Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Bộ trưởng VH-TT&DL và nỗi xấu hổ thiếu tinh hoa

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đánh giá, Bộ VH-TT&DL hiện nay đang đi lầm đường và chạy theo những sự vụ tầm thường.

 

"Hạn chế bớt hội thảo, đi lại vừa thôi"

Trong hội nghị sơ kết công tác Văn hóa, Thể thaoDu lịch 6 tháng đầu năm 2016, ngày 8/7, ông Thiện nhấn mạnh: "Chúng ta phải đi vào những nhiệm vụ đích thực là đỉnh cao và bảo tồn. Chúng ta phải bảo tồn nhưng không để mất đi đỉnh cao. Trước mắt, Bộ phải đi vào những nhiệm vụ đích thực là làm những gì đỉnh cao, bên cạnh việc gìn giữ những gì đã có".

Theo Bộ trưởng, hiện nay, chúng ta đang thiếu vắng những tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao và một trong những nhiệm vụ của Bộ VH-TT&DL là phải xây dựng được nghệ thuật đỉnh cao.

Đã lâu lắm rồi nghệ thuật Việt Nam chưa có những tinh hoa. Vì lẽ đó mà các Bộ trưởng nước ngoài đến thăm Việt Nam khi tiếp đón chúng ta chỉ biết làm duy nhất là mời cơm.

Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện

Cùng lắm thì cũng chỉ gọi một vài ca sĩ, đoàn nghệ thuật đến biểu diễn, chương trình hoàn toàn không xứng tầm, không có tinh hoa, làm bản thân người đứng đầu ngành vô cùng xấu hổ.

Mặt khác, hiện nay, trong Bộ VH-TT&DL, các đơn vị, Cục, Vụ, Nhà hát vẫn chưa kết nối được với nhau. Đơn cử như vấn đề văn hóa đến nay vẫn chưa có sự kết nối khăng khít với ngành du lịch, chưa tổ chức các tour, tuyến đến các nhà hát của Bộ.

Bộ trưởng chỉ đạo, hiện nay rất nhiều vấn đề chuyên môn để chúng ta phải thay đổi phương cách. Cần phải nhìn lại, đánh giá lại, thời gian qua các đơn vị trực thuộc Bộ đã triển khai như thế nào, không đùn đẩy trách nhiệm.

Trong thời gian sắp tới Bộ VH-TT&DL phải đạt được thành quả, ít nhất không phải như hôm nay.

“Đặc biệt, đề nghị các cán bộ của Bộ VH-TT&DL phải đi xem để động viên bởi nghệ thuật muốn phát triển được thì phải có khán giả và khán giả trước tiên là những người làm văn hóa. Bản thân chúng ta cũng phải động viên những người thân đi xem để rồi từ đó trở thành phong trào. Hiện nay chúng ta đang làm theo cách xưa bày nay làm.

Ngồi ở phòng làm việc nhiều hơn để suy nghĩ. Thể chế nào, cơ chế nào, cách thức gì… để giúp phát triển điều đó. Hạn chế bớt hội nghị hội thảo, đi lại vừa thôi, chúng ta đi nhiều quá. Đi thì khỏi phải làm, xuống nói vài câu rồi xong về chẳng thúc đẩy được gì…”, Bộ trưởng nói.

Nhà hát Lớn sẽ đỏ đèn đêm đêm

Riêng về Nhà hát Lớn, thay vì như trước đây, chỉ mở cửa tháng một hai lần cho các cá nhân, tổ chức thuê làm chương trình thì tới đây, theo chỉ đạo của Bộ trưởng đây sẽ là sân khấu chung để biểu diễn các chương trình nghệ thuật của các Nhà hát.

Bộ trưởng đề nghị các Nhà hát: “Xây dựng các chương trình hay nhất trong khả năng hiện nay và đưa vào biểu diễn ở Nhà hát Lớn. Nhà hát Lớn phải tổ chức một đơn vị làm nhiệm vụ tiếp thị quảng bá, vừa bán vé, giới thiệu tất cả các đoàn nghệ thuật của Bộ”.

Trong thời gian tới, Bộ VH-TT&DL sẽ có kế hoạch cụ thể để bảo tồn và phát triển với tất cả loại hình nghệ thuật truyền thống: Tuồng, chèo, cải lương.

Bộ trưởng cho rằng, có chương trình, có nơi biểu diễn rồi thì khán giả mới dần dần đông lên, từ đó phát triển nghệ thuật đỉnh cao.

Được biết, cách đây khoảng hai tuần, Bộ trưởng đã có cuộc làm việc riêng với các Nhà hát thuộc Bộ và đề nghị tập trung vào xây dựng các chương trình nghệ thuật có chất lượng. Trong đó, trước mắt, các nhà hát sẽ tự xây dựng các tác phẩm của mình từ những vở diễn đã từng đoạt Huy chương và đưa đến biểu diễn tại Nhà hát Lớn.

Ủng hộ đề án của Bộ trưởng, ông Trương Nhuận chia sẻ: "Việc đưa các tác phẩm của các nhà hát vào biểu diễn ở đây sẽ tạo cú hích rất lớn trong phát triển diện mạo chung của nghệ thuật hiện nay.

Đó là cú hích cho các nhà hát, tạo hứng khởi cho các nghệ sĩ biểu diễn, ao ước được biểu diễn tác phẩm tốt, có chất lượng ở Nhà hát Lớn là ao ước chung của nhiều nghệ sĩ, bởi có nghệ sĩ, cả đời chưa được biểu diễn ở Nhà hát Lớn”.