Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tiếp xúc cử tri tại Ngọc Lặc, Thường Xuân (Thanh Hóa)

Ngày 8/8, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cùng các ĐBQH Thanh Hoá, Mai Sĩ Diến và Cầm Thị Mẫn đã tiếp xúc cử tri tại 2 huyện Ngọc Lặc và Thường Xuân tỉnh Thanh Hoá.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung (thứ 4 từ trái qua) tiếp xúc với các cử tri bên lề hội nghị.

Tại buổi tiếp xúc cử tri, các ĐBQH đã báo cáo với cử tri về chương trình, nội dung và kết quả kỳ họp thứ nhất QH khoá XIV diễn ra từ ngày 20/7-29/7/2016. Thay mặt các ĐBQH, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cảm ơn cử tri đã tín nhiệm, tin tưởng bầu vào QH khoá XIV, Bộ trưởng cũng nhấn mạnh rằng: Đây là trọng trách lớn được trao và được nhân dân tín nhiệm, các đại biểu sẽ cố gắng làm tròn trách nhiệm của mình trong nhiệm kỳ QH khoá XIV.

Cử tri 2 huyện Ngọc Lặc và Thường Xuân bày tỏ phấn khởi trước thành công của cuộc bầu cử ĐBQH khoá XIV và bầu cử ĐB HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, hoan nghênh tinh thần, trách nhiệm của ĐBQH tại kỳ họp thứ nhất phát huy vai trò là người đại diện cho nhân dân bầu các chức danh cấp cao của QH, Chính phủ.

Các cử tri tại buổi tiếp xúc huyện Ngọc Lặc

Tại huyện Ngọc Lặc, trình bày tâm tư, nguyện vọng của mình trước các ĐBQH và cử tri huyện Ngọc Lặc, cử tri Lê Bá Ngà, đại diện cho cử tri xã Kiên Thọ và các xã phía Nam của huyện kiến nghị: “ Với các cử tri là đồng bào dân tộc Kinh, sống lâu năm ở miền núi, cử tri rất mong muốn được các Đại biểu đã được cử tri tín nhiệm sớm đưa tiếng nói của cử tri đến với Quốc hội, với Chính phủ quan tâm đến các chính sách của người Kinh sống lâu năm ở miền núi được hưởng các chính sách, chế độ như đồng bào dân tộc thiểu số.

Nhà nước cần phải tăng cường hỗ trợ và tăng mức vốn đầu tư của các chương trình 134, 135. Quan tâm đến chế độ chính sách cho các cán bộ bán chuyên trách ở cấp xã bởi cán bộ bán chuyên trách công việc nhiều nhưng phụ cấp quá ít và trưởng các đoàn thể chính trị xã hội của thôn không có phụ cấp nên ít nhiều ảnh hưởng đến việc duy trì các hoạt động.

Cử tri Phạm Văn Vĩ, xã Thúy Sơn trình bày tại hội nghị

Bên cạnh đó, nhà nước cần đẩy mạnh công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn; có chính sách sắp xếp việc làm cho sinh viên tốt nghiệp các trường CĐ, ĐH.

Đối với xã Phùng Minh, có đến 3 làng nằm ở bên kia sông Âm, điều kiện giao thông đi lại hết sức khó khăn. Đặc biệt vào mùa mưa, giao thông chia cắt nên việc sinh hoạt của bà con nhân dân cũng như việc học hành của con em họ luôn gặp khó. Do vậy, nhà nước cần sớm tạo điều kiện hỗ trợ xây dựng cầu dân sinh, vừa tạo thuận lợi trong sinh hoạt, giao lưu, lại thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển...” .

Đưa kiến nghị của cử tri các xã Thúy Sơn, Vân Am, Thạch Lập tới các ĐBQH, cử tri Phạm Văn Vĩ, Chủ tịch MTTQ xã Thúy Sơn kiến nghị: “Với các xã trong huyện Ngọc Lặc nói chung vẫn phải lấy nông nghiệp làm nền tảng phát triển kinh tế. Tuy nhiên, do nằm trên địa bàn khu vực miền núi nên việc dự trữ và điều tiết nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt gặp hết sức khó.

