Công bằng để hạn chế mâu thuẫn giữa các thành viên trong gia đình
Gần đây nổi lên một số vụ án đau lòng như anh giết cả nhà em chỉ vì 0,5 m đất ở Đan Phượng, hay vụ anh giết gia đình em gái ở Thái Nguyên vì nợ tiền. Có lẽ do quá bị chi phối bởi đồng tiền đã làm đảo lộn các giá trị đạo đức gia đình. Vậy theo ông, mâu thuẫn giữa anh, chị, em có thể hoá giải bằng cách nào?
Theo tôi, để giảm thiểu những câu chuyện đáng tiếc trong gia đình xảy ra, phụ thuộc chủ yếu vào chính những thành viên trong gia đình, mà bố mẹ, ông bà là nhân tố quan trọng. Ông bà, bố mẹ ngoài trách nhiệm nêu gương cho con cháu, còn có trách nhiệm lớn trong việc giáo dục nền nếp gia phong, quy tụ con cháu, công bằng trong ứng xử và chia sẻ với con cháu.
Ông Ngô Văn Nam, Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình,
Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội
Để hạn chế mâu thuẫn, mỗi gia đình, các bậc ông bà, bố mẹ phải thực hiện thực sự công tâm, đó là sự công bằng, không bên nặng bên nhẹ. Công bằng ở 2 lĩnh vực, công bằng trong quyền lợi giữa các con. Nhưng ở quyền lợi, sự công bằng đó chỉ là tương đối, công bằng sao cho phù hợp với từng con, từng hoàn cảnh để có ứng xử phù hợp. Và thứ hai, công bằng về mặt tình cảm. Trong gia đình, các con đều được quyền hưởng tình cảm yêu thương của bố mẹ dành cho là như nhau. Việc thiên vị dễ dẫn đến ức chế, nảy sinh suy nghĩ tiêu cực giữa các thành viên trong gia đình, và đó là mầm mống để phát sinh ra những hành động đáng tiếc. Bên cạnh đó, khi xảy ra các xung đột lợi ích, ông bà, cha mẹ cần thể hiện vai trò, trách nhiệm của mình trong việc giáo dục, kiên trì thuyết phục cho từng đối tượng với phương châm “cơm sôi bớt lửa”…
Các mối quan hệ gia đình cần được nuôi dưỡng, củng cố vững chắc hơn
Theo ông, việc Bộ VHTTDL đưa ra Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình có ý nghĩa lớn thế nào trong việc xác định, và từng bước đưa vào cuộc sống các chuẩn mực, giá trị đạo đức, văn hoá con người Việt Nam trong thời hội nhập quốc tế?
Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình ghi nhận những giá trị truyền thống tốt đẹp trong gia đình: Tôn trọng, Bình đẳng, Yêu thương, Chia sẻ. Thực tế Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình không hề xa lạ với những truyền thống, nề nếp gia phong trong gia đình Việt Nam bao đời nay. Đưa Bộ tiêu chí này vào cuộc sống với mục đích củng cố vững chắc hơn các mối quan hệ gia đình.
Đại diện lãnh đạo Bộ VH-TT&DL, Sở VH-TT Hà Nội, chứng kiến Lễ ký cam kết của đại diện 300 hộ gia đình ở phường Khương Trung (Q. Thanh Xuân, Hà Nội) thực hiện Bộ Quy tắc ứng xử trong gia đình ở các nhóm vợ chồng, cha mẹ, ông bà, con cháu, anh chị em.
Với các tiêu chí chung và 4 nhóm tiêu chí, mọi người đều có thể bắt gặp ở mọi nơi, mọi chỗ, ở trong mọi gia đình truyền thống Việt Nam. Cụ thể, đó là truyền thống “chị ngã em nâng”, “anh em như thể tay chân”, “thuận vợ, thuận chồng tát biển Đông cũng cạn”… hoặc đạo lý kính trên nhường dưới, hiếu thảo với cha mẹ, ông bà; ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền. Đưa Bộ tiêu chí ra để thực hiện, mục đích để mối quan hệ gia đình được củng cố vững chắc, bền bỉ hơn trong thời buổi kinh tế thị trường mọi người, mọi nhà đều say sưa phát triển kinh tế mà đôi lúc quên đi các mối quan hệ gia đình cần được nuôi dưỡng.
Ông có thể cho biết cụ thể hơn về 4 nhóm tiêu chí trong Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình?
Cụ thể về nhóm tiêu chí vợ - chồng, đó là nội dung vợ chồng có tình cảm trước sau như một, không thay đổi; chăm sóc nhau, cùng có trách nhiệm nuôi dạy con, làm việc nhà, đóng góp tài chính cho gia đình; lắng nghe, cùng nhau thảo luận những vấn đề chung, hòa nhã với nhau. Nhóm tiêu chí cha mẹ - con, ông bà – cháu: ông bà, cha mẹ làm gương tốt cho con, cháu trong cử chỉ, hành động, lời nói; quan tâm, chăm sóc con cháu khi con cháu còn nhỏ; trao truyền các giá trị văn hóa truyền thống, kinh nghiệm sống cho con cháu; giáo dục đạo đức, lối sống, động viên con cháu giữ gìn nề nếp, gia phong, sống có tình cảm gắn bó với gia đình, quê hương đất nước.
Cũng theo đó, nhóm tiêu chí con – cha mẹ: Con, cháu có lời nói, cử chỉ hành động thể hiện sự kính trọng, biết ơn, giúp đỡ cha mẹ, ông bà; thăm hỏi, chăm sóc động viên, nuôi dưỡng cha mẹ, ông bà khi cha mẹ, ông bà ốm đau, già yếu. Nhóm tiêu chí anh, chị, em; Anh chị em tôn trọng, bảo nhau điều hay, lẽ phải, anh chị bao dung với em, em kính trọng anh chị; cùng chia sẻ với nhau tình cảm hoặc vật chất lúc vui buồn, giúp đỡ nhau lúc khó khăn, hoạn nạn.
Mỗi gia đình là một hạt nhân, mà gia đình êm ấm, hạnh phúc thì xã hội sẽ bình yên. Việc triển khai đưa Bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình vào thực hiện là hết sức cần thiết, bởi việc triển khai Bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình còn nhằm củng cố ý thức pháp luật, đề cao đạo đức, lương tâm, trách nhiệm của mỗi con người với bản thân, gia đình, cộng đồng, xã hội và đất nước, ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức trong gia đình và xã hội; nâng cao nhận thức về xây dựng, giữ gìn hạnh phúc bền vững của mỗi gia đình, hướng tới sự ổn định, văn minh cho toàn xã hội.
Xin cảm ơn ông Ngô Văn Nam.
Hồng Nga / TC Gia đình & Trẻ em