Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Hướng đến xóa đói giảm nghèo bền vững cho các huyện miền núi

"Các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Thanh Hóa sẽ luôn đồng hành cùng các huyện nghèo, tập trung kêu gọi, hỗ trợ đầu tư cho những xã, những huyện đặc biệt khó khăn, tạo việc làm mới cho đồng bào các dân tộc… Phấn đấu đưa huyện Mường Lát thoát nghèo. Các huyện miền núi xóa đói giảm nghèo bền vững”- Đó là phát biểu của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung tại buổi tiếp xúc cử tri huyện Mường Lát (Thanh Hóa).

 

Ngày 2/12, Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa gồm các đại biểu: Đào Ngọc Dung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH; Cao Thị Xuân, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội;  Phạm Trí Thức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; Mai Sỹ Diến, Phó trưởng đoàn Quốc hội tỉnh Thanh Hóa; Cầm Thị  Mẫn, ĐBQH chuyên trách đã có buổi tiếp xúc với cử tri huyện miền núi Mường Lát (Thanh Hóa). Tham dự buổi tiếp xúc có đại diện lãnh đạo một số ban, sở, ngành cấp tỉnh Thanh Hóa; lãnh đạo cùng đông đảo cử tri huyện Mường Lát.

Cử tri mong mỏi có nhiều chính sách hỗ trợ huyện nghèo

Huyện Mường Lát hiện nay đang là huyện khó khăn nhất của Thanh Hoá, là huyện vùng cao biên giới ở phía Tây tỉnh Thanh Hóa. Từ trung tâm TP Thanh Hóa đi lên Mường Lát gần 300 km, mất gần 10 giờ đồng hồ mới có thể đến trung tâm huyện, có trên 100km đường biên giới với nước bạn Lào, có 9 đơn vị hành chính, với trên 35.000 nhân khẩu với 7.280 hộ, có 6 dân tộc anh em sinh sống Dao, Thái, Mường, Mông, Khơ Mú…, có 31/90 thôn bản giáp biên giới, đời sống, sản xuất của người dân vùng này gặp rất nhiều khó khăn,  kết cấu hạ tầng, kinh tế - xã hội còn nhiều yếu kém, bất cập, chất lượng nguồn nhân lực, đội ngũ cán bộ chưa cao. Trong những năm gần đây, kinh tế có bước phát triển, nhưng thiếu bền vững, sản xuất nông-lâm nghiệp phụ thuộc nhiều vào yếu tố tự nhiên.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung (thứ 3 từ trái qua) trao đổi với các đại biểu và cử tri tại hội nghị

Có 33.744 người được Nhà nước hỗ trợ cấp thẻ BHYT; ó 8.648 người nghèo, trên 20.680 người sinh sống thuộc diện đặc biệt khó khăn. Có 5.612 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 71,40% và có 743 hộ cận nghèo chiếm tỷ lệ 9,45%.

Tại buổi tiếp xúc, ĐBQH Mai Sỹ Diến đại diện Đoàn ĐBQH tỉnh đã báo cáo khái quát kết quả Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV tới đông đảo cử tri và nhân dân. Cử tri huyện Mường Lát đánh giá cao việc Quốc hội đã tiếp thu và giải trình các đề xuất, kiến nghị mà cử tri đã phản ánh thông qua hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh và Ủy ban MTTQ các cấp, đồng thời mong muốn các ĐBQH khóa XIV tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện tốt chức năng, quyền hạn của người đại biểu nhân dân, thường xuyên lắng nghe và phản ánh đầy đủ, trung thực tâm tư, nguyện vọng của nhân dân tới các cơ quan có thẩm quyền, nhất là những vấn đề đang được nhân dân đặc biệt quan tâm, như: Nâng cao đời sống người dân vùng biên, xóa đói giảm nghèo bền vững, đảm bảo cuộc sống an sinh xã hội.

Quan tâm đầu tư xây dựng nhà văn hóa thôn, bản; nâng cấp, xây dựng hệ thống đường giao thông liên xã, liên huyện; đẩy mạnh tinh giảm biên chế bằng cách cho kiêm nhiệm các chức danh hội, đoàn thể cấp xã, đồng thời tăng mức phụ cấp cho cán bộ kiêm nhiệm; tiếp tục quan tâm thực hiện chế độ chính sách với thân nhân gia đình người có công với cách mạng, chính sách hỗ trợ với các hộ nghèo.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thăm, tặng quà cho học sinh Trường THCS xã Nhi Sơn

Tại buổi tiếp xúc, cử tri Lâu Gia Pó, Bí thư Đảng ủy xã Pù Nhi đề nghị, các ĐBQH có ý kiến các cấp, ngành Trung ương quan tâm nhiều hơn nữa đến phát triển sản xuất của vùng sản xuất đồng bào Mông trên địa bàn huyện, đặc biệt là tại xã Pù Nhi. Đẩy nhanh phát triển kinh tế của các xã vùng cao gắn với các đề án, dự án mang tính chất thiệt thực sát với đời sống đồng bào vùng dân tộc.

