800.000 tấn bom mìn sót lại
6,6 triệu ha đất bị ô nhiễm bom mìn với khối lượng 800.000 tấn trên toàn bộ 63 tỉnh thành cả nước là những con số khủng khiếp về hậu quả ô nhiễm bom còn sót lại sau chiến tranh ở Việt Nam. Bom, mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh không chỉ gây nhiều khó khăn trong sản xuất và đời sống của người dân, cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội, mà còn gây ra nhiều thương vong và tổn thất cho người dân và gánh nặng cho xã hội.
Theo thống kê chưa đầy đủ: Cả nước đã có 42.132 người bị chết và 62.163 người bị thương, do bom mìn sót lại sau chiến tranh gây ra. Trung bình mỗi năm bom mìn sót lại sau chiến tranh cướp đi tính mạng của 1.535 người và 2.272 người khác phải mang thương tật suốt đời. Số liệu thống kê chưa đầy đủ, từ năm 1975 đến nay những người bị nạn do bom mìn ở Quảng Trị là 7.024 người (chiếm 1,2% dân số Quảng Trị), trong đó có 2.618 người chết (31% nạn nhân tử vong là trẻ em). Chỉ tính riêng từ năm 2008 đến nay đã có hơn 30 người chết vì bom đạn, trong đó có 14 trẻ em… Quảng Trị được đánh giá là mảnh đất bị ô nhiễm bom, mìn, vật liệu nổ sau chiến tranh đứng đầu cả nước.
Theo số liệu của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an: Hiện nay Việt Nam còn 6,6 triệu ha đất bị ô nhiễm bom mìn sau chiến tranh, chủ yếu ở các tỉnh: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và Quảng Nam. Với năng lực hiện tại, mỗi năm rà phá, dọn dẹp, làm sạch được 20.000 ha đất. Hằng năm Việt Nam tiêu tốn 100 triệu USD cho công tác làm sạch diện tích ô nhiễm bom mìn. Đó là chưa kể những chi phí cho việc rà phá bom mìn mặt bằng xây dựng cho các công trình kinh tế, dân sinh...
Thống kê của cơ quan chức năng cho thấy, có khoảng 30% số vụ nổ là do người dân tự ý thu gom, tàng trữ, mua bán, cưa cắt, tháo gỡ bom đạn. Số còn lại là các tai nạn xảy ra khi trẻ em hoặc người dân sinh sống, lao động, canh tác tại các khu vực bị ô nhiễm bom, mìn, vật nổ... vô tình tác động vào gây nổ. Điển hình gần đây nhất là các vụ nổ bom sót lại sau chiến tranh gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng như: Vụ nổ tại khu đô thị Văn Phú (quận Hà Đông, TP Hà Nội) xảy ra ngày 19/3/2016 làm 5 người chết và hơn 10 người bị thương; vụ nổ tại Bãi Dinh, buôn Mả Vôi (xã Đức Bình Tây, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên) ngày 14/5/2016 làm 3 người chết...
Bom, mìn, vật nổ sau chiến tranh là nỗi ám ảnh đối với cuộc sống người dân
Để nỗi đau không còn
Trung tướng Nguyễn Đức Soát - Chủ tịch Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn cho biết: Việc tồn tại một số lượng khổng lồ bom đạn trên khắp các tỉnh, thành của Việt Nam đang gây ra những hậu quả thương tâm. Rất nhiều người dân chết và bị thương do bom mìn còn sót lại sau chiến tranh. Nhiều nạn nhân của bom mìn sau chiến tranh là trụ cột lao động trong gia đình khiến hoàn cảnh gia đình vô cùng khó khăn.
Từ các vụ nổ thương tâm, các cơ quan chức năng cho biết, với các loại bom, mìn, vật nổ sót lại sau chiến tranh do người dân phát hiện, thu lượm được, nếu không quản lý chặt chẽ sẽ tiềm ẩn nguy cơ phát nổ gây hậu quả nghiêm trọng đến tính mạng và tài sản, phá hoại an ninh trật tự và tạo điều kiện cho việc mua bán, tàng trữ, sử dụng bom, mìn, vật liệu nổ trái phép. Mới đây Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Chỉ thị số 20/CT-TTg, về việc tăng cường thực hiện các giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn và giảm thiểu tai nạn bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh.
Theo đó, một trong những yêu cầu đầu tiên tại Chỉ thị 20 của Chính phủ là phải tăng cường trách nhiệm của các bộ, ngành, chính quyền địa phương, các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội... trong việc phòng tránh, giảm thiểu các vụ nổ bom, mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức phòng tránh tai nạn bom, mìn cho nhân dân, nhất là thanh, thiếu niên trên các địa bàn thường xảy ra tai nạn bom mìn trong 5 năm trở lại đây, đặc biệt là khu vực miền Trung, Tây Nguyên. Bên cạnh đó, phổ biến rộng rãi các quy định của pháp luật và các hình thức xử lý vi phạm về thu gom, mua bán, tàng trữ, cưa cắt, sử dụng trái phép bom, mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh, vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Khẩn trương rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách, quy định, hướng dẫn có liên quan đến quản lý nhà nước; phát hiện và xử lý các vi phạm về thu gom, tàng trữ, mua bán, cưa cắt, sử dụng trái phép bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh, vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ...