Theo Bộ TN&MT, kết quả phân tích các mẫu bùn thải Formosa chôn lấp ở Hà Tĩnh cho thấy, hàm lượng Xyanua (một trong hai độc tố gây ra sự cố cá chết hàng loạt) vượt ngưỡng cho phép. Vì thế, gần 400 tấn bùn thải của Formosa là chất thải nguy hại. Việc Cty cổ phần tư vấn xây dựng quản lý môi trường đô thị Kỳ Anh chôn lấp trái phép số bùn thải này là dấu hiệu tội phạm môi trường.
Bùn thải của Formosa có độc tố Xyanua gây chết cá
Theo Bộ TN&MT, trong quá trình xử lý vụ việc chôn lấp trái phép bùn thải Formosa, đoàn công tác đã lấy 38 mẫu bùn thải, 30 mẫu đất, một mẫu nước giếng khoan và ba mẫu nước suối trong khu vực chôn lấp để phân tích.
Việc phân tích mẫu được giao cho ba phòng thí nghiệm đủ tiêu chuẩn xử lý, phân tích và đối chứng. Đến ngày 1/8/2016, sau khi tổng hợp kết quả, so sánh, đối chứng, đánh giá kết quả phân tích từ các phòng thí nghiệm, Bộ TN&MT kết luận, trong chất thải chôn lấp trái phép có một số mẫu bùn thải có chứa thông số xyanua vượt ngưỡng chất thải nguy hại. Đây là một trong hai độc tố (cùng với phenol) đã gây ra sự cố cá chết hàng loạt ở miền Trung. Với hàm lượng xyanua vào ngưỡng nguy hại, các mẫu bùn thải này được coi là chất thải nguy hại.
Bộ TN&MT cho biết, theo quy định tại Khoản 2 Điều 85 của Luật Bảo vệ môi trường: “chất thải thông thường có lẫn chất thải nguy hại vượt ngưỡng quy định mà không thể phân loại được thì phải quản lý theo quy định của pháp luật về chất thải nguy hại”. Khoản 1 Điều 29 của Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu cũng quy định chất thải rắn công nghiệp thông thường phải được phân định, phân loại riêng với chất thải nguy hại, trường hợp không thể phân loại được thì phải quản lý theo quy định về chất thải nguy hại.
Vì vậy, Bộ TN&MT kết luận, bùn thải bị chôn lấp trái phép của Formosa là chất thải công nghiệp có lẫn chất thải nguy hại, phải được quản lý theo quy định về chất thải nguy hại và phải được chuyển giao cho đơn vị có chức năng, được cấp phép xử lý theo quy định của pháp luật. Trong khi đó, Cty cổ phần tư vấn xây dựng quản lý môi trường đô thị Kỳ Anh không được cấp phép xử lý chất thải nguy hai.
Phạt hành chính Formosa, xử lý hình sự Cty Kỳ Anh?
Theo Bộ TN&MT, trong vụ việc chôn lấp trái phép bùn thải, Công ty Formosa Hà Tĩnh đã có các hành vi vi phạm gồm không phân định, phân loại, xác định đúng số lượng, khối lượng chất thải nguy hại phải đăng ký và quản lý theo quy định. Đơn vị này đã chuyển giao chất thải nguy hại cho tổ chức, cá nhân không có giấy phép xử lý chất thải nguy hại. Với các vi phạm trên, Formosa sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính và phải khắc phục ngay hậu quả do việc chuyển giao bùn thải không đúng quy định.
Cụ thể, Công ty Formosa chịu hoàn toàn trách nhiệm phối hợp với Công ty cổ phần tư vấn xây dựng quản lý môi trường Kỳ Anh tiến hành ký hợp đồng với đơn vị có chức năng vận chuyển xử lý chất thải nguy hại và chịu toàn bộ chi phí cho việc xử lý này. Tổng số bùn thải của Formosa được bốc xúc, lưu giữ hiện nay là 390,72 tấn (bao gồm cả đất đá lẫn trong đó). Hiện tại số bùn thải được niêm phong và lưu giữ tại cơ sở xử lý chất thải của Công ty TNHH Một Thành viên chế biến chất thải công nghiệp Hà Tĩnh.
