Người dân nên cách ly, không tiếp xúc với người bệnh và chích ngừa vắc xin phòng bệnh bạch hầu. Ảnh minh họa
Theo Bộ Y tế, từ ngày 22/6 đến nay, tỉnh Bình Phước đã ghi nhận 29 trường hợp bệnh nhân nhập viện, trong đó có ba người tử vong trong độ tuổi từ 12 đến 24 tuổi, tại xã Thuận Lợi và xã Thuận Phú, huyện Đồng Phú.
Kết quả xét nghiệm từ Viện Pasteur TPHCM cho thấy 7 người có kết quả dương tính với bệnh bạch hầu, đều có biểu hiện sốt và đau họng, sưng cổ, đau đầu, viêm amidan.
Hiện, Sở Y tế và Trung tâm Y tế dự phòng của Bình Phước đã thực hiện khử khuẩn môi trường bằng hóa chất Cloramin B 5%, khoanh vùng những người từng tiếp xúc với bệnh nhân, người nhà, y bác sĩ, người ra vào hai xã trong thời gian có dịch bệnh.
Cũng trong chiều nay, Bộ Y tế đã gửi công điện đến Giám đốc Sở Y tế Bình Phước yêu cầu tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh bạch hầu và khuyến cáo người dân trong cả nước phòng bệnh và chích ngừa bệnh này.
Theo Cục Y tế dự phòng, bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây nên; bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, tuy nhiên cũng có thể gặp ở người lớn nếu không có miễn dịch. Bệnh lây truyền dễ dàng qua đường hô hấp hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết từ niêm mạc mũi, họng của bệnh nhân, hoặc người lành mang trùng khi ho, hắt hơi, đặc biệt trong khu vực dân cư đông đúc hoặc nơi có điều kiện vệ sinh không đảm bảo.
Trước đây bệnh lưu hành khá phổ biến ở hầu hết các địa phương trên cả nước. Từ khi vắc xin phòng bạch hầu được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng, bệnh đã được khống chế và chỉ ghi nhận một vài trường hợp lẻ tẻ do không tiêm vắc xin phòng bệnh, thường xảy ra ở các khu vực vùng sâu, vùng xa nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp.
Hiện, bệnh bạch hầu chưa được loại trừ ở nước ta, do đó người dân vẫn có thể mắc bệnh nếu chưa tiêm vắc xin 5 trong 1, 6 trong 1, vắc xin Quinvaxem phòng bệnh và tiếp xúc với mầm bệnh.
Để chủ động phòng chống bệnh bạch hầu, Cục Y tế Dự phòng khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau: đưa trẻ đi tiêm chủng tiêm vắc xin phối hợp phòng bệnh bạch hầu: Quinvaxem hoặc DTP (bạch hầu – ho gà – uốn ván), Td (bạch hầu-uốn ván) đầy đủ, đúng lịch; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh; đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.
Bên cạnh đó, người có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời; người dân trong ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc phòng và tiêm vắc xin phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế.