Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Giảm dần tuổi hưởng trợ cấp hưu trí, tiệm cận tuổi nghỉ hưu

(Dân sinh) - “Việc điều chỉnh giảm dần độ tuổi trợ cấp hưu trí xã hội, trước mắt Chính phủ đề xuất với Quốc hội giảm từ 80 xuống 75 tuổi, với phương án sẽ tiếp tục giảm dần, tiến tới tiệm cận tuổi nghỉ hưu”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu giải trình, làm rõ các vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu giải trình, làm rõ các vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Sáng 23/11/2023, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội thảo luận ở hội trường dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Sau phần thảo luận, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung phát biểu giải trình, làm rõ các vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Thay mặt Ban soạn thảo và cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực BHXH, Bộ trưởng cảm ơn các đại biểu Quốc hội đã dành sự quan tâm đặc biệt cho dự án Luật BHXH (sửa đổi).

75 tuổi được hưởng trợ cấp hưu trí

Làm rõ thêm một số vấn đề cơ bản, Bộ trưởng nêu, trước hết về trợ cấp hưu trí xã hội, Chính phủ, Ban soạn thảo đã bám sát tinh thần Nghị quyết 28 để thảo luận, cân nhắc và trình với Quốc hội.

Đây là tầng đầu tiên trong hệ thống BHXH đa tầng theo định hướng Nghị quyết 28.

Trợ cấp hưu trí xã hội do NSNN đảm bảo cho người lao động ở các độ tuổi là người cao tuổi, không có lương hưu, không có BHXH hàng tháng. Đồng thời, có chính sách huy động nguồn lực xã hội bổ sung cho các đối tượng này, giúp có mức lương hưu cao hơn.

Việc điều chỉnh giảm dần độ tuổi trợ cấp hưu trí xã hội, trước mắt kỳ này, Chính phủ đề xuất với Quốc hội giảm từ 80 xuống 75 tuổi, với phương án sẽ tiếp tục giảm dần, tiến tới tiệm cận tuổi nghỉ hưu.

“Việc điều chỉnh này sẽ tùy theo tình hình phát triển kinh tế - xã hội, khả năng ngân sách của Nhà nước”, Bộ trưởng Dung nói và cho hay, điều chỉnh thời điểm nào, mức nào thì sẽ do Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Đồng thời, theo Bộ trưởng, để linh hoạt quy định mức hỗ trợ kinh phí cho trợ cấp hưu trí xã hội cũng như các hỗ trợ khác như thai sản, hỗ trợ phụ nữ trẻ em... đã nêu trong dự thảo sẽ giao cho Chính phủ quy định mức này.

“Tất cả mức quy định bằng tiền sẽ giao cho Chính phủ quy định, như vậy sẽ phù hợp và linh hoạt hơn. Còn những mức nào đó quy định ra sao, trách nhiệm của Chính phủ… sẽ báo cáo Thường vụ Quốc hội trước khi xem xét, quyết định theo thẩm quyền”, ông Dung nói.

Đại biểu Quốc hội lắng nghe phiên thảo luận

Đại biểu Quốc hội lắng nghe phiên thảo luận

BHXH một lần: Khó đưa ra một phương án tối ưu

Thứ hai, về rút BHXH một lần, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH khẳng định: “Đây là vấn đề lớn, quan trọng, nhạy cảm, vừa có tính chất chính trị - xã hội nhưng cũng có tính chất chuyên môn rất cao”.

Do đó, Ban soạn thảo và Chính phủ sẽ tiếp tục cân nhắc thấu đáo, nghiên cứu, lấy thêm ý kiến của các đối tượng thụ hưởng, của người sử dụng lao động.

Ông Dung cho hay, để đưa ra phương án rút BHXH một lần, cần hướng tới 2 mục tiêu cơ bản, gồm: Đáp ứng được nhu cầu chính đáng của người tham gia BHXH vẫn có quyền được rút; phải phấn đấu để giữ chân người lao động trong hệ thống đảm bảo an sinh xã hội và chăm lo cho người dân khi về già có lương hưu.

