Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực dạy nghề

Tại buổi làm việc với lãnh đạo Tổng cục Dạy nghề (TCDN) và các Cục, Vụ, Viện liên quan, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung nhấn mạnh:“Quy hoạch mạng lưới Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) hạn chế tối đa tình trạng bao cấp như hiện nay, khuyến khích sự tham gia của doanh nghiệp vào lĩnh vực GDNN (hạn chế công lập)”.

 

Chuyển hướng đào tạo từ “cung” sang “cầu”

Đào tạo nhân lực đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động cả về số lượng, chất lượng, cơ cấu nghề và trình độ luôn là mối quan tâm hàng đầu của lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam. Theo đó, đến nay mạng lưới cơ sở GDNN phát triển rộng khắp cả nước, đa dạng về loại hình, trình độ đào tạo và mô hình hoạt động với 1.989 cơ sở GDNN, trong đó có 409 trường cao đẳng, 583 trường trung cấp và 997 trung tâm giáo dục nghề nghiệp. Tuyển sinh năm học 2014 - 2015 đạt 2.292.834 người.

PGS.TS Cao Văn Sâm, Phó Tổng cục trưởng TCDN cho biết: Những năm gần đây, các điều kiện đảm bảo chất lượng GDNN đã từng bước được cải thiện. Cụ thể, đội ngũ giáo viên đã phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng, từng bước khắc phục  được tình trạng bất hợp lí về cơ cấu ngành nghề của nhà giáo. Chương trình dạy nghề phát triển trên các tiêu chuẩn kỹ năng nghề với sự tham gia của các doanh nghiệp với cấu trúc chương trình dựa trên xây dựng các mô đun. Tổ chức tiếp nhận, chuyển giao 8 bộ chương trình nghề trọng điểm cấp độ quốc tế từ Malaysia, 12 bộ chương trình từ Úc, ban hành được các bộ chương trình dạy nghề trọng điểm quốc gia. “Việc tổ chức đào tạo đã dần chuyển sang đào tạo theo hình thức tích lũy tín chỉ. Cơ sở vật chất, thiết bị của các cơ sở GDNN đã được đầu tư theo danh mục thiết bị  tối thiểu do Bộ LĐ-TB&XH ban hành, đáp ứng được các yêu cầu đào tạo”, PGS,TS Cao Văn Sâm chia sẻ.

Công ty Honda Việt Nam đào tạo nghề sửa ô tô.

Cũng theo lãnh đạo TCDN, công tác kiểm định, công nhận kết quả kiểm định chất lượng dạy nghề phát triển nhanh. Đã tổ chức kiểm định, công nhận kết quả kiểm định chất lượng dạy nghề  và công bố công khai kết quả 51% trường CĐN, 20% trường TCN, 3,5% trung tâm dạy nghề, số lượng cơ sở dạy nghề, trường TCN, CĐN thực hiện kiểm định tăng dần hằng năm. Một số trường CĐN được tập trung đầu tư thành trường chất lượng cao với sự hỗ trợ kỹ thuật của các tổ chức quốc tế. Hiện đã xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia cho 189 nghề, cấp chứng nhận cho 36 trung tâm đánh giá, cung cấp chứng chỉ nghề quốc gia, hình thành đội ngũ đánh giá viên. Đã thí điểm đánh giá kỹ năng nghề cho người lao động ở 22 nghề và 4 nghề theo tiêu chuẩn Nhật Bản.

Theo ông Nguyễn Hồng Minh, Tổng cục trưởng TCDN, chất lượng và hiệu quả  GDNN trong thời gian qua có chuyển biến tích cực. Đào tạo từng bước chuyển từ hướng “cung” sang hướng “cầu” gắn với dự báo nguồn nhân lực, dự báo về việc làm, yêu cầu của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp FDI, các doanh nghiệp trực tiếp đòi hỏi công nghệ cao…

Về nội dung này, trong buổi làm việc với TCDN vừa qua Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: "…Chúng ta đặt ra chỉ tiêu mỗi năm có bao nhiêu học sinh sẽ học nghề, phải có chỉ tiêu lộ trình. Quan trọng nữa là chất lượng nghề tăng lên, việc làm, thu nhập tăng lên, làm sao tỉ lệ qua học nghề phải được học liên thông, tiến tới phải có học hàm, học vị cao về GDNN. Có làm được những điều cơ bản trên thì nhận thức toàn xã hội mới có hiệu quả."

Đặc biệt, để công tác GDNN có hiệu quả Bộ trưởng Đào Ngọc Dung yêu cầu, phải  đẩy mạnh phân luồng. “Muốn phân luồng được cần dự báo tốt thị trường, nhất là phân luồng vào cấp 2, dần dần tiến tới 60 -70% người học sẽ chuyển sang học nghề, còn lại 30% học đại học”, Bộ trưởng chỉ đạo.

Hạn chế bao cấp trường nghề

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, TCDN cần thực hiện tốt 1 trong 3 khâu đột phá (trước nhất là đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao). Mặt khác cần quy hoạch mạng lưới dạy nghề sao cho về chủ trương phát triển mạnh mẽ mạng lưới GDNN. Theo đó, từ nay đến 2020 mục tiêu sẽ tạo đột phá về chất lượng GDNN, đặc biệt là đào tạo nhân lực chất lượng cao, phát triển các trường nghề chất lượng cao, tạo việc làm bền vững… chủ lực thực hiện tốt 3 khâu đột phá đã đề ra.

Đào tạo nghề chất lượng cao sẽ là ưu tiên trong công tác dạy nghề từ nay đến 2020.          Ảnh: Trung Chính

Theo lộ trình, đổi mới GDNN theo hướng gắn chặt với thị trường lao động, chuyển mạnh đào tạo gắn với giải quyết việc làm bền vững, xuất khẩu lao động với an sinh xã hội. Đổi mới đồng bộ trên cơ sở kế thừa những kinh nghiệm trước đây, đảm bảo nguyên tắc chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa… Tạo điều kiện để thu hút nguồn nhân lực xã hội, trong đó Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, tăng khả năng tự chủ của các cơ sở GDNN, tăng cường hợp tác quốc tế, tiếp thu có chọn lọc từ quốc tế …

Theo lãnh đạo TCDN, để thực hiện tốt công tác đổi mới nâng cao GDNN trong thời gian tới cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp: Đổi mới về quản lý vận hành hệ thống GDNN; đổi mới về cơ chế chính sách; về quy hoạch mạng lưới GDNN; về quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở GDNN; đội ngũ cán bộ giáo viên, chương trình đào tạo, trang thiết bị… Đặc biệt, trong những giải pháp mà TCDN đưa ra, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, TCDN cần chú trọng ưu tiên quy hoạch mạng lưới dạy nghề sao cho về chủ trương phát triển mạnh mẽ mạng lưới.

 Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đặt câu hỏi: “Cụ thể phát triển theo hướng nào”. Đối với các trường công lập Bộ trưởng cho rằng, hạn chế tối đa tình trạng bao cấp như hiện nay, khuyến khích sự tham gia của doanh nghiệp vào lĩnh vực GDNN (hạn chế công lập), đối với những trường tư thục nên khuyến khích, không khống chế, về thẩm định đối với các trường tư thục thẩm định nhanh, khuyến khích ngay…

Trước mắt, phát triển các cơ sở GDNN đa ngành, đa cấp trình độ đào tạo, xây dựng các trường chất lượng cao, các trường có đủ năng lực đào tạo nghề trọng điểm quốc gia, khu vực ASEAN và quốc tế.

Song song với tiến trình đổi mới trong lĩnh vực GDNN, trước mắt năm 2017, TCDN  tập trung thực hiện một số lĩnh vực đã đề ra, đặc biệt trong xây dựng văn bản, phối hợp với Bộ GD&ĐT hoàn thành công tác chuyển giao, tiếp nhận quản lý nhà nước về GDNN, xây dựng các chuẩn về đào tạo, hướng dẫn đăng ký hoạt động, tuyển sinh, phân luồng, đào tạo liên thông… theo quy định của Luật GDNN.