Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: 85% học sinh trường nghề ra trường có việc làm

(Dân sinh) - Trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội về phát triển giáo dục nghề nghiệp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, hiện nay đa phần học sinh ra trường, có khoảng 85% học sinh ở các trường nghề đều có việc làm. Đây là điều rất đáng mừng và Bộ LĐ-TB&XH sẽ tiếp tục có một số giải pháp nhằm thu hút học sinh vào trường nghề…

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tham dự phiên chất vấn nhóm vấn đề về lao động, thương binh, và xã hội. Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đăng đàn trả lời chính. (Ảnh: quochoi.vn)

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tham dự phiên chất vấn nhóm vấn đề về lao động, thương binh, và xã hội. Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đăng đàn trả lời chính. (Ảnh: quochoi.vn)

Tại phiên chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Lao động-TB&XH Đào Ngọc Dung ngày 6/6 vừa qua, kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, một trong những nội dung nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) là vấn đề phát triển giáo dục nghề nghiệp.

Muốn đổi mới giáo dục nghề nghiệp, thì đầu tiên là phải làm thay đổi nhận thức xã hội

Đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương (Quảng Ngãi) chất vấn, giải pháp của Bộ Lao động – TB&XH về giáo dục nghề nghiệp là có chính sách để thu hút học sinh khá, giỏi vào giáo dục nghề nghiệp.

“Xin Bộ trưởng cho biết đó là những chính sách gì, khi nào được thực hiện và bao giờ thì giáo dục nghề nghiệp được học sinh lựa chọn, chứ không phải là sự lựa chọn sau cùng khi không thi đỗ vào lớp 10, vào đại học?”

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, sẽ thiết kế các chính sách và đặc biệt là hỗ trợ chính sách cho sinh viên học nghề

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, sẽ thiết kế các chính sách và đặc biệt là hỗ trợ chính sách cho sinh viên học nghề

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, giáo dục nghề nghiệp là một bậc trong hệ thống giáo dục quốc dân, và thời gian vừa qua Chính phủ cũng đã hoàn thiện toàn bộ cơ cấu hệ thống giáo dục, và giáo dục nghề nghiệp là một bậc, cũng như là một sự liên thông giữa giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và cũng là giáo dục đại học.

“Quốc hội gần đây cũng đã thông qua 3 luật, trong đó có liên quan đến lĩnh vực này, đó là Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục và Luật Dạy nghề”, ông Dung nói.

Cho biết hiện nay quy mô tuyển sinh khoảng 2 triệu sinh viên, học sinh và học nghề, theo Lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH, nếu như so lại cách đây 5 năm, bình quân mỗi năm chỉ tuyển được khoảng 500.000 người, thì có thể thấy đã có sự tiến bộ rất rõ rệt.

“Và trong 2 triệu này thì khoảng 25% là trung cấp, những năm trước đây thông thường chiếm 5 - 10% là cao đẳng, nhưng hiện nay là khoảng 26% là cao đẳng, cho thấy sự tiến bộ rõ nét”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung dẫn chứng, tuy nhiên, ông cũng thẳng thắn, giáo dục nghề nghiệp hiện nay cả về quy mô, chất lượng cũng còn rất nhiều điều phải quan tâm.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trước thềm phiên chất vấn

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trước thềm phiên chất vấn

Ông Dung phân tích, quy mô thì chưa lớn, chất lượng giáo dục nghề nghiệp cũng còn những vấn đề mà cần phải tiếp tục đổi mới và cải thiện. Các hệ thống chính sách pháp luật, các chế độ, chính sách nhằm ưu đãi, nhằm khuyến khích, tạo điều kiện cho học sinh vào các trường nghề cũng chưa được tiến hành nhiều.

Có 3 vấn đề chúng tôi quan tâm, muốn đổi mới giáo dục nghề nghiệp thì việc đầu tiên là phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, làm thay đổi nhận thức xã hội. Ngay trong câu hỏi của đại biểu cũng đã nêu rõ, phần đa số học sinh, sinh viên vào trường nghề hiện nay rơi vào mấy trường hợp sau đây:

Thứ nhất là số không có nhu cầu hoặc là khó có nhu cầu học lên cao; Thứ hai là số này phần đông cũng là do điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, muốn đi học ngắn hơn để ra trường có việc làm ngay; Thứ ba là bản thân cũng có nhu cầu nhất định, tất nhiên không phải tất cả đều là khó khăn, đều là yếu kém.