Cũng mong muốn các ĐBQH quan tâm, có ý kiến với Trung ương, cử tri Lê Xuân Thành, Phó Bí thư Đảng ủy xã Mường Lý chia sẻ, xã Mường Lý là một trong những xã khó khăn nhất của huyện Mường Lát. Tỷ lệ đói nghèo cao, đất canh tác không có, đời sống đồng bào dân tộc gặp rất nhiều khó khăn. Đề nghị tỉnh và Trung ương quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng và các công trình xây dựng cơ bản trên địa bàn xã.

Trong khi đó, cử tri Lê Thành Nghị, Trưởng Công an huyện Mường Lát cũng thông tin, hiện nay, nhiều xã của huyện Mường Lát chưa có Trưởng, Phó công an xã vì còn vướng mắc luật. Theo Luật Công chức, Trưởng công an xã phải là công chức, nếu đúng theo luật thì nguồn nhân lực cho công an các xã là rất khó khăn. "Mường Lát là huyện vùng biên giới, nguồn lực mỏng khó có thể đảm bảo an ninh biên giới, phòng chống buôn bán ma túy… Đề nghị Trung ương xem xét để có phương án tạo điều kiện cho các huyện vùng biên giới về nguồn nhân lực”- Trưởng Công an huyện Mường Lát Lê Thành Nghị bày tỏ.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cùng đoàn công tác thăm bản nông thôn mới Piềng Mòn

Tạo động lực thúc đẩy cho huyện nghèo phát triển

Sau khi đại diện lãnh đạo huyện Mường Lát tiếp thu và giải trình những vấn đề cử tri quan tâm thuộc thẩm quyền của huyện, thay mặt Đoàn ĐBQH Thanh Hóa, đồng chí Đào Ngọc Dung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cảm ơn và tiếp thu ý kiến, kiến nghị của cử tri, đồng thời trao đổi một số vấn đề cử tri quan tâm. Bộ trưởng cho biết, sau hơn một tháng làm việc khẩn trương, nghiêm túc và đầy trách nhiệm, đã hoàn thành chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV với nhiều nội dung quan trọng. Tiếp tục triển khai thi hành Hiến pháp 2013, hoàn thiện hệ thống pháp luật, xem xét, thông qua 3 luật, 11 Nghị quyết, 42 đề án và cho ý kiến về 14 dự án luật khác. Quốc hội đã thể hiện tinh thần đổi mới, đoàn kết, sáng tạo, hành động vì lợi ích của nhân dân, của đất nước, thẳng thắn thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến phản ánh tâm tư, nguyện vọng của cử tri và nhân dân cả nước trong công tác xây dựng pháp luật, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao.

Bộ trưởng cũng thẳng thắn nhìn nhận, Thanh Hóa còn là một tỉnh nghèo, còn nhiều huyện nghèo, và huyện đặc biệt khó khăn. "Tỉnh Thanh Hoá nên có đề án riêng cho các huyện nghèo, huyện đặc biệt khó khăn, tạo động lực thúc đẩy các huyện nghèo ngang bằng với các huyện trong tỉnh"- Bộ trưởng Đào Ngọc Dung gợi ý.

Riêng huyện Mường Lát, nói đến khó khăn hội tụ đủ 7 chữ "Đ", đó là đói, đau (ốm đau), đọc (học vấn), đường, điện, địch (các thế lực thù địch bên ngoài, ma túy…), đắc (nước), và thiếu cán bộ… Bộ trưởng cũng cho rằng những kiến nghị của cử tri huyện Mường Lát hoàn toàn xác đáng. "Các ĐBQH tỉnh Thanh Hóa sẽ luôn đồng hành cùng các huyện nghèo, tập trung kêu gọi, hỗ trợ đầu tư cho những xã, những huyện đặc biệt khó khăn, tạo việc làm mới cho đồng bào các dân tộc… Phấn đấu đưa huyện Mường Lát thoát nghèo. Các huyện miền núi xóa đói giảm nghèo bền vững”- Bộ trưởng nêu quyết tâm. 

Cũng tại buổi tiếp xúc này, Bộ trưởng cho biết, những đề xuất, kiến nghị khác của cử tri, Đoàn ĐBQH Thanh Hóa sẽ tổng hợp phản ánh đến các cơ quan có thẩm quyền và trình Quốc hội xem xét, giải quyết.

Nhân dịp này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã trao 10 suất quà cho 10 gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện Mường Lát; trao quà và 50 suất học bổng, mỗi suất 1 triệu đồng cho học sinh và giáo viên Trường THCS Nhi Sơn; trao quà cho bản nông thôn mới Piềng Mòn, xã Tén Tằn.