Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình ngày càng lan tỏa sâu rộng

Ngày 13/10 tại quận Long Biên, Sở Văn hóa và Thể thao (VH&TT) Hà Nội phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức Hội nghị toạ đàm “Cách làm và kinh nghiệm hay trong thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình góp phần nâng cao chất lượng gia đình văn hoá, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”.

Hội nghị tập trung bàn về việc xây dựng con người có nhân cách tốt, lối sống đẹp, từ cách ứng xử trong gia đình là trọng tâm, cốt lõi của phát triển văn hóa; Vai trò của gia đình, cách ứng xử của các mối quan hệ trong gia đình nhằm xây dựng gia đình văn hóa.

Toạ đàm “Cách làm và kinh nghiệm hay trong thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình góp phần nâng cao chất lượng gia đình văn hoá, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”

Toạ đàm “Cách làm và kinh nghiệm hay trong thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình góp phần nâng cao chất lượng gia đình văn hoá, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”

88% gia đình Thủ đô đạt danh hiệu Gia đình văn hoá

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Hội LHPN TP Hà Nội Lê Thị Thiên Hương cho biết: Năm 2019, TP Hà Nội là một trong 12 tỉnh, TP trên cả nước được Bộ VH-TT&DL lựa chọn triển khai thực hiện thí điểm Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình, TP đã chọn phường Khương Trung, quận Thanh Xuân và xã Phú Cường, huyện Ba Vì để triển khai thực hiện. Năm 2021, TP thí điểm thực hiện thêm tại 5 xã, phường, thị trấn của 5 quận, huyện: Hai Bà Trưng, Gia Lâm, Sóc Sơn, Phúc Thọ, Thạch Thất để làm căn cứ triển khai nhân rộng trong thời gian tiếp theo.

Bà Lê Thị Thiên Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội phát biểu

Bà Lê Thị Thiên Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội phát biểu

Qua thời gian triển khai thí điểm và nhân rộng trên địa bàn TP, Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình được các cấp, các ngành triển khai thực hiện gắn với Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, đặc biệt là việc đăng ký, bình xét danh hiệu Gia đình văn hóa, góp phần nâng cao chất lượng các danh hiệu văn hóa tại cơ sở, phù hợp với đời sống văn minh đô thị thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và phát triển Thủ đô. Kết quả, năm 2022, 88% gia đình Thủ đô đạt danh hiệu Gia đình văn hóa (tăng 0,5% so với năm 2019), có 63% Làng văn hóa (tăng 2% so với năm 2019), 72,5% tổ dân phố văn hóa (tăng 1% so với năm 2019).

Nhiều gương điển hình văn hóa ứng xử trong gia đình

Việc thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình trên địa bàn thành phố Hà Nội thời gian qua đã góp phần thay đổi đáng kể đời sống văn hóa ở Thủ đô, tác động từ thái độ, hành vi của mỗi cá nhân, đến việc giữ gìn, củng cố nền nếp, gia phong của mỗi gia đình, phong tục tập quán của cộng đồng, ngăn chặn, đẩy lùi các tệ nạn xã hội. Trong quá trình triển khai thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình, đã xuất hiện nhiều gương điển hình văn hóa ứng xử trong gia đình.

Gia đình 4 thế hệ của cụ Nguyễn Thị Tỵ, huyện Đông Anh, là một trong những gia đình “tứ đại đồng đường” điển hình tại vùng ngoại thành Hà Nội. Đại gia đình gồm 10 người vẫn ngày ngày sinh hoạt dưới một mái nhà, không khí gia đình luôn đầm ấm, hòa thuận, là tấm gương cho nhiều gia đình khác trong thôn xóm noi theo.

Gia đình cụ Lê Hữu Cường ở Đông Anh, là một trong những gia đình đa thế hệ mẫu mực. Cụ Cường - Đảng viên gương mẫu luôn là tấm gương để con cháu học tập, noi theo. 8 con người sống chung một mái nhà, mỗi người một tính cách nhưng hiếm khi nào gia đình cụ xảy ra những tiếng cãi vã, hay mâu thuẫn với nhau. Để giữ cân bằng giữa các thành viên trong nhà, bậc làm cha, mẹ bao giờ cũng phải là gương sáng trước con cái, cháu chắt, phải biết phân biệt đúng sai, phải nắm được tâm lý của từng người mới có thể dễ dàng dạy dỗ, bảo ban.