Tuy nhiên, bức tranh như vậy, thời gian vừa qua thì chúng ta cũng có nhiều chính sách, ví dụ như chính sách khuyến khích đối với các em ở khu vực đồng bào dân tộc thiểu số đi học nghề là miễn phí hoàn toàn, các em học nghề ra thì được ưu tiên tìm việc. Số tiên tiến thì được đào tạo chương trình chất lượng cao miễn phí, đặc biệt là chương trình đào tạo theo 34 bộ giáo trình của Úc.

Đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi) là 1 trong 99 đại biểu tham gia chất vấn. Phiên chất vấn dành cho Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, theo đánh giá của Chủ tịch Quốc hội là số lượng đăng ký chất vấn đông kỷ lục

Đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi) là 1 trong 99 đại biểu tham gia chất vấn. Phiên chất vấn dành cho Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, theo đánh giá của Chủ tịch Quốc hội là số lượng đăng ký chất vấn "đông kỷ lục"

Thứ tư là chúng ta có nhiều giải pháp để kết nối với doanh nghiệp, tạo công ăn việc làm ngay cho các cháu. Do đó, hiện nay phần đa các cháu ra trường khoảng 85% ở các trường nghề đều có việc làm. “Đây là điều rất đáng mừng”, ông Dung nói.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện một số giải pháp nhằm thu hút các cháu vào trường nghề. Với một suy nghĩ, quan trọng nhất là tạo sự ủng hộ của các bậc cha mẹ và bản thân người học. Và khi các cháu vào học, ra trường thì có việc làm, có thu nhập ổn định, có cuộc sống tương đối tốt. Thứ ba là các cháu sau khi ra trường mà có nhu cầu học lên, có khả năng học lên thì được học liên thông”, Bộ trưởng Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ.

Theo 3 hướng này, tư lệnh ngành Lao động khẳng định, sẽ tạo điều kiện theo hướng đó để thiết kế các chính sách và đặc biệt là hỗ trợ chính sách cho sinh viên học nghề.

Đây là lần thứ 2 Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đăng đàn trả lời chất vấn đại biểu quốc hội khóa XV. (Trước đó, ông đã là tư lệnh ngành đăng đàn tại kỳ họp thứ 2)

Đây là lần thứ 2 Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đăng đàn trả lời chất vấn đại biểu quốc hội khóa XV. (Trước đó, ông đã là tư lệnh ngành đăng đàn tại kỳ họp thứ 2)

Quy hoạch lại mạng lưới GDNN theo nguyên tắc các trung tâm GDNN thì "3 trong 1", "2 trong 1"

Trả lời chất vấn của đại biểu Trần Thị Thanh Hương (An Giang) về nội dung lựa chọn học nghề có chiều hướng gia tăng, nhưng số lượng lao động được đào tạo nghề vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu.

Đại biểu hỏi, ngành lao động cần làm gì để nâng cao hơn nữa hiệu quả việc phân luồng học sinh và chủ động dự báo nhu cầu đào tạo nghề theo từng lĩnh vực, trình độ làm căn cứ xây dựng kế hoạch tuyển sinh phù hợp với xu hướng chuyển dịch lao động hiện nay.

“Và những bất hợp lý trong trùng lắp ngành, nghề đào tạo sẽ được chấn chỉnh như thế nào để giúp cho giáo dục nghề nghiệp gắn chặt hơn với thị trường lao động của từng ngành, từng địa phương trong thời gian tới?”.

Về câu hỏi của đại biểu Trần Thị Thanh Hương, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng thời gian vừa qua công tác tuyển sinh, công tác giáo dục nghề nghiệp có những bước tiến bộ nhất định, đặc biệt cách đây hơn 1 tháng thì Bộ Lao động – TB&XH, Ban Cán sự đảng Bộ Lao động – TB&XH đã báo cáo với Ban Bí thư và tổng kết lại 10 năm về công tác giáo dục nghề nghiệp và Ban Bí thư ngày 4/5/2023 đã ban hành Chỉ thị 21 về đổi mới phát triển giáo dục nghề nghiệp cho đến năm 2030 và tầm nhìn 2045.

