Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Bố và bác ruột cho phổi cứu sống bé trai 7 tuổi

Bé trai 7 tuổi đã thoát khỏi cái chết vì căn bệnh giãn phế quản bẩm sinh nhờ được ghép phổi từ bố và người bác ruột.

 

Ngày 22/2, Thiếu tướng, GS-TS Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân y, cho biết, bệnh nhi Lý Chương Bình (7 tuổi, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) đã được ghép phổi thành công. Đây là trường hợp ghép phổi thành công từ người cho sống đầu tiên tại Việt Nam.

Các y, bác sĩ tiến hành ca phép phổi cứu sống bé trai 7 tuổi

Ca ghép phổi diễn ra vào chiều 21/2 tại Bệnh viện (BV) Quân y 103. Bệnh nhi được ghép phổi là Lý Chương Bình (7 tuổi), dân tộc Dao, ở huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang. 2 người cho phổi là bố (29 tuổi) và bác ruột (30 tuổi) của bệnh nhi.

Trước đó, ngày 14/11/2016, bệnh nhi Bình được BV Nhi Trung ương chuyển sang BV Quân y 103 trong tình trạng giãn phế quản bẩm sinh lan toả 2 phổi.

Sau khi tiếp nhận, BV Quân y 103 đã tiến hành khám, xét nghiệm, mời chuyên gia đầu ngành hội chẩn, chỉ định bệnh nhân phải ghép phổi do đã bị biến chứng hô hấp, tâm phế mạn, suy dinh dưỡng độ 3. “Hai lá phổi của bé trai giãn như 2 chùm nho 2 bên, chứa đầy nước, thường xuyên nhiễm trùng. Ngay từ khi 2 tháng tuổi, cháu bé đã có dấu hiệu khó thở, khóc to là tím tái. Nếu không ghép, bệnh nhân sẽ nặng dần rồi tử vong”- GS Quyết cho biết.

Học viện Quân y đã phối hợp với các cơ quan chức năng tại tỉnh Hà Giang tổ chức tư vấn, tuyên truyền, vận động gia đình bệnh nhân thực hiện ca ghép phổi để cứu sống cháu bé. Bố và bác đã đồng ý hiến mỗi người 1 thuỳ phổi dưới để ghép cho bệnh nhi. Ca phẫu thuật ghép phổi cho bệnh nhi Bình kéo dài 10 giờ, kết thúc lúc 17 giờ 30 chiều 21/2. Sau ca phẫu thuật, sức khỏe của cả hai người cho phổi đều ổn định. Bệnh nhi nhận phổi hiện đang được theo dõi, các chỉ số sinh tồn đều ổn định, đang được điều trị tích cực.

Ca phẫu thuật có sự phối hợp của GS Oto Takahiro, Giám đốc Trung tâm Ghép tạng, Bệnh viện Đại học Okayama, Nhật Bản.

Ca phẫu thuật ghép phổi kéo dài 10 giờ liên tục - Ảnh bác sĩ cung cấp

GS Oto Takahiro tin tưởng các bác sĩ Việt Nam có thể thực hiện tốt từ ca phẫu thuật thứ 2. Cũng theo GS Oto Takahiro, tỉ lệ sống sót sau 5 năm được ghép tại Việt Nam là 80%, cao hơn nhiều so với tỉ lệ chung của thế giới. Theo chuyên gia này, bệnh nhi 7 tuổi của Việt Nam được ghép phổi lần này có thể sống đến 60, 70 thậm chí 80 tuổi. Với trẻ em, một phần phổi của người lớn cũng đủ để trẻ phát triển bình thường.

GS Quyết cho biết đây là ca ghép phổi từ người cho sống đầu tiên tại Việt Nam, nằm trong khuôn khổ đề tài “Nghiên cứu ghép thuỳ phổi hoặc một phổi từ người cho sống và người chết não” do Học viện Quân Y thực hiện.

Trên thế giới hiện nay, ghép phổi đã phát triển mạnh, số ca ghép phổi liên tục tăng lên qua các năm. Những người xơ hóa phổi, ung thư phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính... đều có thể ghép phổi. Bệnh nhân được ghép phổi có thời gian sống thêm tăng đáng kể. Ví dụ, bệnh nhân xơ hóa phổi sau khi ghép phổi có tỉ lệ sống thêm 5 năm cao hơn người bị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Hiện có hai hướng phát triển ghép phổi, đó là ghép phổi từ người sống chết não và ghép phổi từ người bình thường (hay còn gọi ghép thùy phổi từ người sống; ghép phổi từ người hiến tạng sống).

Được biết, trước đó, tháng 7/2016, Bệnh viện Trung ương Huế cũng tiến hành ghép khối tim-phổi cho một bệnh nam 40 tuổi. Tuy nhiên, ca ghép không thành công. Bệnh nhân qua đời sau 5 ngày được ghép. Người này được ghép khối tim và phổi nhận hiến tặng từ một bệnh nhân bị chết não ở Bệnh viện Chợ Rẫy, TP Hồ Chí Minh.