Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ, các bộ, ngành có liên quan tập trung rà soát các nhiệm vụ, dự án nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và chế tạo, sản xuất các sản phẩm khoa học và công nghệ. Trong đó, Bộ Y tế làm chủ công nghệ và tổ chức sản xuất vắcxin; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu phát triển về giống cây trồng, vật nuôi; Bộ Thông tin và Truyền thông xem xét, lựa chọn một số công nghệ, thiết bị về an toàn thông tin đặc thù để làm chủ công nghệ và sản xuất thiết bị chuyên biệt của Việt Nam...
Việt Nam đã sản xuất được 10 loại vắc xin
Năm 2016, Việt Nam đã đánh dấu mốc quan trọng trên bản đồ các quốc gia sản xuất vắcxin khi tự sản xuất được vắcxin MR (vắc xin sởi- rubella) chất lượng cao ứng dụng công nghệ Nhật Bản. Việt Nam là một trong 25 quốc gia sản xuất được vắcxin trên thế giới và là nước thứ 4 tại châu Á có thể sản xuất vắcxin MR sau Nhật Bản, Ấn Độ và Trung Quốc. HIện nay, Việt Nam đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cấp Chứng nhận Hệ thống quản lý quốc gia về vắcxin (NRA).
Vắcxin MR (sởi- rubella) được Việt Nam sản xuất thành công năm 2016
Đến nay, Chương trình tiêm chủng mở rộng Quốc gia tại Việt Nam đã triển khai 12 loại vắcxin phòng bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, trong đó có 10 loại vắcxin do Việt Nam sản xuất trong nước. Đó là vắcxin phòng các bệnh lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B, sởi, viêm não Nhật Bản B, tả, thương hàn. Tất cả các vắcxin dù là sản xuất trong nước hay nhập khẩu, trước khi đưa vào sử dụng đều phải được Bộ Y tế cấp phép và trải qua những kiểm định nghiêm ngặt, đảm bảo điều kiện về tính an toàn và hiệu quả. Với các vắcxin sản xuất trong nước được sử dụng trong tiêm chủng mở rộng từ năm 1985 đến nay, Việt Nam đã thanh toán bệnh bại liệt từ năm 2000, loại trừ bệnh uốn ván sơ sinh vào năm 2005.