Viettel Lab là một mạng 4G LTE hoàn chỉnh cho phép cung cấp đầy đủ các dịch vụ cơ bản của mạng viễn thông di động thế hệ thứ 4.
Đây là phòng thí nghiệm mạng 4G LTE hoàn chỉnh đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam được trang bị cho một trường Đại học để nghiên cứu. Các thiết bị trang bị tại phòng Lab này hoàn toàn do người Viettel nghiên cứu, phát triển và làm chủ.
Tổng giá trị đầu tư phòng Lab là 8,5 tỷ đồng.
Phòng Lab này là sáng kiến của Bộ trưởng Bộ TT&TT với kỳ vọng sẽ hoàn chỉnh phục vụ công tác nghiên cứu và giảng dạy nhằm xóa bỏ khoảng cách đã tồn tại từ lâu.
Đó là: khoảng cách giữa lý thuyết và thực tiễn; khoảng cách giữa học và hành; khoảng cách giữa nhà trường và doanh nghiệp; khoảng cách giữa người vừa ra trường và người đang vận hành, khai thác mạng lưới.
Viettel cam kết sẽ liên tục cập nhật những phiên bản mới nhất để thày và trò Học viện Công nghệ, Bưu chính, Viễn thông sẽ được học tập và nghiên cứu song hành cùng với các bước tiến về công nghệ ở Việt Nam và trên thế giới. Viettel cũng sẽ cùng tham gia xây dựng giáo trình, bài giảng và tổ chức đào tạo cho sinh viên của Học viện.
Thực hiện tầm nhìn của Bộ TT&TT về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam theo hướng Make in Viet Nam.
Tại sự kiện, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu: "Sự kiện này, ngoài việc kết nối giữa doanh nghiệp với trường đại học, thì truyền đi một thông điệp thứ hai về việc Việt Nam làm chủ hạ tầng viễn thông Việt Nam".
"Hạ tầng viễn thông trong năm nay, không chỉ là hạ tầng viễn thông theo nghĩa truyền tin trên mạng, mà giờ chuyển thành hạ tầng của nền kinh tế số, vai trò, ý nghĩa lớn hơn rất nhiều.Chúng ta làm chủ được thì càng ý nghĩa, đặc biệt là vấn đề an toàn, an ninh mạng", ông Hùng nhấn mạnh thêm
Phát biểu tại buổi lễ, Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, PGS TS Vũ Văn San nhấn mạnh: "Đây là quà tặng vô giá và vô cùng ý nghĩa đối với thầy và trò Học viện; không chỉ là minh chứng sinh động và rõ nét cho sự hợp tác chặt chẽ, có hiệu quả giữa Viettel và Học viện mà còn là thể hiện sự quan tâm đầy đủ, trọn vẹn của Bộ trưởng đối với thầy và trò Học viện, góp phần to lớn trong nâng cao hiệu quả học tập và tăng cường kiến thức thực tế cho sinh viên"
Học viện kỳ vọng trong thời gian tới Học viện sẽ có thêm nhiều điều kiện để đóng góp cho hoạt động nghiên cứu phát triển công nghệ mới, đóng góp cho hoạt động phát triển nguồn nhân lực của Tập đoàn Viettel.
Các tính năng Phòng Lab 4G Viettel
- Mô phỏng cuộc gọi End to End
- Mô phỏng truy cập website và lưu lượng di động
- Tính cước dịch vụ thoại, data.
- Thực hiện thủ tục Handover
- Hỗ trợ các giao diện mạng LTE: S1, S6a, S5/S8, S10, Gx, Gy…
Các hệ thống chính tại Phòng Lab:
eNodeB (tên đầy đủ là E-UTRAN Node B) là một thành phần trong mạng truy cập E-UTRA thuộc thế hệ mạng thứ 4 (được gọi là mạng 4G hay LTE) chịu trách nhiệm thu phát sóng vô tuyến tới/từ các thiết bị di động người dùng (UE) và kết nối trao đổi dữ liệu với các thiết bị trong mạng lõi EPC.
EPC (Evolved Packet Core) là hệ thống mạng lõi chuyển mạch gói cung cấp dịch vụ (cả thoại và dữ liệu) trên nền tảng mạng di động 4G LTE (Long Term Evolution)
IMS (IP Multimedia Subsystem) là hệ thống cung cấp các dịch vụ truyền thông đa phương tiện trên nền mạng IP
Hệ thống tính cước thời gian thực OCS (Online Charging System) là thành phần lõi của mạng viễn thông. Hệ thống có chức năng quản lý thông tin thuê bao (di động, cố định, ...) và tài khoản tiêu dùng của nhà mạng.
Hệ thống vOCS phiên bản 3.0 là hệ thống tính cước hội tụ, có khả năng cung cấp các gói cước đa dịch vụ, đáp ứng 20 triệu thuê bao trên một cluster và mở rộng đến 200 triệu