ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam) nêu chất vấn về chênh lệch số liệu giữa xuất nhập khẩu của Việt Nam và Trung Quốc. Báo cáo của Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cho thấy, ngoài phương pháp tính có sự khác nhau giữa các nước. “Rõ ràng có vấn đề trong quản lý nhà nước về xuất nhập khẩu. Không biết vấn đề này có tình trạng “kinh tế ngầm” ở nước ta hay không? Việc này có ảnh hưởng gì đến nền kinh tế của đất nước?”, ĐB Ngô Văn Minh hỏi. Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thừa nhận có sự chênh lệch số liệu thống kê về xuất, nhập khẩu giữa các nước với nhau. Đây là một thực tế tồn tại, không chỉ giữa Việt Nam với Trung Quốc mà kể cả các nước với nhau. Kim ngạch giữa hai quốc gia càng lớn, chênh lệch càng nhiều. “Tôi nghĩ rằng chắc chắn trong này có buôn lậu, như Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đã khẳng định và có “kinh tế ngầm”, trong đó có phần trách nhiệm liên quan đến lực lượng quản lý thị trường”, Bộ trưởng Hoàng khẳng định. Giá sữa: Cao nữa và cao mãi! Đề cập đến bất cập trong quản lý giá sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi, ĐB Huỳnh Sang (Bình Phước) cho rằng, giá sữa ở Việt Nam quá cao so với giá sữa cùng loại ở các nước Đông Nam Á. Các cơ quan quản lý nhà nước đã đưa ra rất nhiều biện pháp để hạ thấp mặt bằng giá sữa, song đều vô hiệu. “Chỉ một thời gian ngắn các doanh nghiệp sữa đã lách được, làm giá sữa đã cao lại cao hơn, cao nữa và cao mãi. Giải pháp của Bộ trưởng trong thời gian tới như thế nào?”, ĐB Huỳnh Sang nêu. Sữa đối với trẻ em dưới 6 tuổi là mặt hàng nhà nước quản lý giá, song Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng thừa nhận kết quả và hiệu quả quản lý “chưa đạt như mong muốn”, giá sữa Việt Nam luôn ở mức cao. Theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, giải pháp trước tiên phải tăng cường sản xuất ở trong nước, nếu gắn phát triển nguyên liệu với chăn nuôi và chế biến sữa sẽ tăng khả năng sản xuất ở trong nước, góp phần giảm giá…