Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thăm và làm việc tại Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Thanh Hóa

 
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cùng các đại biểu tại buổi làm việc với Trường Cao đẳng nghề công nghiệp Thanh Hóa
 
Báo cáo với Bộ trưởng và các đồng chí trong đoàn, ông Nguyễn Văn Hùng, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Thanh Hoá cho biết: Với bề dày truyền thống 58 xây dựng và phát triển, nơi đã từng được Bác Hồ ghé thăm, nói chuyện với thầy và trò nhà trường (ngày 16/12/1961), đồng thời cũng là một trong 10 trường cao đẳng nghề đầu tiên trong cả nước được Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH ký quyết định thành lập, đến nay Trường có tổng số 171 người cán bộ, giảng viên và người lao động, trong đó có 1 tiến sĩ, 90 thạc sĩ, 108 đảng viên, sinh hoạt tại 10 chi bộ với 15 đơn vị trực thuộc. Hiện Nhà trường có hơn 85% giáo viên giảng dạy được tích hợp, 95 giáo viên đạt trình độ kỹ năng nghề quốc gia bậc 3, 100% CBVC sử dụng tin học phục vụ công tác và giảng dạy. Quy mô đào tạo là 3.500 HSSV, trong đó đối tượng 9+ là 1182 học sinh.
 
 
 
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thăm hỏi, động viên các em học sinh, sinh viên Trường Cao đẳng nghề công nghiệp Thanh Hóa
 
Thực hiện Luật Giáo dục nghề nghiệp, nhà trường đã thực hiện xây dựng xong 8 chương trình cao đẳng, 14 chương trình trung cấp, 14 chương trình sơ cấp, tất cả chương trình đều có sự tham gia góp ý của doanh nghiệp, các chương trình được xây dựng có tính liên thông, đáp ứng nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp và đang được triển khai thực hiện.
 
Trong năm học vừa qua, Trường có 2 giáo viên, 3 thiết bị tự làm, 01 tiết mục văn nghệ đạt giải Nhì, Ba và Khuyến khích cấp toàn quốc và giải Nhất toàn đoàn Hội thi giỏi nghề cấp tỉnh.
 
 

Hiệu trưởng Nguyễn Văn Hùng báo cáo với Bộ trưởng Đào Ngọc Dung và các đồng chí trong đoàn công tác về hoạt động của Nhà trường

Hiệu trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết thêm, một điểm nhấn quan trọng trong công tác đào tạo của nhà trường từ 2007 đến nay là luôn gắn kết với doanh nghiệp. Hiện Trường luôn có mối liên hệ mật thiết với hơn 30 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Năm 2019 nhà trường đã kết nối và đưa gần 900 sinh viên nhà trường học nâng cao, thực tập, trải nghiệm và đi làm tại các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh với mức lương hỗ trợ của doanh nghiệp từ 5 đến 10 triệu đồng/tháng. Có 5 sinh viên làm việc tại Nhật Bản với mức lương 60 triệu đồng/tháng. Qua khảo sát trước khi thi tốt nghiệp, có 85% sinh viên đã có địa chỉ tiếp nhận với mức lương 8-12 triệu đồng/tháng. Số còn lại đang cân nhắc lựa chọn địa điểm làm việc, vì số doanh nghiệp tuyển dụng rất lớn nên hầu hết trong thời gian 3 tháng sau tốt nghiệp, 100% sinh viên ra trường đều có việc làm. Hiện nay nhà trường đã ký kết với một số doanh nghiệp đặt hàng cho lao động sau Tết Canh Tý sắp tới ước đến 1.000 vị trí việc làm.
 
Hiệu trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm giúp đỡ của Bộ LĐTB&XH, Tổng cục GDNN quyết định bổ sung Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Thanh Hoá vào danh sách các trường được đầu tư thành trường chất lượng cao giai đoạn 2020-2025. Đồng thời được tiếp cận, chuyển giao chương trình quốc tế để tuyển sinh đào tạo các nghề trọng điểm và xây dựng trung tâm đánh giá kỹ năng nghề cho người học và lao động trên địa bàn tỉnh.
 
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia vui và chúc mừng sự ra đời và phát triển của trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Thanh Hoá với những gặt hái thành công trong công tác đào tạo nghề và đã tạo được vị thế và uy tín đối với xã hội, với người dân, người lao động. 
 
 
Bộ trưởng Đào ngọc Dung cùng các đại biểu trồng cây lưu niệm tại Trường Cao đẳng nghề công nghiệp Thanh Hóa
 
Bộ trưởng cho rằng, để hướng đến là trường nghề chất lượng cao theo tiêu chí quốc tế, lãnh đạo nhà trường cần xác định vị thế của trường cần chỗ đứng cao hơn nữa, vươn hơn nữa, chất lượng hơn nữa so với hiện nay, hướng đến sánh ngang với các trường nghề chất lượng cao của cả nước. Cần thực hiện kết nối thật tốt với các doanh nghiệp, đưa tỷ lệ sinh viên học nghề ra trường có việc làm đạt từ 85% trở lên, cần thực hành nhiều hơn lý thuyết, thực hành không chỉ trong nhà trường mà hướng đến thực hành ngay tại doanh nghiệp, giảm tải giảng giải lý thuyết. Liên kết Doanh nghiệp trở thành một trường nghề thực hành thứ hai; mở rộng hơn với doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Bên cạnh đó, cần mở rộng liên kết với các trường Đại học cả nước tạo điều kiện liên thông lên Đại học cho các sinh viên có nguyện vọng học tiếp cao hơn nữa; quan tâm đào tạo bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, giảng viên chất lượng cao. 


 

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tặng quà lưu niệm cho Ban Giám hiệu Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Thanh Hóa

“Các thầy cô giáo nhà trường cần 3 cùng: Cùng tham gia xây dựng chương trình. Cùng thực tập. Cùng giảng dạy. Trong tương lai trường sẽ là nơi đến uy tín, chất lượng về đào tạo nghề cho người lao động tìm đến. Xứng đáng là trường điểm, trường đi đầu trong công tác đào tạo nghề tại Thanh Hoá và các tỉnh lân cận” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.
 
 
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cùng các đại biểu chụp ảnh lưu niệm cùng tập thể cán bộ, giáo viên Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Thanh Hóa
 
Nhân dịp này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cùng các đại biểu trong đoàn công tác cũng đã thăm hỏi, động viên các cán bộ, giáo viên, các em học sinh, sinh viên và trồng cây lưu niệm tại Trường Cao đẳng nghề công nghiệp Thanh Hóa.

Đức Dương/GĐ&TE