Các ứng cử viên ĐBQH khóa XV đơn vị bầu cử số 3 gồm các ông, bà: Đào Ngọc Dung, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Vũ Xuân Hùng, Phó tham mưu trưởng Tư lệnh quân khu IV; Cầm Thị Mẫn, ĐBQH chuyên trách; Lê Thị Nguyên, Phó trưởng Ban Xây dựng tổ chức hội, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Thanh Hóa. Vi Thanh Hương, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, Bí thư Chi bộ, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Như Xuân.
Dự hội nghị có ông: Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa; Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; các đồng chí Phó Chủ tịch HĐND, UBND tỉnh; lãnh đạo các ban, sở ngành cấp tỉnh; Ủy ban MTTQ tỉnh và hơn 1.000 cử tri dự tại điểm cầu các huyện: Như Xuân, Như Thanh, Nông Cống, Quảng Xương và thị xã Nghi Sơn.
QUÁ TRÌNH CÔNG TÁC CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ LĐ-TB&XH
- Từ 1980-1982: Cán bộ huyện Đoàn Lý Nhân, tỉnh Hà Nam
- 1982-1989: Ủy viên Ban chấp hành, Ủy viên Ban thường vụ huyện Đoàn Lý Nhân, Phó Bí thư huyện Đoàn, Phó chủ tịch Ủy ban Thiếu niên, Nhi đồng huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam Ninh.
- 1989-1990: Ủy viên Ban Chấp hành Tỉnh đoàn, Phó trưởng Ban công tác thiếu nhi Tỉnh đoàn Hà Nam Ninh.
- 1990-1992: Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh đoàn, Trưởng Ban tổ chức – Kiểm tra Tỉnh đoàn Hà Nam Ninh (tỉnh Nam Hà sau tách tỉnh). Phó Bí thư Thường trực Tỉnh đoàn, Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Nam Hà khóa IV, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đoàn, Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Nam Hà.
- 4/1992 – 5/1996: Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đoàn, Bí thư Tỉnh Đoàn Nam Hà, Đại biểu Hội đồng nhân dân, phó Trưởng ban, Trưởng Ban Văn hóa – Xã hội, Hội đồng nhân dân tỉnh Nam Hà, Phó chủ nhiệm Ủy ban Bảo vệ, chăm sóc và Giáo dục thiếu niên nhi đồng tỉnh Nam Hà.
- 5/1996 – 11/1996: Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Nam Hà, Trưởng Ban Văn hóa – Xã hội, Hội đồng nhân dân tỉnh Nam Hà.
- 11/1996 – 11/1997: Bộ Chính trị điều động về công tác tại Trung ương Đoàn, tham gia Ban Thường vụ Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội đồng đội Trung ương.
- 11/1997 – 12/2002: Bí thư Trung ương Đoàn khóa VII, Chủ tịch Hội đồng đội Trung ương.
- 1/2003 – 3/2005: Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn khóa VII
- 4/2005 – 1/2007: Quyền Bí thư thứ nhất, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng; Chủ nhiệm Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam; Bí thư Đảng ủy cơ quan Trung ương Đoàn, Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ Khối Dân vận Trung ương.
- 2/2007 – 8/2007: Ủy viên Trung ương Đảng khóa X, Bí thư Ban cán sự Đảng Ngoài nước.
- 8/2007 – 5/2010: Ủy viên Trung ương Đảng khóa X, phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Bắc.
5/2010 – 8/2011: Ủy viên Trung ương Đảng khóa X, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái; tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng được bầu tái cử vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
- 8/2011 – 4/2016: Ủy viên Trung ương Đảng khóa XI, Bí thư Đảng ủy Khối cơ quan Trung ương; tại đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng được bầu tái cử vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
- 4/2016 – 1/2021: Ủy viên Trung ương Đảng khóa XII, Bí thư Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; Đại biểu QUốc hội khóa XIV.
