Giảm thiểu tác động của Covid-19 đối với thị trường lao động toàn cầu
Như báo Dân Sinh đã đưa tin, "Hội nghị trực tuyến Bộ trưởng Lao động và Việc làm đặc biệt G20 về Covid-19" được tổ chức vào 18h00 (giờ Hà Nội) ngày 23/4/2020. Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh tham dự tại điểm cầu Việt Nam.
Ngay sau khi Hội nghị trực tuyến diễn ra, các Bộ trưởng đã thông qua Tuyên bố chung các Bộ trưởng Lao động và Việc làm G20 về Covid-19.
Tại Hội nghị, nhắc lại sự kiện trước đó, vào ngày 26/3/2020, tại Hội nghị Thượng đỉnh các Nhà lãnh đạo G20 đặc biệt, trên tinh thần đoàn kết, các nhà lãnh đạo đã cam kết làm mọi cách để vượt qua đại dịch này thông qua những nỗ lực của từng nước cũng như những nỗ lực chung của toàn khối để giải quyết những ảnh hưởng đan xen về y tế, xã hội, kinh tế; bảo vệ việc làm và thu nhập của người dân.
Theo cam kết và quyết tâm đó của các Lãnh đạo G20, trong Tuyên bố chung, các Bộ trưởng Lao động và Việc làm G20 nhấn mạnh, sẽ tiếp tục hợp tác và phối hợp với các Bộ trưởng G20 khác trong việc xây dựng và thực hiện các biện pháp toàn diện, hiệu quả để giảm thiểu tác động của Covid-19 đối với xã hội và thị trường lao động trong nước cũng như trên toàn cầu.
"Chiến đấu và vượt qua đại dịch là ưu tiên cao nhất, hàng đầu của chúng tôi", các Bộ trưởng Lao động và Việc làm G20 nêu rõ.
Theo đó, các Bộ trưởng cho rằng, là một phần bị ảnh hưởng bởi sự bùng phát của corona virus, người lao động và gia đình của họ trên toàn cầu phải đối mặt với nhu cầu nhập viện, kiểm dịch, các biện pháp cách ly vật lý, hạn chế đi lại và di chuyển.
Ngoài ra, do cả biện pháp y tế bắt buộc và tác động của đại dịch đối với hoạt động kinh tế, người lao động đang phải đối mặt với rủi ro mất việc làm, giảm giờ làm, tạm hoãn hợp đồng lao động và mất thu nhập.
Các Bộ trưởng cam kết "sẽ cố gắng hết sức để bảo vệ người lao động, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương và không được bảo trợ xã hội thích đáng, để tránh bỏ họ lại phía sau. Do đó, chúng tôi sẽ không để Covid-19 làm tăng bất bình đẳng, trong đó có bất bình đẳng giới, trong thị trường lao động và bào mòn những tiến bộ đã đạt được cho đến nay".
Các Bộ trưởng khẳng định, sẽ tiếp tục hợp tác toàn cầu với cách tiếp cận lấy con người làm trung tâm để thúc đẩy các Nguyên tắc và Quyền cơ bản tại nơi làm việc, thúc đẩy việc làm, bảo trợ xã hội và ổn định quan hệ lao động trong khi thực hiện các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát đại dịch, bằng những hành động được thực hiện phù hợp hoàn cảnh quốc gia.
Việc làm: Cần được ưu tiên khi hoạch định các gói chính sách
Việc làm là vấn đề cần được ưu tiên khi hoạch định các gói chính sách kinh tế vĩ mô, sự phối kết hợp giữa các biện pháp ứng phó về việc làm và các chính sách khác là rất quan trọng, theo các Bộ trưởng Lao động và Việc làm G20.
"Ngoài việc bảo vệ việc làm và thu nhập, chúng tôi sẽ đảm bảo rằng các hệ thống bảo trợ xã hội của chúng ta đủ mạnh và có thể thích ứng để hỗ trợ đầy đủ cho tất cả người lao động có nhu cầu, bất kể tình trạng việc làm, tuổi tác hoặc giới tính của họ", Tuyên bố chung nêu, và nhấn mạnh cũng sẽ tiếp tục đảm bảo cung cấp các biện pháp thích hợp để bảo vệ người lao động.