Gia đình của cụ Nguyễn Thị Chắt ở xã Sen Phương (huyện Phúc Thọ), hầu như ai cũng biết đến 4 thế hệ gia đình cụ với hàng chục thành viên sống trong một mái nhà. Để duy trì được hạnh phúc thì mỗi người đều vừa nghĩ đến hạnh phúc cá nhân, vừa nghĩ đến quyền lợi của những người xung quanh, nghĩ đến gìn giữ hạnh phúc gia đình, những yếu tố “gốc” của văn hóa gia đình Việt Nam được phát huy tối đa. Đó là đạo lý về hiếu thảo, “trên kính - dưới nhường”, đó là người đi trước làm gương để người sau tin tưởng, tôn trọng; gia đình cụ luôn giáo dục các cháu từ lúc nhỏ ý thức giữ gìn nếp sống gia đình mà ông bà, cha mẹ đã dựng xây nhiều thế hệ đến nay.

Ông Nguyễn Văn Đức, Tổ dân phố số 13, phường Bồ Đề, quận Long Biên, chia sẻ kinh nghiệm thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình

Ông Nguyễn Văn Đức, Tổ dân phố số 13, phường Bồ Đề, quận Long Biên, chia sẻ kinh nghiệm thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình

Ông Nguyễn Văn Đức, Tổ dân phố số 13, phường Bồ Đề (quận Long Biên) chia sẻ, Bộ tiêu chí ứng xử gia đình là những nội dung thiết thực, gần gũi và có tác dụng trực tiếp đến gia đình, chúng tôi đã cùng nhau chia sẻ, tuyên truyền, vận động các thành viên thực hiện các nội dung của Bộ tiêu chí: tiêu chí ứng xử chung; tiêu chí ứng xử của vợ, chồng; tiêu chí ứng xử của cha mẹ với con, ông bà với cháu; tiêu chí ứng xử của con với cha mẹ, cháu với ông bà; tiêu chí ứng xử của anh, chị, em.

"Trong đó, tiêu chí ứng xử chung được gia đình tôi quan tâm, thực hiện hơn cả. Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, bắt đầu là những câu chuyện nho nhỏ với con trẻ, tiếp đến là những bữa cơm, những khi có cả người lớn tề tựu, rồi các hoạt động tập trung dịp lễ, tết, kỷ niệm, sinh nhật có cả gia đình lớn, chúng tôi đều lồng ghép, nói chuyện về việc ứng xử, về sự tôn trọng, bình đẳng, yêu thương và sẻ chia" - ông Nguyễn Văn Đức cho hay.

Sự vào cuộc của các cấp ngành, đoàn thể

Bà Trần Thị Vân Anh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội chủ trì tọa đàm

Bà Trần Thị Vân Anh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội chủ trì tọa đàm

Để triển khai hiệu quả Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình, các cấp ngành, đoàn thể từ thành phố đến cơ sở đều tích cực vào cuộc. Phó Chủ tịch UBND phường Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng) Trần Thị Minh Vân cho biết: “Phường đã tổ chức 2 hội nghị triển khai, tuyên truyền thực hiện Bộ tiêu chí, đồng thời phát hơn 5.000 tờ rơi tuyên truyền Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình. Đặc biệt các địa bàn dân cư, tổ dân phố cũng lồng ghép tuyên truyền Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình qua các buổi họp giao ban tại tổ, địa bàn. Cán bộ tổ dân phố đến từng gia đình phát tài liệu, vận động, hướng dẫn, đạt 100% hộ gia đình đăng ký thực hiện Bộ tiêu chí”.

Kết luận tọa đàm, Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Trần Thị Vân Anh khẳng định, vai trò gia đình là tế bào của xã hội. Với vị thế là trung tâm của cả nước, trong những năm qua, Đảng bộ và chính quyền các cấp của TP Hà Nội luôn coi trọng công tác gia đình. Thành ủy Hà Nội đưa công tác xây dựng gia đình Thủ đô thời kỳ mới là nội dung quan trọng trong thực hiện các chương trình công tác toàn khóa, đặc biệt là Chương trình 06 - CTr/TU về phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch - văn minh giai đoạn 2021 - 2025 và Chương trình 08 - CTr/TU về phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021 – 2025 của Ban chấp hành Đảng bộ Thành phố khóa XVII.

Để Bộ tiêu chí ứng xử ngày càng lan tỏa trong đời sống Thủ đô, theo Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Trần Thị Vân Anh, thời gian tới, Sở tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai có hiệu quả Bộ tiêu chí, đồng thời kêu gọi các cấp chính quyền từ thành phố tới cơ sở, mọi tầng lớp nhân dân tham gia, góp phần xây dựng gia đình thật sự là tổ ấm của mỗi người, là tế bào lành mạnh của xã hội.