- 2/2021 đến nay: Ủy viên Trung ương Đảng khóa XII, Bí thư Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; Đại biểu Quốc hội khóa XIV.
Thực hiện tốt nhất bổn phận của một ĐBQH
Tại hội nghị tiếp xúc, vận động bầu cử, sau khi đại diện Ủy ban MTTQ tỉnh trình bày giới thiệu tiểu sử tóm tắt của 5 ứng cử viên ĐBQH khóa XV, từng ứng cử viên đã trình bày với cử tri về chương trình hành động của mình nếu vinh dự được bầu làm ĐBQH khóa XV.
Các ứng cử viên đều bày tỏ mong muốn được cử tri tin tưởng, ủng hộ và nếu trúng cử ĐBQH khóa XV sẽ nỗ lực, thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của ĐBQH theo quy định của pháp luật, thực sự là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân; thường xuyên liên hệ chặt chẽ, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của cử tri; thường xuyên giữ mối liên hệ gắn bó mật thiết, gần gũi, sâu sát với cử tri, nhất là ở những địa phương nơi mình ứng cử, trở thành cầu nối giữa cử tri, nhân dân với Quốc hội và các cơ quan hữu quan.
Các ứng cử viên cũng cam kết sẽ lắng nghe, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của cử tri và thống nhất cùng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa, từ đó phản ánh trung thực, có trách nhiệm những ý kiến đó với Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan nhà nước, giúp việc xây dựng các cơ chế, ban hành chính sách, pháp luật, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước bảo đảm tính khả thi, phù hợp thực tiễn và đạt được sự đồng thuận cao của Nhân dân.
Trình bày chương trình hành động của mình, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung bày tỏ vui mừng và vinh dự khi được tiếp tục về ứng cử tại tỉnh Thanh Hóa, vùng đất địa linh nhân kiệt, vùng đất của văn hóa Đông Sơn, giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, cách mạng cùng nhiều thành tựu toàn diện về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng và an ninh. Đây cũng là trọng trách lớn lao trước cử tri của tỉnh Thanh Hóa nói riêng và cử tri cả nước nói chung.
Phát biểu trước các cử tri, Bộ trưởng chia sẻ: "Trải qua quá trình học tập, công tác trên nhiều cương vị khác nhau, đặc biệt đã là Đại biểu Quốc hội khóa XIV, gắn bó cả nhiệm kỳ ĐBQH với tỉnh Thanh Hoá, đặc biệt là đã có những đóng góp thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh, đảm bảo an sinh xã hội cho các huyện miền núi của tỉnh Thanh Hoá. Đại biểu Quốc hội là người do nhân dân bầu ra, phải gắn bó mật thiết với nhân dân, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, không chỉ đại diện cho nhân dân ở đơn vị bầu ra mình mà còn đại diện cho nhân dân cả nước, thay mặt nhân dân thực hiện quyền lực Nhà nước trong Quốc hội, chịu trách nhiệm trước nhân dân, đặt lợi ích của nhân dân, không chỉ lắng nghe, mà còn giải quyết trực tiếp các vấn đề cho các gia đình chinh sách, cho nhân dân trong 14 lĩnh vực công tác của ngành LĐ-TB&XH".
Tiếp tục tạo ra những đột phá mới trong các chính sách
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhận thức sâu sắc rằng, ĐBQH phải là người tiêu biểu, đại diện cho lợi ích của Nhân dân. Là ĐBQH, đây cũng chính là thời cơ, vận hội rất lớn từ thực tiễn cho công tác, tham gia xây dựng chủ trương chính sách người có công, giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội… Đồng thời, tranh thủ lợi thế của Thanh Hoá để làm tốt hơn công việc của ngành LĐ-TB&XH, đưa những chính sách sát thực với thực tiễn, gần gũi với đời sống nhân dân hơn.
Bộ trưởng cũng khẳng định: "Nếu được cử tri tín nhiệm, sẽ nỗ lực hết sức mình phụng sự đất nước, phục vụ Nhân dân, chủ động, tích cực góp phần tham mưu thực hiện 3 chức năng của Quốc hội: lập hiến và lập pháp, giám sát tối cao và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, các chính sách an sinh xã hội, các chính sách ưu đãi NCC… nhất là các chủ trương, quyết sách liên quan đến phát triển kinh tế- xã hội của đất nước, trong đó có tỉnh Thanh Hóa... Tham mưu cho Đảng, Quốc hội và Chính phủ thực hiện phát triển kinh tế đi đôi với đảm bảo tiến bộ, công bằng xã hội; thực hiện tốt chính sách xã hội, đảm bảo an sinh và phúc lợi xã hội. Đổi mới cơ chế quản lý, triển khai phát triển kinh tế đi đôi với văn hóa, xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân, phấn đấu mọi người dân có cơ hội và thụ hưởng thành quả phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu trung tâm
Tiếp tục thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, đảm bảo đời sống người có công bằng và tốt hơn mức sống trung bình khu dân cư, đặc biệt quan tâm tới người nghèo, người yếu thế. Phát triển trợ giúp xã hội toàn diện, đa dạng, bao trùm, hiệu quả, phù hợp với vòng đời con người, có sự chia sẻ giữa Nhà nước, xã hội và người dân.
Bộ trưởng cam kết sẽ tích cực, chủ động tham gia đóng góp, đề xuất các giải pháp thực hiện có hiệu quả các chương trình, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, đảm bảo an sinh xã hội của địa phương; cùng với Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa làm cầu nối giữa tỉnh Thanh Hóa và các địa phương với Quốc hội, Chính phủ, các ban, bộ, ngành Trung ương trong việc giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của địa phương, góp phân thực hiện thắng lợi các chương trình, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ giai đoạn 2021-2026. Luôn đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả các cuộc tiếp xúc cử tri, tổng hợp đầy đủ ý kiến của cử tri và nhân dân trong tỉnh để báo cáo tại các kỳ họp Quốc hội, kiến nghị với các cơ quan Trung ương, địa phương xem xét, giải quyết.
Đại điện cử tri tại các điểm cầu trình bày kiến nghị tới các ứng viên ĐBQH
Bộ trưởng khẳng định: "Nếu được cử tri tín nhiệm bầu làm đại biểu Quốc hội, sẽ thực hiện tốt các nhiệm vụ, quyền hạn của người đại biểu nhân dân, thường xuyên rèn luyện phấn đấu đem hết khả năng, tâm huyết của mình đóng góp có hiệu quả vào việc thực hiện các công việc của Quốc hội, góp phần vào công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".
Sau khi nghe các ứng cử viên trình bày chương trình hành động, cử tri các huyện: Như Xuân, Như Thanh, Nông Cống, Quảng Xương và Thị xã Nghi Sơn, các cử tri bày tỏ tin tưởng và kỳ vọng các ứng viên ĐBQH khóa XV sẽ thực hiện những lời hứa trong chương trình hành động, có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế, xã hội, là cầu nối quan trọng, thể hiện ý chí và nguyện vọng của cử tri.
Các cử tri cũng rất phấn khởi được dự hội nghị tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử của những người ứng cử ĐBQH khóa XV và bày tỏ niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh Thanh Hóa đã và đang tập trung, lãnh đạo thể hiện quyết tâm, đồng lòng ngăn chặn dịch bệnh COVID-19 với mục tiêu kép.