Trong quá trình vận chuyển, xử lý, Bộ TN&MT giao Sở TN&MT tỉnh Hà Tĩnh có trách nhiệm chủ trì và phối hợp giám sát, kiểm tra. Ngoài ra, Formosa phải tiến hành đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại đối với các loại bùn thải nguy hại phát sinh, xây dựng kế hoạch xử lý chất thải (công nghiệp rắn thông thường, chất thải sinh hoạt và chất thải nguy hại) cho toàn bộ Dự án và phải hoàn thành, trình cấp có thẩm quyền trước 30/8/2016.
Với Công ty cổ phần tư vấn xây dựng quản lý môi trường Kỳ Anh, Bộ TN&MT cho rằng, việc chôn lấp trái phép bùn thải nguy hại có dấu hiệu tội phạm về môi trường. Bộ TN&MT sẽ bàn giao toàn bộ hồ sơ vụ vi phạm của Công ty cổ phần tư vấn xây dựng quản lý môi trường Kỳ Anh cho Công an tỉnh Hà Tĩnh để điều tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Cần lấy thêm mẫu đất, nước ngầm để phân tích
Theo PGS.TS Trịnh Văn Tuyên, Viện trưởng Viện Công nghệ Môi trường, xyanua tan trong nước. Vì vậy, xyanua trong bùn thải, nếu không được chôn lấp đúng quy chuẩn sẽ theo nước mưa ngấm xuống đất, nước ngầm, gây ô nhiễm đất, nước ngầm.
Liên quan đến chất lượng nước, đất khu vực chôn lấp bùn thải, theo Bộ TN&MT, kết quả khảo sát cho thấy nước mặt, nước ngầm và đất tại vị trí chôn lấp bùn thải và khu vực xung quanh chưa bị ô nhiễm do việc chôn lấp trái phép bùn thải trái phép. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng, số lượng mẫu nước ngầm, nước mặt chưa nhiều trong khi việc chôn lấp ở nhiều địa điểm. Vì thế cần tiếp tục lấy mẫu đất, nước ngầm, nước mặt ở các khu vực chôn lấp bùn thải để phân tích.
Về vấn đề xử lý gần 400 tấn bùn thải, theo PGS.TS Trịnh Văn Tuyên, bùn thải nhiễm xyanua có thể xử lý bằng cách chôn lấp đặc biệt. Các công ty được cấp phép xử lý chất thải nguy hại có thể làm việc này. Giá thành của việc chôn lấp mỗi công ty khác nhau nhưng ước khoảng hơn 10 triệu đồng một tấn. Với số lượng gần 400 tấn, việc chôn lấp có thể hết trên dưới 4 tỷ đồng.
ĐTM của dự án Formosa không xếp bùn thải vào nhóm nguy hại Theo báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương Formosa Hà Tĩnh giai đoạn 1, bùn thải của Formosa được thải ra từ hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt, hệ thống xử lý nước thải cốc và phân xưởng nung vôi. Trong đó, theo một chuyên gia về xử lý nước thải, bùn thải từ hệ thống xử lý nước thải luyện cốc có thể chứa nhiều tạp chất như phenol, xyanua, kim loại nặng. Tuy nhiên, báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án xếp đây là chất thải rắn công nghiệp chứ không phải chất thải nguy hại. Xyanua là một chất hóa học rất độc, phản ứng nhanh. Tiếp xúc với một lượng lớn xyanua có thể gây tổn thương cho não và tim mạch, nếu tiếp xúc ở liều lượng thấp có thể gây những hậu quả như khó thở, đau tim, nôn mửa, thay đổi máu, đau đầu, làm rộng tuyến giáp. Ở một hàm lượng nhất định, xyanua có khả năng gây chết người và sinh vật. |