Sáng nay 14/7 tại Hà Nội, Bộ LĐ-TB&XH tổ chức trực tuyến Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm lĩnh vực lao động, người có công và xã hội và thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg.
Nguy cơ đứt chuỗi cung ứng lao động ngày càng hiện hữu
Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhận định, trong 6 tháng đầu năm nhiều sự kiện quan trọng của đất nước đã diễn ra thành công như: Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13, Bầu cử Quốc hội khóa 15 và HĐNĐ các cấp nhiệm kỳ 2021-2026…
Tuy nhiên, theo Lãnh đạo Bộ, đi liền với đó là những thách thức lớn, đặc biệt từ đợt dịch Covid-19 lần thứ tư (bắt đầu từ ngày 27/4 vừa qua), "Trong bối cảnh đó, cả nước đã thực hiện mục tiêu kép, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, đời sống nhân dân trong muôn vàn khó khăn, nhưng Đảng, Nhà nước, các cấp các ngành đặc biệt quan tâm, do đó đời sống người dân cơ bản ổn định, an sinh xã hội được bảo đảm".
"Và đặc biệt, công ăn việc làm trong bối cảnh tác động rất lớn của đại dịch nhưng cơ bản được duy trì", ông Dung nhấn mạnh thêm.
Đánh giá về tình hình Covid-19 hiện nay, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng tác động của dịch bệnh rất mạnh mẽ và sâu rộng. Đặc biệt đợt dịch lần thứ 4 (27/4), ảnh hưởng tới lao động và việc làm rất lớn.
Viện dẫn số liệu của Tổng Cục Thống kê, lãnh đạo Bộ nêu, quý I tỷ lệ thất nghiệp là 2,42%, tỷ lệ thiếu việc làm 2,6%, nhất là khu vực phi chính thức trên 60 %. Có thể thấy, lao động tự do ảnh hưởng lớn nhất là khu vực đô thị.
"Những lĩnh vực vốn dĩ đã bị ảnh hưởng bởi đại dịch như lĩnh vực: Thương mại, nhà hàng, khách sạn… nay càng bị ảnh hưởng sâu hơn", Bộ trưởng nhấn mạnh và bày tỏ quan ngại, cùng với đứt chuỗi cung ứng nguyên vật liệu thì nguy cơ đứt chuỗi về cung ứng lao động ngày càng hiện hữu.
Dịch Covid-19: Đặt ra những gánh nặng lớn về công ăn việc làm
Đặc biệt, đợt dịch lần thứ 4 đã xâm nhập vào "thành trì", "pháo đài" quan trọng đó là khu vực công nghiệp, chế xuất, khu vực doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động. "Đây vừa là khu vực tăng trưởng cơ bản, nền tảng vừa là nơi thu hút lực lượng lao động rất lớn", ông nói.
Theo thống kê, có đến 130.000 lao động của tỉnh Bắc Giang bị dừng hoạt động, tới nay dần khôi phục và đã có 80.000 người đi làm trở lại. Hay trong 2 tuần qua, TP. HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Đồng Tháp, Vũng Tàu.... ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch, nhất là TP Hồ Chí Minh phải thực hiện Chỉ thị 16, nơi có 1,6 triệu lao động trực tiếp, Bình Dương có 1,2 triệu lao động, Đồng Nai có 1 triệu lao động...
"Tác động của dịch Covid-19 là vô cùng lớn. Điều này cho thấy vấn đề đời sống, công ăn việc làm đặt ra những gánh nặng lớn đối với chúng ta", Bộ trưởng trăn trở.
Chưa dừng lại ở đó, tình trạng người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần gia tăng, rồi tỷ lệ người nhận bảo hiểm thất nghiệp cũng tăng… và dự báo sẽ không chỉ dừng lại như hiện nay mà còn tiếp tục gia tăng.
Các điểm cầu tại 63 tỉnh, thành tham dự Hội nghị
Dư luận xã hội đồng tình với những chính sách chúng ta đưa ra
"Trong bối cảnh đó, toàn ngành đã nỗ lực rất lớn", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói và cho biết, ông đã từng chia sẻ với báo chí, từ Bộ trưởng cho đến các chuyên viên "vừa chạy vừa xếp hàng" để thực hiện các chủ trương chính sách, đưa gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ đến tay người dân.
Việc ban hành Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg có ý nghĩa rất lớn trong bối cảnh người lao động và sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch như hiện nay.
Với sự quyết tâm và nỗ lực gấp rút đó, Bộ trưởng khẳng định: "Chúng ta làm bài bản, chặt chẽ. Đến giờ dư luận xã hội đồng tình với những chính sách chúng ta đưa ra".
Rút kinh nghiệm từ việc triển khai Nghị quyết 42/NQ-CP, Bộ đã chủ động hơn trong việc đề xuất báo cáo Bộ Chính trị, xin ý kiến Đảng Đoàn Quốc hội… Trên cơ sở đó, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg; với tinh thần thông thoáng nhất có thể; giảm bớt các thủ tục, giảm bớt phiền hà, rút ngắn thời gian.
Đến thời điểm này, hơn 1 tuần đã có 33/63 tỉnh thành đã ban hành quyết định triển khai Nghị quyết 68.
Tại Hội nghị, Bộ trưởng hoan nghênh một số các địa phương, ngay sau khi có Nghị quyết 68, các địa phương đã chủ động triển khai. Nhiều tỉnh, thành và BHXH Việt Nam, Ngân hàng chính sách xã hội triển khai nhanh sau vài ngày từ khi có Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg.
Ngân hàng Chính sách giảm thủ tục từ 25 ngày xuống còn 5 ngày. Có những nội dung từ 40 ngày xuống còn tối đa còn 7 ngày. Thủ tục giấy tờ bớt đi nên các đơn vị triển khai rất nhanh.
Để "gói" hỗ trợ đến được với người lao động và chủ sử dụng lao động nhanh nhất, Bộ trưởng cho biết thêm, trong chuyến tháp tùng Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đi Long An, Tây Ninh, tại buổi làm việc 21h đêm, lãnh đạo tỉnh cho biết ngày mai ban hành quyết định nhưng Thủ tướng yêu cầu ban hành ngay quyết định của UBND tỉnh ngay trong đêm.
Bộ trưởng hoanh nghênh TP. Hồ Chí Minh, trong 3 ngày thực hiện Chỉ thị 16 đã giải giân được 100 tỷ đồng, hơn 226 nghìn lao động tự do được hỗ trợ và dự kiến giải ngân xong trong ngày hôm nay 14/7.
"Bắt đầu từ ngày mai 15/7, TP. Hồ Chí Minh chuyển sang hỗ trợ đối tượng người lao động có hợp đồng lao động. Dự kiến 30/7, việc hỗ trợ theo kế hoạch của TPHCM sẽ hoàn thành. Cùng với đó, cũng có nhiều đơn vị chủ động đề xuất các chính sách vượt trên Nghị quyết 68", ông Dung nhấn mạnh.
Về các nội dung khác, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin, hiện đang được Bộ triển khai toàn diện như: trình Ban Bí thư ban hành Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030; trình Quốc hội khóa XV đề nghị phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo và An sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021-2025. Các nội dung trẻ em, bình đẳng giới, bảo trợ xã hội… cũng thực hiện tốt.