Toàn cảnh phiên chất vấn

Toàn cảnh phiên chất vấn

Trong các nội dung này thì có đề cập, chúng tôi có báo cáo và đề cập đến quy mô, chất lượng đào tạo và đúng là mặc dù có tiến bộ nhưng quy hoạch mạng lưới có một vài bất cập.

Bộ trưởng đơn cử: “Hiện nay, cùng trên một địa bàn thì có nhiều trường nghề khác nhau, có nhiều ngành, nghề khác nhau, trùng nhau dẫn đến số sinh viên, học sinh vào không đáp ứng và việc đào tạo ra khó tìm việc”.

Chính vì vậy, ông Đào Ngọc Dung cho biết, thời gian tới đây có 2 việc quan trọng nhất: Một là đào tạo gắn với nhu cầu thị trường, muốn làm được điều này như đại biểu nói, chắc chắn là phải làm quyết liệt hơn dự báo cung cầu và chỉ tiến hành đào tạo khi xác định được nhu cầu.

Thứ hai là các trường tiến hành khi liên kết, kết hợp cũng như đặt hàng được với doanh nghiệp, chỉ có như vậy đào tạo ra mới có việc làm, có nghề nghiệp, tránh tình trạng đào tạo ra không có việc làm.

“Vấn đề thứ hai, hiện nay có chồng chéo, trùng lắp trong ngành nghề đào tạo không?”, Bộ trưởng thẳng thắn là: “Có”!

Các trường nghề hiện nay về cơ bản đang thực hiện theo tinh thần việc đào tạo thì được tự chủ, trừ một số ngành nghề đào tạo chất lượng cao mà Nhà nước đặt hàng thì theo yêu cầu, còn phần đông các trường tự chủ vấn đề này. Tình trạng chung của các trường nghề hiện nay tuyển sinh được thì đào tạo, chưa thực sự bám với thị trường, chưa thực sự bám với nhu cầu. Đây là vấn đề thực trạng.

“Vì vậy, thời gian vừa qua tôi thấy rất mừng, 63 tỉnh thành đã cùng với chúng tôi quy hoạch lại mạng lưới giáo dục nghề nghiệp và tổ chức sáp nhập lại các trường trung cấp, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp theo nguyên tắc là các trung tâm giáo dục nghề nghiệp thì 3 trong 1 và 2 trong 1. Một trường cao đẳng ở một địa phương có thể dạy nhiều hệ khác nhau, nhiều chương trình khác nhau - Theo hướng đó, theo đúng tinh thần Nghị quyết 19 của Trung ương”, ông Dung thông tin.

Hai là tiến hành sắp xếp lại hệ thống các trường nghề của các bộ, ngành, đoàn thể theo tinh thần đi về một đầu mối.

"5 năm trước chúng ta thống nhất được một đầu mối quản lý nhà nước về lĩnh vực Giáo dục nghề nghiệp, và chắc chắn năm 2023 này, chúng ta phải sắp xếp lại tất cả các trường nghề ở các địa phương, sẽ hoàn thiện lại quy hoạch theo tinh thần Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược Giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030 và tầm nhìn 2045. Và các ngành nghề của các trường địa phương cũng thế, để tránh tình trạng trùng lặp về chức năng, trùng lặp về ngành nghề đào tạo như hiện nay", ông Dung dứt khoát.

“Chúng ta có nhiều giải pháp để kết nối với doanh nghiệp, tạo công ăn việc làm ngay cho các cháu. Do đó, hiện nay đa phần học sinh ra trường thì có khoảng 85% ở các trường nghề đều có việc làm.

Đây là điều rất đáng mừng và Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục thực hiện một số giải pháp nhằm thu hút học sinh vào trường nghề với một suy nghĩ quan trọng nhất là tạo sự ủng hộ của các bậc cha mẹ và bản thân người học.

Bên cạnh đó là khi học sinh vào học nghề, ra trường thì có việc làm, thu nhập ổn định, có cuộc sống tương đối tốt.

Ngoài ra, sau khi tốt nghiệp trường nghề, học sinh nào có nhu cầu học lên cao hơn thì được học liên thông. Theo như hướng này, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ tạo điều kiện theo hướng đó để thiết kế các chính sách và đặc biệt là hỗ trợ chính sách cho sinh viên học nghề”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung.