Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Giờ làm thêm cần thiết phải thay đổi

Đây là một trong những mong mỏi của cộng đồng doanh nghiệp được đề cập tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên (VBF) 2016. Mối quan tâm về vấn đề tăng giờ làm thêm này từ phía các nhà đầu tư có đầy đủ hi vọng khi Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung thông tin thời gian tới, ở một số lĩnh vực, một số công việc, ngành nghề, giờ làm thêm của Việt Nam cần thiết phải thay đổi, đáp ứng hài hòa mong mỏi của phía doanh nghiệp cũng như của người lao động.

 

Tập trung vào 4 nhóm vấn đề chính (lao động, công nghiệp ô tô xe máy, nông nghiệp và điện năng), đại diện cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam nhấn mạnh, nền kinh tế Việt Nam cần giữ vững cam kết về một hệ thống chính sách thương mại toàn diện, mang tính khu vực, tham gia tích cực vào các thị trường toàn cầu sẽ tạo ra những lợi thế cạnh tranh rõ ràng. 

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung (giữa) tại Diễn đàn VBF 2016

 

Còn về phía Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Kocham), chủ tịch Kocham Han Dong Hee nêu quan điển, để các doanh nghiệp FDI mua hàng hóa từ các DN Việt Nam, trong nhiều vấn đề cần phải giải quyết thì Việt Nam cần tạo ra các chương trình trực tiếp kết nối các doanh nghiệp FDI và người LĐ trong nước có chất lượng cao để tăng thêm hiệu quả kết nối LĐ.

 

Trong bối cảnh đó, VBF cho rằng, yêu cầu đẩy mạnh cải cách thể chế, khơi dậy nội lực, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân trong nước và kết nối được khu vực này với các chuỗi giá trị toàn cầu, với các FDI chính là chìa khóa của sự phát triển bền vững. 

 

Để đạt được sự phát triển như vừa nêu, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc thẳng thắng chỉ ra, hiện các doanh nghiệp vẫn đang gặp hàng loạt khó khăn trong hoạt động của mình từ vay vốn khó khăn và lãi suất cao so với các nước, thiếu hụt nhân lực có kỹ năng và trình độ phù hợp… 

 

Còn nhớ, tại VBF năm ngoái, ông Lộc nhận xét, các doanh nghiệp FDI chưa có sự lan tỏa, cắm rễ sâu vào kinh tế địa phương. Sự sốt ruột này tiếp tục được ông Lộc mang đến VBF năm nay.

 

Vẫn như ở VBF 2015, các nhà doanh nghiệp Hàn Quốc và Nhật Bản tại VBF 2016 lại tiếp tục đề nghị nới lỏng quy định làm thêm giờ, theo họ được cho là quá cứng nhắc với không quá 30 giờ/tháng, 200 giờ/năm. “Chúng tôi đề nghị điều chỉnh quy định theo hướng đa dạng hơn căn cứ vào thực trạng của từng ngành nghề”, đại diện doanh nghiệp Nhật Bản tiếp tục nêu lại các kiến nghị đã được nêu lên từ VBF 2015.

 

Đồng quan điểm, KoCham năm nay cũng tiếp tục phân tích ảnh hưởng mà họ cho là không tốt của quy định làm thêm giờ đối với doanh nghiệp, và cho rằng hạn chế này có thể ảnh hưởng lớn tới quyết định đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

 

Tất cả các kiến nghị đó cho thấy mong muốn của đa phần các doanh nghiệp về nhu cầu tăng giờ làm thêm.

 

Tương tự, cũng bày tỏ mối quan tâm về việc cần thiết tăng giờ làm thêm, ông Colin Blackwell trưởng nhóm Nguồn Nhân lực VBF nêu rõ: "Để không lặp lại các báo cáo trước, chúng tôi muốn nhắc lại rằng chuẩn giờ làm thêm tại Việt Nam nghiêm ngặt hơn tại bất kỳ các nước nào khác trong khu vực".

 

Cùng với đó, trong báo cáo của nhóm Nguồn Nhân lực VBF đính kèm biểu đồ "Tổng số giờ làm thêm tối đa hàng năm" của các nước trong khu vực một cách chi tiết: Việt Nam 200h/năm, Lào 540h/năm, Indonesia 728h/năm, Singapore 864h/năm, Malaysia 1248h/năm, Thái Lan 1872h/năm...

 

Nhưng năm nay, những “áp lực” này, những mong mỏi này qua cảm nhận của các nhà đầu tư nước ngoài, sẽ có đầy đủ hi vọng để không còn cảnh dường như kiến nghị chỉ để… kiến nghị và rồi vẫn…y nguyên, khi Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung thông tin thời gian tới, tuy không phải ở tất cả các lĩnh vực giờ làm thêm đều thay đổi- nhưng ở một số lĩnh vực, một số công việc, ngành nghề, giờ làm thêm của Việt Nam cần thiết phải thay đổi, đáp ứng hài hòa mong mỏi của phía doanh nghiệp cũng như của người lao động.


“Mức làm thêm sẽ tăng, nhưng việc tăng giờ làm thêm cũng phải tính toán đến sức khỏe, điều kiện sống, rồi nguồn thu nhập của người lao động làm sao cho hài hòa”, Bộ trưởng khẳng định.

 

Đồng thời, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng cho biết, việc sửa Bộ luật Lao động sẽ được trình Quốc hội vào năm 2017. "Cùng với vấn đề làm thêm giờ, các vấn đề về tuổi nghỉ hưu, lương tối thiểu… cũng sẽ được xem xét sửa đổi", Bộ trưởng thông tin.

 

Có thể nói, ngay tại diễn đàn, những thắc mắc, kiến nghị của phía doanh nghiệp đều đã được đại diện các bộ, ngành phản hồi cụ thể, thỏa đáng. Tất nhiên, có những vướng mắc chỉ có thể được tháo gỡ khi được Quốc hội đồng ý, vì cần phải sửa đổi, bổ sung một số đạo luật.


Và ngay cuối bài phát biểu tại VBF 2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các bộ ngành phải tiếp thu, nghiên cứu những "đề xuất, kiến nghị phù hợp" của diễn đàn hôm nay để sửa đổi bổ sung chính sách pháp luật liên quan, đồng thời người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cũng tiếp tục nhấn mạnh sẽ tạo mọi điều kiện tối đa, hỗ trợ để doanh nghiệp phát triển.