Đặc biệt là cho nhân viên y tế và những người làm việc trong các ngành dịch vụ thiết yếu khác phải đối mặt với rủi ro bởi Covid-19 thông qua các biện pháp an toàn, sức khỏe nghề nghiệp. "Và chúng tôi sẽ tiếp tục thúc đẩy việc làm thỏa đáng, trong đó có việc làm thỏa đáng trong chuỗi cung ứng toàn cầu", Tuyên bố chung nêu.
Tại Tuyên bố chung này, các Bộ trưởng tiếp tục nhấn mạnh, các quốc gia sẽ tiếp tục tìm cách hỗ trợ doanh nghiệp và người sử dụng lao động, đặc biệt là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa để có thể duy trì việc làm và hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng trong giai đoạn đầy thách thức này.
Các biện pháp sẽ được xây dựng phù hợp với hoàn cảnh quốc gia, có thể bao gồm hỗ trợ bằng tiền, giảm thuế, trợ cấp, cho vay và trợ cấp lương.
"Chúng tôi đã thấy nhiều quốc gia thành viên G20 và trên thế giới đã ban hành và áp dụng những chính sách này. Ngoài ra, chúng tôi sẽ hướng dẫn và hỗ trợ người sử dụng lao động tiến hành các bước hiệu quả để giảm thiểu tác động của covid-19 đối với hoạt động, nguồn lực, chuỗi cung ứng và đặc biệt là lực lượng lao động của họ", các Bộ trưởng khẳng định.
Phục hồi thị trường lao động, duy trì tiến bộ trong các mục tiêu G20
Tuyên bố chung nêu, các Bộ trưởng sẽ làm việc với các bên liên quan chủ chốt để tối đa hóa tác động của những nỗ lực chung, và sẽ làm việc với các nhóm G20 khác để đảm bảo rằng các hành động ở cấp quốc gia và quốc tế sẽ kích thích nền kinh tế và thúc đẩy tạo và duy trì việc làm.
"Chúng tôi nhận thấy tầm quan trọng của đối thoại xã hội và hợp tác với các đối tác xã hội về cách ứng phó thích hợp đối với đại dịch. Kinh nghiệm cho thấy rằng trong thời kỳ khủng hoảng, đối thoại xã hội với các tổ chức của người lao động và của người sử dụng lao động sẽ đưa đến các giải pháp đáp ứng, lâu dài. Các thành viên G20 đã và đang tìm những cách sáng tạo để tham gia đối thoại mặc dù vẫn đang trong tình trạng cách ly xã hội", Tuyên bố nhấn mạnh.
Đồng thời, Tuyên bố chung ghi nhận và đánh giá cao đóng góp của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và Nhóm Ngân hàng Thế giới và sẽ tiếp tục đề nghị họ tư vấn giải quyết khủng hoảng ngắn hạn, lên kế hoạch phục hồi trung và dài hạn.
"Phù hợp với thông cáo của Lãnh đạo G20 và Kế hoạch hành động G20, chúng tôi đề nghị ILO và OECD giám sát và báo cáo về tác động của Covid-19 đối với việc làm và hiệu quả của các biện pháp giảm thiểu tác động của Covid-19 được thực hiện trên toàn thế giới", các Bộ trưởng nhấn mạnh.
Khẳng định sẽ làm việc không ngừng nghỉ để chia sẻ, đưa ra và thực hiện các biện pháp hiệu quả để giảm thiểu và tiến tới xóa đi tác động của Covid-19 đối với thị trường lao động, xã hội và mở rộng nền kinh tế, các Bộ trưởng cho biết, họ luôn nhớ rằng trách nhiệm chính của mình là "bảo vệ sức khỏe và phúc lợi của người lao động và gia đình họ".
Trong thời gian tới, các Bộ trưởng cũng nhất trí "sẵn sàng gặp lại nhau khi cần thiết để theo dõi tiến độ và xem xét các hành động và cam kết bổ sung để hỗ trợ việc phục hồi thị trường lao động, duy trì tiến bộ trong việc đạt được các mục tiêu G20".