Cử tri tại các huyện, thị xã nơi các ứng cử viên, vận động bầu cử cũng đã phản ảnh một số vấn đề được đông đảo Nhân dân và đề xuất, kiến nghị với các ứng cử viên ĐBQH khóa XV có ý kiến đề nghị với Chính phủ, Quốc hội tạo điều kiện phát triển kinh tế biển; ban hành cơ chế hỗ trợ xây dựng chương trình nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao; đầu tư xây dựng các tuyến đê ven biển để phòng chống lụt bão; có cơ chế chính sách hỗ trợ trong sản xuất nông nghiệp, tìm đầu ra cho sản xuất nông nghiệp…
Thay mặt các ứng cử viên ĐBQH khóa XV đơn vị bầu cử số 3, tại 5 huyện, thị xã tỉnh Thanh Hóa, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng chương trình hành động của các ứng viên được cử tri đồng tình là rất quan trọng và cam kết tiếp tục cụ thể hóa chương trình hành động của mình theo từng năm, trong cả nhiệm kỳ, để có những giải pháp, đóng góp vào sự phát triển của đất nước, của tỉnh Thanh Hóa và các huyện, thị xã mà mình ứng cử.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trân trọng cảm ơn và ghi nhận những tình cảm của cử tri dành sự tin tưởng với các ứng cử viên. Đồng thời nhấn mạnh: Sự tin tưởng của cử tri là động lực để các ứng cử viên tiếp tục nâng cao trách nhiệm, hoàn thành nhiệm vụ trên cương vị được giao, rèn luyện, học tập, nâng cao trình độ lý luận và thực tiễn, góp phần đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.
Đối với những vấn đề cử tri đề xuất, kiến nghị của cử tri, Bộ trưởng đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Thanh Hóa quan tâm giải quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền; đối với những vấn đề thuộc về Chính phủ, Quốc hội, trên cương vị công tác sẽ tiếp thu và phản ảnh trong thời gian tới. Trên cương vị công tác sẽ tiếp tục cùng với địa phương tìm hướng đi mới cho giảm nghèo, cho xuất khẩu lao động, GQVL…
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tin tưởng, từ những tình cảm, trách nhiệm của cử tri, tỉnh Thanh Hóa sẽ tổ chức thành công cuộc bầu cử, bảo đảm an toàn, công khai, dân chủ, đúng pháp luật, thực sự là ngày hội của toàn dân.
Trọng tâm chính chương trình hành động của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung
1. Thực hiện đúng các quy định và làm tròn trách nhiệm của người Đại biểu Nhân dân, gắn bó với cử tri, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri, phản ánh kịp thời với Quốc hội và các cơ quan chức năng; chủ động, tích cực tham gia các hoạt động, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa và của Quốc hội.
2. Trên cương vị công tác, tôi sẽ phấn đấu thực hiện tốt chức trách của mình, tham góp triển khai các chức năng cơ bản của Quốc hội, chủ động tham gia một cách có hiệu quả các hoạt động của Quốc hội, nhất là thảo luận, đóng góp ý kiến xây dựng pháp luật. Tăng cường sự lãnh đạo thống nhất, toàn diện của Đảng trong công tác xây dựng luật pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, bảo đảm quyền, lợi ích của nhân dân.
3. Chủ động thực hiện công tác chất vấn, trả lời chất vấn; trả lời đơn thư kiến nghị của Đại biểu Quốc hội và cử tri, giám sát việc thực hiện kết luận, kiến nghị sau giám sát để đảm bảo tính tuân thủ, nghiêm minh của pháp luật. Chú trọng giám sát việc thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, nhất là về các vấn đề bức xúc mà cử tri tỉnh Thanh Hóa và đặc biệt là tại 5 huyện, thị xã quan tâm như đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí và tội phạm, chấp hành pháp luật về đất đai, an toàn giao thông, an toàn, vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường; chính sách đối với nông nghiệp, nông thôn, nông dân; chính sách hỗ trợ người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, chính sách đối với vùng sâu, vùng xa, miền núi,…
4. Thường xuyên quan tâm, theo dõi tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa nói chung và các huyện nơi tôi ứng cử nói riêng; tham gia trao đổi thông tin với Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa; liên hệ thường xuyên, chặt chẽ với cử tri các huyện: Như Thanh, Như Xuân, Nông Cống, Quảng Cương và thị xã Nghi Sơn; đóng góp ý kiến, đề xuất các giải pháp thực hiện có hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, cùng với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa là cầu nối giữa địa phương với Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ban, ngành ở Trung ương trong việc giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của địa phương nhằm thực hiện thắng lợi phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã được Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX đề ra. Luôn đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả các cuộc tiếp xúc cử tri, tổng hợp đầy đủ ý kiến của cử tri và nhân dân trong tỉnh để báo cáo tại các kỳ họp Quốc hội, kiến nghị với các cơ quan Trung ương, địa phương xem xét, giải quyết.
5. Tham mưu cho Đảng, Quốc hội và Chính phủ thực hiện phát triển kinh tế đi đôi với đảm bảo tiến bộ, công bằng xã hội; thực hiện tốt chính sách xã hội, đảm bảo an sinh và phúc lợi xã hội, trọng tâm là:
- Đổi mới cơ chế quản lý, triển khai phát triển kinh tế đi đôi với văn hóa, xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân, phấn đấu mọi người dân có cơ hội và thụ hưởng thành quả phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
- Tiếp tục thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, đảm bảo đời sống người có công bằng và tốt hơn mức sống trung bình khu dân cư, đặc biệt quan tâm tới người nghèo, người yếu thế. Phát triển trợ giúp xã hội toàn diện, đa dạng, bao trùm, hiệu quả, phù hợp với vòng đời con người, có sự chia sẻ giữa Nhà nước, xã hội và người dân.
- Tham mưu phát triển hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng, linh hoạt, hiện đại, chia sẻ và hội nhập; tăng hỗ trợ của Nhà nước để mở rộng độ bao phủ bảo hiểm xã hội tự nguyện; hướng tới bảo hiểm xã hội toàn dân.
- Cải cách tổng thể, hệ thống, đồng bộ chính sách lao động, tiền lương tuân thủ theo quy luật kinh tế thị trường, bảo đảm quyền lợi của người lao động trong các cơ sở sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp và chú ý đến quyền lợi của người nghỉ hưu trước năm 1995.
- Tạo lập môi trường, điều kiện để phát triển thị trường lao động đồng bộ, hiện đại, linh hoạt, thống nhất, hội nhập, có sự quản lý, điều tiết của Nhà nước. Xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ; thực hiện chính sách tiền lương gắn với năng suất lao động và hiệu quả làm việc, khuyến khích, trọng dụng nhân tài.
- Tập trung giải quyết nhanh, dứt điểm những vấn đề tồn tại, bức xúc của Ngành, tăng cường các giải pháp phòng, chống tệ nạn xã hội, kiểm soát và phòng, chống ma túy, mại dâm, bạo lực, xâm hại trẻ em,…
- Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trên cơ sở tiếp tục đổi mới căn bản giáo dục nghề nghiệp; đào tạo theo hướng mở, linh hoạt, đào tạo gắn với nhu cầu của thị trường lao động.
- Thực hiện các chương trình nhà ở xã hội, đẩy mạnh xã hội hoá nhà ở cho người di cư, người dân vùng chịu tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu; bảo đảm nước sạch cho người dân nông thôn; nâng cao chất lượng thông tin truyền thông cho vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, miền núi và hải đảo.
6. Là một cán bộ, đảng viên, tôi luôn ghi nhớ và thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ đối với người đại biểu của nhân dân: Làm việc nước là hy sinh, là phấn đấu, quên lợi riêng mà nghĩ đến lợi chung. Phải luôn ra sức mưu sự hạnh phúc cho đồng bào, luôn luôn nhớ và thực hiện vì lợi nước, quên lợi nhà, phải làm sao cho xứng đáng với đồng bào, cho xứng đáng với Tổ quốc.