Cử tri Lê Văn Biên

Nhiều tuyến đường của hệ thống giao thông liên xã, liên thôn, nội đồng đã xuống cấp. Thêm vào đó, do địa hình miền núi nên các tuyến đường rất dài. Nếu huy động sức dân là không đủ để nâng cấp, sửa chữa. Hệ thống điện được đầu tư đã lâu, tuy nhiên đến nay đã xuống cấp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và sinh hoạt của người dân.

Dự án Nhà máy xi măng Thúy Sơn với diện tích 36,5 ha đã bỏ hoang 6 năm vì không được đầu tư xây dựng gây lãng phí nguồn tài nguyên đất, trong khi đó nhiều con em trong xã vẫn không có việc làm ổn định. Do vậy, kiến nghị tới các ĐBQH sớm đưa tiếng nói của cử tri tới các cơ quan ban, ngành, cấp tỉnh, cấp Trung ương sớm xem xét hỗ trợ đầu tư xây dựng, có phương án thu hồi các dự án hoang phí hoặc thu hút đầu tư dự án khác để tạo công ăn, việc làm ổn định cho con em trong khu vực...”.

Tại huyện Thường Xuân, Cử tri Lê Văn Thắng, xã Xuân Dương kiến nghị: Năm 2005, xã Xuân Dương đã được Nhà nước phong tặng “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”, tuy nhiên đến nay đã hơn 10 năm xong vẫn chưa được hưởng chế độ gì với xã anh hùng. Do vậy Nhà nước cần sớm hỗ trợ, đầu tư kinh phí xây dựng nhà bia tưởng niệm cho các anh hùng, liệt sỹ; hỗ trợ thêm kinh phí để thăm hỏi, tặng quà cho các thương binh, liệt sỹ, mẹ VNAH.  Bên cạnh đó, Chính phủ cần quan tâm hơn nữa đối với chế độ người có công, đặc biệt là đối tượng tham gia dân quân hỏa tuyến thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ, chiến tranh bảo vệ tổ quốc, làm nhiệm vụ Quốc tế...”.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu tại hội nghị

Cử tri Lê Văn Biên, xã Thọ Thanh cho biết thêm: “Đối với người nghèo thì cả gia đình đều có thẻ khám chữa bệnh, BHYT, chế độ ăn, ở... Tuy nhiên đối tượng chính sách chỉ được BHYT, con em, người thân của họ thì không được hưởng, đặc biệt là con liệt sỹ, vợ con họ phải cô đơn nhưng đến 18 tuổi các cháu không còn được hưởng chế độ gì.... Do vậy, Nhà nước cần có thêm chính sách hỗ trợ đối với các đối tượng chính sách, người có công và con em của họ...”.

Cũng tại hội nghị, nhiều ý kiến cử tri của hai huyện Ngọc Lặc, Thường Xuân đã bày tỏ nhiều kiến nghị về các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh... được các cử tri quan tâm. Đồng thời kiến nghị Nhà nước, tỉnh Thanh Hóa cần tiếp tục hỗ trợ, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đầu tư xây dựng các khu, cụm công nghiệp... trên các địa bàn miền núi, đặc biệt là các dự án thu hút nhiều lao động, các dự án đầu tư vào nông nghiệp nhằm giải quyết việc làm, chuyển đổi cơ cấu ngành nghề và tiêu thụ sản phẩm địa phương...

Thay mặt đoàn ĐBQH, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tiếp thu và giải đáp một số nội dung cử tri quan tâm, đồng thời cũng ghi nhận những ý kiến, nguyện vọng chính đáng của các cử tri. Bộ trưởng cũng hoan nghênh các cử tri đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, thẳng thắn, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao trước các vấn đề xã hội đang quan tâm.