Nghị trường “nóng” với các nội dung liên quan đến tình trạng “ép” học sinh học thêm, những bất cập trong vấn đề dạy và học trực tuyến do bối cảnh Covid-19…
Hơn 1,86 triệu học sinh không có bất kỳ thiết bị để trực tuyến
Đặt câu hỏi tới Bộ trưởng Bộ giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, đại biểu Nguyễn Huy Thái (Bạc Liêu) nêu, dù Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiêm cấm dạy thêm và học thêm trong mùa dịch nhưng gần đây đã xuất hiện tình trạng dạy thêm và học thêm trực tuyến, thậm chí có tình trạng học sinh bị ép học thêm trực tuyến.
“Cử tri bức xúc kiến nghị Bộ cần tiến hành thanh tra việc dạy thêm, học thêm trực tuyến, quan điểm của Bộ trưởng thế nào?”, đại biểu chất vấn.
Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, bình thường, việc dạy thêm học thêm đã cần phải ngăn chặn. Khi học trực tuyến, học sinh căng thẳng hơn, "nên việc dạy thêm giờ phải lên án".
Thông tư 09 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành dạy và học trực tuyến đã quy định số giờ được dạy cho các cấp, các lớp.
“Nếu các trường thấy học sinh đi học quá giờ theo quy định, đề nghị các Sở Giáo dục và Đào tạo địa phương, kiểm tra, thanh tra học trực tuyến xem có hiện tượng này hay không. Chúng tôi cũng sẽ tăng cường kiểm tra, thanh tra để có đầy đủ căn cứ, chúng ta cần phải tích cực ngăn chặn việc này”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh (Vĩnh Long), qua dịch bệnh, ngành Giáo dục và Đào tạo thấy điểm gì cần khắc phục, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói: Chúng ta test để tìm virus nhưng virus đã test lại cả hệ thống của chúng ta. Sau chống chọi với dịch bệnh, nhiều điều được nhìn ra.
Theo ông, qua ứng phó với dịch bệnh, điều đáng mừng nhất là sự nhiệt thành, tận tụy, hy sinh của đội ngũ hơn 1 triệu giáo viên, đội ngũ quản lý giáo dục.
“Trong gian khó của dạy học trực tuyến, ứng phó với dịch bệnh, các thầy, cô không kêu ca”, Bộ trưởng nói, các thầy, các cô sáng tạo vô cùng trong công việc, đó là yếu tố quan trọng củng cố thêm cho chúng ta niềm tin.
Ông Sơn cũng cho biết, Bộ hết sức cố gắng, tuy nhiên qua dịch bệnh một số vấn đề nảy sinh nên phải điều chỉnh để làm tốt hơn.
Cũng liên quan đến vấn đề chất lượng việc học trực tuyến trong bối cảnh dịch COVID-19, trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu Nguyễn Danh Tú (Kiên Giang), Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, hiện nay chuyển sang dạy học trực tuyến không chỉ có riêng Việt Nam, "đây là một việc mà cả thế giới phải làm".
Đối với Việt Nam, ngành giáo dục đã có kinh nghiệm, đã chuẩn bị trong đợt dịch trước. Nhưng bước vào năm 2021, quy mô, tính chất, thời gian dạy học trực tuyến là chưa từng có tiền lệ, do đó chúng ta chưa có kinh nghiệm.
Đối với ngành giáo dục, thầy và trò vừa phải ứng phó với dịch bệnh, vừa phải chuyển sang dạy học trực tuyến trong điều kiện cả nước còn hết sức khó khăn. Theo thống kê hiện nay, hơn 1,86 triệu học sinh không có bất kỳ thiết bị gì trong tay để học tập. Có gia đình 2-3 anh chị em chỉ có chung một điện thoại để học.
Theo ông Nguyễn Kim Sơn, đây là một việc "bất đắc dĩ": "Do đó, trước khi quan tâm đến chất lượng, cũng mong các đồng chí lãnh đạo các địa phương rất chia sẻ, quan tâm làm thế nào để hỗ trợ các cháu không có thiết bị học tập; một phần các cháu đang dần bỏ học vì không học được do thiếu thiết bị. Đây là vấn đề cấp bách hơn, trước khi chúng ta đánh giá xem các cháu học được gì", Bộ trưởng bày tỏ.
Vừa học, vừa đảm bảo được các biện pháp phòng, chống dịch
Trước đó, cũng nêu những băn khoăn, lo lắng của cử tri đến với Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, đại biểu chất vấn về việc làm sao nhanh chóng tiêm vaccine cho trẻ em để trẻ được đến trường?
Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, một số địa phương đã bắt đầu tiêm vaccine cho trẻ em từ 12 đến 17 tuổi và trong 2 tuần đầu tháng 11, triển khai ở một số địa bàn trọng điểm, trong tháng 11, Bộ Y tế sẽ triển khai trên địa bàn toàn quốc, theo nguyên tắc tuổi cao tiêm trước và tuổi thấp tiêm sau.
Tuy nhiên, Bộ trưởng phân tích rõ: “Đối với vấn đề trẻ em chưa được đi học trực tiếp, vấn đề này chúng tôi đã có trao đổi, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có những hướng dẫn đối với các địa phương. Hai Bộ cũng vừa tổ chức hội nghị triển khai đối với tất cả các địa phương, cụ thể: Thứ nhất, quyền cũng như vấn đề về trẻ em đi học. Chúng tôi đề nghị đối với các địa phương không vì lo lắng quá đối với dịch bệnh mà chúng ta hạn chế việc học tập trực tiếp của trẻ em, nhất là những trẻ em đầu cấp, như lớp 1 hay bậc tiểu học. Chúng tôi đã có chỉ đạo”.
Thứ hai, lãnh đạo Bộ Y tế nêu rõ, về triển khai những biện pháp phòng, chống dịch, Bộ đã có các hướng dẫn đối với các địa phương triển khai những biện pháp phòng, chống dịch đối với các trường học để đảm bảo làm sao chúng ta vừa học được, vừa đảm bảo được các biện pháp về phòng, chống dịch.
Thứ ba, không nên đợi chờ vào vaccine, bởi vì vaccine hiện nay chỉ tiêm cho trẻ từ 12 tuổi trở lên. “Vậy, trẻ từ 5 tuổi, 6 tuổi cho đến 11 tuổi chúng ta không thể đợi chờ vaccine được. Những rủi ro do dịch Covid ở những lứa tuổi này không cao như những tuổi lớn”, ông Long nói và khẳng định vì vậy, Bộ Y tế cũng như Bộ Giáo dục và Đào tạo đã khuyến cáo đối với các địa phương mạnh dạn đưa các cháu đi học.
Bộ trưởng nêu rõ thêm, và nhất là những vùng, những xã, huyện, tỉnh ở cấp độ 1 và cấp độ 2 thì trong Nghị quyết 128 đã nêu rất rõ cấp độ 1 là đi học bình thường, nhưng đến thời điểm hiện nay, Bộ trưởng Y tế cho biết, chỉ có 22 địa phương có kế hoạch này.
“Cấp độ 2 cũng tương tự như vậy, và cấp độ 3 thì chúng ta mới hạn chế một số những vấn đề liên quan đến việc kết hợp giữa học trực tuyến và học trực tiếp. Những vấn đề này trong Nghị quyết 128 cũng đã nêu rất rõ, và Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã có chỉ đạo vấn đề này”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết.
Về những vấn đề này, tại phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, từ chương trình sách giáo khoa theo hướng giảm tải chương trình cho học sinh, đảm bảo điều kiện vật chất, trang thiết bị phù hợp cho dạy và học trực tuyến, phối hợp với các cấp, các ngành, địa phương đảm bảo công tác an toàn trường học.
“Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế và các địa phương để nghiên cứu và sớm triển khai chương trình tiêm chủng vắc xin cho học sinh. Đây là một trong những điều kiện tiên quyết để chúng ta có thể sớm đưa học sinh, sinh viên trở lại trường học sớm nhất”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.