 1 trong 22 gia đình vinh dự được nhận danh hiệu và Bằng khen "Gia đình tiêu biểu năm 2020". Chị Mai tiết lộ bí quyết giữ hạnh phúc của vợ chồng chị chính là yêu thương, tôn trọng, bình đẳng và quan tâm, chia sẻ với nhau. Và đó cũng chính là 4 tiêu chí cốt yếu trong Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình.
 
Là người dân tộc Mông, sinh ra ở miền “đất gió” Phong Thổ, Đại úy Cứ A Súa, là Trợ lý thanh niên, Bí thư Đoàn cơ sở cơ quan Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu. Vợ anh là Phàng Thị Mai, cũng người dân tộc Mông, hiện là Bí thư Đoàn Thanh niên xã Sùng Phài, TP. Lai Châu. Cả hai anh chị không chỉ trực tiếp tham mưu, tổ chức thực hiện tốt công tác Đoàn tại địa phương, đơn vị, mà còn tích cực tham gia các hoạt động an sinh xã hội, ủng hộ các chương trình từ thiện ở tỉnh và địa phương. Năm 2019, gia đình anh Súa mở Phòng khám Đông y gia truyền: Phòng Chẩn trị y học cổ truyền - Thuốc chữa bệnh gan A Súa; điều trị bệnh miễn phí cho các bệnh nhân thuộc diện hộ nghèo, gia đình chính sách. Năm 2017, Phòng khám được Tỉnh đoàn Lai Châu tặng Cờ thi đua, cá nhân anh Súa được tặng Bằng khen. Năm 2018, anh Súa đạt giải Nhì tại cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo thanh niên Lai Châu” do Tỉnh đoàn Lai Châu tổ chức; năm 2019 anh đạt giải Nhì cuộc thi Báo cáo viên trẻ do Tỉnh đoàn Lai Châu tổ chức, được Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu tặng Bằng khen “Hộ kinh doanh giỏi năm 2019”…
 
Được là 1 trong 22 gia đình được xét chọn từ các gia đình ở 20 tỉnh, thành phố được tuyên dương là Gia đình trẻ tiêu biểu năm 2020 do T.Ư Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tổ chức, anh chị Súa – Mai rất xúc động, tự hào. Chị Mai thổ lộ, chị cũng không nghĩ là gia đình mình vượt qua bao gia đình để được tuyên dương là gia đình trẻ tiêu biểu, xây dựng và lan tỏa các giá trị tốt đẹp của gia đình Việt Nam. Cặp đôi tự nhủ mình sẽ phải cố gắng hơn nữa để phát triển kinh tế gia đình, dạy con cháu chăm ngoan, vâng lời ông bà, và tích cực tham gia các hoạt động xã hội hơn nữa trong thời gian tới.


Gia đình anh Cứ A Súa và chị Phàng Thị Mai (đầu tiên từ trái sang) nhận danh hiệu và Bằng khen "Gia đình tiêu biểu năm 2020" do Ủy ban Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam trao tặng. 
 
Bộ tiêu chí sẽ giúp hạnh phúc gia đình bền chặt
 
Chị Mai nhận xét về Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình (Bộ tiêu chí) do Bộ Văn hoá, Thể thao & Du lịch ban hành, hiện đang được thực hiện thí điểm ở 12 tỉnh/thành, là rất thiết thực và cần thiết để giữ gìn đạo đức, lối sống gia đình trong thời nay. “Tôi nghĩ Bộ tiêu chí hoàn toàn hợp lý và phải áp dụng trong thời gian tới nhiều hơn nữa, nếu áp dụng được đúng như trong Bộ tiêu chí sẽ giúp hạnh phúc gia đình bền chặt, giữ gìn được thuần phong mỹ tục của dân tộc - là nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt Nam từ trước đến nay. Bộ tiêu chí nên được áp dụng rộng rãi và nhiều hơn nữa trong tất cả các gia đình”.


Gia đình hạnh phúc của anh Cứ A Súa và chị Phàng Thị Mai.
 
Quan điểm hạnh phúc của gia đình của chị Mai là, các thành viên luôn được khỏe mạnh, cuộc sống vợ chồng bình đẳng, cùng có trách nhiệm vun đắp cho hạnh phúc gia đình, con cái được học tập đến nơi đến chốn, ngoan ngoãn, hiếu thảo, vâng lời ông bà, cha mẹ. Do đó, với gia đình chị, cả 4 tiêu chí chung: Tôn trọng - Bình đẳng - Yêu thương - Chia sẻ thì cả nhà chị vẫn đang thực hiện từ trước tới nay. “Chúng tôi thấy rất dễ thực hiện, và đơn giản, vì đây chính là cách giữ gìn hạnh phúc gia đình đúng đắn nhất” – chị Mai chia sẻ.
 
Chị Mai thổ lộ thêm: “Nếu lỡ trong gia đình có lúc cãi vã, giận dỗi nhau thì vợ luôn là người chủ động làm hòa trước. Vì với bản thân tôi, làm hòa trước hay sau cũng như nhau cả thôi! Đàn ông lúc nào cũng có sĩ diện, phụ nữ phải mềm dẻo. Do đó, những lúc giận dỗi mà vợ cũng căng thì sẽ không có lối thoát cho cả hai người, vì quan niệm như vậy nên tôi luôn là người xuống nước trước. Tính tôi rất hay nhường nhịn, chiều chồng. Tuy trong công việc tôi là người rất cá tính, nhưng về nhà tôi là người vợ dịu dàng, chiều chồng. Tôi rất hiểu công việc của chồng bận bịu, nhiều áp lực, nên tôi đảm nhiệm lo việc con cái, nhà cửa chu toàn cho anh yên tâm công tác. Hai vợ chồng tôi hay tâm sự với nhau nhiều khi tới nửa đêm nên rất hiểu nhau. Những việc lớn là để chồng quyết định, vợ luôn tin tưởng vào khả năng của chồng. Không hiểu có phải do tôi yêu chồng quá không mà mỗi lần anh ý đưa ra những vấn đề lớn liên quan đến phát triển kinh tế hộ gia đình, hay công việc lớn trong gia đình, tôi ít khi nào phản đối”.


Gia đình anh Súa, chị Mai trong một hoạt động của chương trình tuyên dương “Gia đình trẻ tiêu biểu” năm 2020.
 
Bàn về một số hủ tục lạc hậu vẫn còn tồn tại ở vùng dân tộc thiểu số ở Lai Châu, như tình trạng tảo hôn, trọng nam khinh nữ, bất bình đẳng giới, bạo lực gia đình vẫn còn nhiều, khó có thể ngày một ngày hai hết được; người phụ nữ dân tộc lam lũ, vất vả và chịu thiệt thòi hơn nhiều so với phụ nữ Kinh, đảm trách vai trò Bí thư Đoàn Thanh niên xã Sùng Phài, chị Mai mong muốn phối hợp với hội phụ nữ đẩy mạnh tuyên truyền về Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình tới tất cả các đoàn viên để cùng nhau xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc.
(Vụ Gia đình, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện)
 

Hồng Nga/GĐTE