Theo đó, vào sáng 13/8, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành phần chất vấn và trả lời chất vấn đối với nhóm vấn đề thứ nhất: Việc thực hiện các chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số rất ít người trong việc tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản (giáo dục-đào tạo, y tế…), hạ tầng xã hội, hỗ trợ phát triển sản xuất, đào tạo nghề, giải quyết việc làm; công tác giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến sẽ trả lời chính nhóm vấn đề này.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Đỗ Văn Chiến
Tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan gồm: Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Giao thông vận tải; Giáo dục và Đào tạo; Y tế; Lao động - Thương binh và Xã hội; Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Chiều 13/8, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ điều hành phần chất vấn và trả lời chất vấn đối với nhóm vấn đề thứ hai: Công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, nhất là ở các thành phố lớn, khu công nghiệp. Công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người; tội phạm kinh tế; tội phạm về chức vụ; tội phạm sử dụng công nghệ cao; tội phạm ma túy. Công tác quản lý, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Trách nhiệm trả lời chính nhóm vấn đề này là Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm
Tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan gồm: Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Thanh tra Chính phủ, Tổng Kiểm toán nhà nước, Thống đốc Ngân hàng nhà nước, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.
Thời gian chất vấn và trả lời chất vấn trong một ngày và vẫn áp dụng hình thức đổi mới từ kỳ chất vấn tại phiên họp lần thứ 22. Theo đó, đại biểu Quốc hội nêu chất vấn ngắn gọn, rõ ý, không quá 1 phút mỗi lần. Sau đó người được chất vấn sẽ trả lời ngay câu hỏi của đại biểu. Trong trường hợp đại biểu Quốc hội chưa thỏa mãn với câu trả lời thì có thể sử dụng bảng để đăng ký tranh luận như tại phiên chất vấn ở Quốc hội, thời gian hỏi và trả lời khi tranh luận ngắn hơn quy định nêu trên.