Rà soát danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo đúng đối tượng
Huyện Thường Xuân là huyện miền núi, vùng biên có 17 km đường biên giới giáp nước bạn Lào, là huyện nghèo của cả nước, có 3 dân tộc Thái, Mường, Kinh sinh sống trên 124 thôn, bản.
Là huyện miền núi, địa bàn rộng, địa hình phức tạp, trình độ dân trí không đồng đều, đời sống nhân dân còn nhiều khó khan, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, cơ sở vật chất phục vụ cho đời sống sinh hoạt và phát triển kinh tế cho nhân dân còn nhiều thiếu thốn, đường giao thông liên xã còn nhiều khó khăn, còn 11 thôn chưa có điện lưới quốc gia.
Tại Hội nghị, cử tri huyện Thường Xuân đánh giá rất cao kỳ họp thứ 9 Quốc hội khoá XIV, mặc dù đại dịch COVID-19 ảnh hưởng lớn đến mọi mặt của đời sống chính trị, kinh tế - xã hội, trong đó có hoạt động của Quốc hội, nhưng Quốc hội đã chủ động, kịp thời đổi mới, linh hoạt, ứng dụng khoa học công nghệ để thích ứng với điều kiện hoàn cảnh thực tế, bảo đảm tiến hành kỳ họp thứ 9 theo đúng quy định.
Cử tri huyện Thường Xuân phấn khởi, đánh giá cao về các phát biểu, thảo luận, tranh luận của các ĐBQH tại nghị trường công khai, dân chủ, có trách nhiệm vì lợi ích của nhân dân và đất nước. Tại Hội nghị nhiều cử tri có ý kiến quan tâm đến các chính sách an sinh xã hội, về chính sách cho các xã, thôn sau khi sáp nhập, chính sách hỗ trợ khoanh nuôi, tái sinh, bảo vệ phát triển rừng, an ninh rừng, các chính sách định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số… Đặc biệt là chính sách đầu tư cho cơ sở hạ tầng giao thông, đường, điện, trường, trạm…
Cử tri Hà Huy Hiền, Chủ tịch UBND thị trấn huyện Thường Xuân kiến nghị: "Đề nghị Bộ LĐ-TB&XH và Chính phủ tiếp tục cho các hộ dân tộc thiểu số và người Kinh sinh sống ở miền núi lâu năm được hưởng chính sách BHYT, học phí cho học sinh, chính sách ưu đãi về lãi suất vay vốn ngân hàng, chính sách vay vốn đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài".
"Các xã và huyện sau khi thoát khỏi 30a, các chương trình 135 do Nhà nước hỗ trợ thì người dân gặp khó khăn vì đại bộ phận là người dân tộc thiểu số. Ngoài ra Chính phủ có cơ chế, chính sách đầu tư, nguồn vốn cho xây dựng cơ bản như công sở, trường học, nhà văn hóa... bởi sau khi sáp nhập thôn, xã, thị trấn, khu phố đều quá tải" - ông Hiền kiến nghị.
Các đại biểu, cử tri tại hội nghị
Ngoài ra, nhiều cử tri cũng kiến nghị cần siết chặt công tác quản lý trong lĩnh vực đất đai; đầu tư kinh phí làm đường giao thông cho thôn Cạn và thôn Ruộng, xã Bát Mọt; xem xét giải quyết vấn đề tranh chấp đất đai giữa thôn Vịn, xã Bát Mọt và xã Thông Thụ, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An; quan tâm tạo việc làm cho lao động nông thôn miền núi, đặc biệt là lao động nữ. Cử tri huyện Thường Xuân cũng đề nghị các ĐBQH tham mưu cho Quốc hội, Chính phủ thực hiện tốt công tác cán bộ nữ, chính sách chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ cho người dân, nhất là phụ nữ và trẻ em…
Phó chủ tịch UBND huyện Thường Xuân Cầm Bá Đức cho biết: "Thực hiện việc chi trả chính sách hỗ trợ người dân ảnh hưởng dịch COVID-19 trong gói 62 nghìn tỷ của Chính phủ, đến nay huyện Thường Xuân đã chi trả hơn 33,600 tỷ đồng cho trên 39.700 người. Trong quá trình chi trả vẫn đang còn hiện tượng xã tự cấp cho dân sổ hộ cận nghèo để vay vốn cho con em đi học, như 11 hộ tại xã Vạn Xuân, 8 hộ tại xã Xuân Lộc, huyện đã quán triệt và cho ra khỏi danh sách hộ cận nghèo. Đến nay, sau khi rà soát lại danh sách hộ nghèo và hộ cận nghèo, hộ nào không đủ điều kiện cho ra khỏi danh sách. Thường Xuân kiên quyết thực hiện nghiêm túc trong công tác rà soát hộ nghèo và hộ cận nghèo".
Kiên quyết không để xảy ra tình trạng trục lợi chính sách
Thay mặt đoàn ĐBQH, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tiếp thu và giải đáp một số nội dung cử tri huyện Thường Xuân quan tâm, đồng thời cũng ghi nhận những ý kiến, nguyện vọng chính đáng của các cử tri. Bộ trưởng cũng hoan nghênh các cử tri đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, thẳng thắn, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao trước các vấn đề xã hội đang quan tâm, đặc biệt Bộ trưởng nhấn mạnh đến thực hiện triển khai chi trả chính sách gói 62 nghìn tỷ hỗ trợ người dân ảnh hưởng dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá nói riêng, cả nước nói chung
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trao tặng quà cho các gia đình chính sách, người có công, hộ nghèo trên địa bàn
"Thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 là vô cùng cần kíp, đó không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan, ban ngành mà còn là "mệnh lệnh từ trái tim". Vì vậy, việc xác định đối tượng, điều kiện tiêu chuẩn, hồ sơ thủ tục, cần thực hiện đúng theo Quyết định 15, không ban hành thêm thủ tục hành chính giấy tờ khác. Để chính sách "không lòng vòng", bên cạnh việc thực hiện đúng quy định, minh bạch, làm nhanh khẩn trương nhưng phải đúng đối tượng" - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.
Bộ trưởng đề nghị: "Thanh Hoá tập trung cho chính sách giảm nghèo, hỗ trợ cho người nghèo, người có công, người lao động gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đến đúng người, đúng đối tượng, tránh tình trạng trồng chéo, một người, một hộ nhận chính sách hỗ trợ 2-3 lần. Trường hợp nào không đủ điều kiện, không đúng đối tượng, loại bỏ ngay ra khỏi danh sách đối tượng được hỗ trợ. Kiên quyết không để xảy ra tình trạng trục lợi chính sách".
"Trong Hội nghị này, Thanh Hoá tập trung các ý kiến của các cử tri, những công việc của tỉnh, tỉnh giải quyết, của huyện, huyện giải quyết, ngoài thẩm quyền của tỉnh, của huyện thì tập trung theo nhóm ý kiến gửi đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hoá sẽ trình Quốc hội, các cấp, các ngành Trung ương, xem xét và giải quyết" - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.
Nhân dịp này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã trao 200 suất quà, mỗi suất 1 triệu đồng cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; trao 10 suất quà, mỗi suất 2 triệu đồng cho 10 gia đình chính sách; 10 suất quà, mỗi suất 1 triệu đồng cho 10 gia đình có hoàn cảnh khó khăn; trao tặng 5 căn nhà ở, mỗi căn 50 triệu đồng cho đối tượng người có công trên địa bàn.