Chiều 6/4, buổi họp giao ban với các địa phương về tình hình phòng, chống dịch Covid-19 đã diễn ra dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Thủ tướng nhấn mạnh việc thực hiện cách ly toàn xã hội là việc làm cần thiết trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay. Ông đề nghị các bộ, ngành cùng thảo luận và xem xét việc kéo dài thời gian giãn cách xã hội nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch.
"Từ nay đến hết ngày 15, chúng ta không được chủ quan trong phòng, chống dịch. Bên cạnh việc thực hiện Chỉ thị 15, 16, chúng ta cần có những biện pháp chủ động hơn để phục hồi kinh tế sau dịch", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo.
Thủ tướng nhận định chỉ thị 15, 16 đã làm cho cuộc sống người dân thay đổi nhưng người dân vẫn tuân thủ rất tốt. Lãnh đạo Chính phủ nhận định Việt Nam khống chế được dịch bệnh chính nhờ sự tuân thủ này của người dân.Khống chế được dịch nhờ sự tuân thủ của người dân
"Giãn cách xã hội là biện pháp rất quan trọng mà Chính phủ, ban chỉ đạo các cấp, các ngành đã thực hiện. Vậy ta thấy hiện nay nên tiếp tục hay không? Có cần thiết phải tiếp tục hay như thế nào?", Thủ tướng đặt vấn đề và yêu cầu Thường trực Chính phủ nêu ý kiến tại cuộc họp.
Từ góc độ cá nhân, lãnh đạo Chính phủ cho rằng việc cách ly xã hội là cần thiết trong giai đoạn này và vẫn nên tiếp tục.
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh giai đoạn này cần tập trung, không chủ quan vì vẫn còn ca nhiễm, còn ca chưa tìm rõ nguyên nhân và còn tình trạng lây lan trong cộng đồng.
Bộ Y tế kiến nghị kéo dài thời gian giãn cách xã hội
Nhận định đây là biện pháp quan trọng để khống chế Covid-19, ông Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế, kiến nghị Thủ tướng xem xét kéo dài thời gian cách ly toàn xã hội sau khi kết thúc 2 tuần thực hiện.
Theo ông Long, dự kiến thời gian tới số ca nhiễm không tăng nhanh mà chỉ xuất hiện một số trường hợp do thực hiện nghiêm túc cách ly toàn xã hội
"Việt Nam đang kiểm soát tốt tình hình dịch Covid-19, hiện chưa có người tử vong", ông Nguyễn Thanh Long nói.
Bộ Y tế đề xuất cách ly và xét nghiệm tất cả những người nhập cảnh là nhân viên ngoại giao, công vụ, chuyên gia dù có giấy chứng nhận âm tính. Những trường hợp đặc biệt cần có phương án giải quyết cụ thể phải xin ý kiến Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng và Bộ Giao thông Vận tải.
Trong thời gian tới, Bộ Y tế đề nghị Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo Cục Hàng không thông báo cho tất cả hãng bay tới đón người về nước và không chở người vào Việt Nam, trừ trường hợp đặc biệt.
Bộ Công an cần chỉ đạo công an địa phương nắm chặt tình hình người nước ngoài nhập cư để lập danh sách và áp dụng biện pháp quản lý phù hợp.
"Hiện có một lượng người nhập cảnh không giấy tờ tùy thân, cách ly xong không biết đi đâu, không có người thân ở Việt Nam. Chúng tôi đã đề xuất cần có khu tạm trú cho nhóm người này tại khu vực phía nam", Thứ trưởng Bộ Y tế thông tin.
Tính đến 6/4, Việt Nam ghi nhận tổng số ca nhiễm là 241 người, 91 bệnh nhân đã được chữa khỏi. Trong 5 bệnh nhân nặng, chỉ có 2 trường hợp vẫn phải thở máy là bệnh nhân 91 (phi công người Anh) đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM và một bệnh nhân 88 tuổi ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. Hiện, nước ta vẫn chưa ghi nhận ca tử vong.
Tuy nhiên, sáng nay 6/4, lãnh đạo thành phố Hà Nội thông tin cho biết đã phát hiện trường hợp dương tính Covid-19 sau 23 ngày ủ bệnh. Bệnh nhân 47 tuổi ở Mê Linh, đi khám ở Khoa miễn dịch dị ứng, bệnh viện Bạch Mai ngày 12/3, đến ngày 4/4, CDC Hà Nội lấy mẫu và tối 5/4 có kết quả dương tính.
Trước tình hình phức tạp này, lãnh đạo Hà Nội đề nghị các quận, huyện tiếp tục rà soát, cách ly ngay các trường hợp liên quan đến bệnh viện Bạch Mai "vì đây vẫn là ổ dịch tiềm tàng nguy cơ lớn". Ông cũng đề nghị các quận, huyện xem xét kéo dài thời gian cách ly "không phải 14 ngày mà 24 ngày". Với những trường hợp đã hết 14 ngày cách ly và trở về gia đình, chủ tịch xã, phường phải yêu cầu họ tự cách ly tại nhà thêm 14 ngày để tránh dịch lây lan ra cộng đồng.