Vì thế, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: “Hiện tại, chúng ta khó có thể đưa ra một phương án tối ưu hay một phương án chỉ có ưu điểm, mà sẽ phải đi theo phương án tiếp tục đề xuất hoặc chọn phương án nào nhiều ưu điểm hơn”.

Qua thảo luận và ý kiến của người lao động, tổ chức lao động và đặc biệt là ý kiến thảo luận của Quốc hội hôm nay, ông Dung cho rằng, việc điều chỉnh hưởng BHXH sẽ tiếp tục được điều chỉnh theo hướng: Người lao động có quyền rút hay không rút BHXH một lần, “nhưng không phân biệt người đóng trước hay đóng sau, sau khi luật có hiệu lực, theo tinh thần đó”.

Làm rõ thêm nội dung này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay, vừa qua, đại biểu nêu nhiều về vấn đề mức cho rút khác nhau, có đại biểu cho rằng chỉ cho rút 8% là phần người lao động đóng, 22% người sử dụng lao động đóng để lại.

Cũng có ý kiến đề nghị giữ lại 14% mà doanh nghiệp đóng, còn 12% người lao động muốn rút thì cho rút.

“Chúng tôi xin báo cáo thêm với Quốc hội, khi Ban soạn thảo đưa ra phương án 2, tức là 50-50 thì ở đây 50 là thời gian đóng, chứ không phải mức đóng. Ở đây cần phải nói rõ là phân biệt để lại 50% là để lại cho người lao động và được ghi nhận trong sổ BHXH để người lao động tiếp tục được hưởng các quyền lợi BHXH”, ông Dung nêu rõ, khi người lao động quay trở lại tham gia thì được cộng hưởng tiếp thời gian đóng.

“Còn nếu không tham gia thì khi đến tuổi nghỉ hưu, người lao động sẽ hưởng trợ cấp hàng tháng”, Bộ trưởng nhấm mạnh thêm.

Lý giải tại sao lại phải chọn phương án 50-50, ông Đào Ngọc Dung chỉ ra có 3 vấn đề. Trước hết là phương án này vẫn đảm bảo được quyền của người tham gia là được hưởng BHXH một lần và công bằng trước, sau khi luật có hiệu lực.

Thứ hai là phù hợp với khuyến nghị của các tổ chức quốc tế, khắc phục được những vướng mắc hiện nay.

Thứ ba là giữ được chân người lao động.

Toàn cảnh phiên thảo luận tại Hội trường Diên Hồng

Toàn cảnh phiên thảo luận tại Hội trường Diên Hồng

Về mặt kỹ thuật, Bộ trưởng thông tin, thời gian thực hiện đóng sẽ phù hợp với cách thức quản lý BHXH hiện nay cũng như thông lệ quốc tế là ghi nhận theo thời gian và tiền lương làm căn cứ đóng, không phân biệt phần đóng của người lao động và người sử dụng lao động. “Tất cả các nước đều theo hướng đó”, ông Dung nói.

Mặt khác, phương án của Ban soạn thảo nêu ra, số kinh phí khi rút cũng sẽ tương đương với số tiền đóng BHXH của người lao động là 8%, không nói 8% nhưng mức rút tương đương 8%.

“Tức là 8% tiền lương đóng của người lao động trong 1 năm sẽ tương đương với 0,96% tháng lương”, Bộ trưởng thông tin rõ thêm và nêu đồng thời, khắc phục được hạn chế và khó thực thi nếu như theo phương án một số đại biểu Quốc hội nêu. Vì tỷ lệ đóng và quỹ hưu trí tử tuất của người lao động thời gian qua rất khác nhau.

Có thời gian ghi 5%, có thời gian 6%, có thời gian 7% và hiện nay là 8%, nếu tính 8% thì sẽ không thực hiện được đối với người 5%, 6%, 7%.  Ngoài ra, có người hiện phải đóng cả 22%, ví dụ phu nhân, phu quân ở các ngoại giao đoàn hay người Việt Nam lao động ở nước ngoài đóng cả 22%.

Rồi có đối tượng cá nhân không phải đóng mà Nhà nước đóng 100%, như hạ sĩ quan, binh sĩ, học viên lực lượng vũ trang...

“Do đó có thể thấy rằng, phương án 2 là 50% là chúng tôi đã tính toán kỹ. Đó là phương án tối ưu hơn trong tất cả phương án đang có hiện nay”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

Tỷ lệ đóng BHXH: Tương thích với các quốc gia trong khu vực

Về ý kiến tỷ lệ đóng BHXH, bên cạnh ý kiến đại biểu Quốc hội vừa nêu, 13 hiệp hội vừa qua có đề xuất giảm trở lại mức đóng của 2009. Ông Dung thông tin, mức đóng BHXH của các quốc gia rất khác nhau, thường phù hợp với bối cảnh, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia.

“Mức đóng hiện nay của chúng ta là 27,5% tiền lương tháng và làm căn cứ đóng BHXH. Về cơ bản, mức này là tương thích với các quốc gia trong khu vực”, Bộ trưởng nói và dẫn ví dụ, Trung Quốc hiện nay là 33%, Nhật Bản là gần 30%, Malaysia là 26,7%, Bồ Đào Nha là một nước rất tiên tiến về BHXH là 35%.

“Một số quốc gia có thể thấp hơn Việt Nam, như Malaysia 26,7% thấp hơn Việt Nam 0,8%. Tuy nhiên, họ lại quy định, người sử dụng lao động phải chịu trách nhiệm lo cho người lao động khi gặp rủi ro, tai nạn hoặc chế độ ốm đau, thai sản. người sử dụng lao động. Do đó, rất nhiều bất cập và vì vậy các quốc gia đang đi theo hướng là phải chuyển trở lại vào cho BHXH”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung dẫn chứng thêm và khẳng định vì vậy, mức đóng BHXH hiện nay của Việt Nam là tương đối phù hợp.

Đề án có các cơ sở chính trị rất vững chắc

Cũng tại phiên thảo luận, Tư lệnh ngành LĐ-TB&XH thông tin, thời gian vừa qua, Ban soạn thảo đã nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp của người dân, các tổ chức, người lao động. Và hôm nay, cũng như tại thảo luận tổ trước đó, đại biểu Quốc hội tiếp tục quan tâm, cho ý kiến rất nhiều về các nội dung của dự thảo luật.

“Ban soạn thảo sẽ nghiêm túc phối hợp với cơ quan chủ trì và các cơ quan liên quan, tiếp thu tối đa các ý kiến của đại biểu để báo cáo với Quốc hội trong kỳ họp tới đây”, ông Dung nói.

Vẫn theo ông Dung, dự án Luật BHXH, trong đề án đã có các cơ sở chính trị rất vững chắc. Đó là Nghị quyết 28 của Trung ương về cải cách chính sách bảo hiểm. Nghị quyết này khi đó do Chủ tịch Quốc hội là Trưởng Ban soạn thảo. Gần đây, Nghị quyết Trung ương 8 khóa XIII tiếp tục bàn về chính sách xã hội.

“Do đó, những vấn đề mà Ban soạn thảo nêu ra và Chính phủ trình trước Quốc hội góp phần nhằm thể chế hóa theo nguyên tắc phấn đấu tiến tới BHXH đa tầng và BHXH toàn dân, khắc phục cơ bản những vướng mắc, khó khăn hiện nay. Chúng tôi xin tiếp thu và sẽ cố gắng hoàn thiện tốt nhất dự thảo để trình Quốc hội”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.