Sau khi từ Mỹ về Việt Nam, con trai tôi - Seal, năm ấy 8 tuổi, bắt đầu lười đọc tiếng Anh. Thằng bé học mọi môn bằng tiếng Việt và dần không muốn học tiếng Anh nữa. Vậy, tôi đã làm gì để con chịu học?
Đặt câu hỏi tại sao
Khi Seal hỏi tôi là không hiểu sao con phải học tiếng Anh, tôi suýt té ngửa. Có lẽ những thứ người lớn coi như đương nhiên lại không hề rõ ràng với bọn trẻ. Tôi lại phải ngồi giải thích cặn kẽ cho con, rằng tiếng Anh giúp con thành công trong học tập và sự nghiệp về sau. Tôi đã mất khá nhiều thời gian nói chuyện với con mỗi ngày, nuôi dưỡng cho con ước mơ du học Mỹ, kể cho con những trải nghiệm hay ho của tôi tại đất nước này.
Mỗi bố mẹ chắc hẳn đều có câu chuyện riêng để kể cho các con nghe. Tôi nghĩ trẻ con cũng như người lớn, thiếu động lực là do không có định hướng rõ ràng. Việc đầu tiên bạn phải làm là tự hỏi tại sao cần học tiếng Anh. Nếu lý do không rõ ràng thì động lực không đủ mạnh. Nếu chỉ học để biết, học để thi IELTS (mà không biết khi nào thi) thì bạn khó lòng vượt qua được những thử thách trên con đường học tập.
Đặt mục tiêu và lên kế hoạch
Để rèn khả năng đọc và viết của Seal (11 tuổi) và Suzie (9 tuổi), mỗi ngày tôi đều yêu cầu các con đọc một đoạn văn bằng tiếng Anh, sau đó viết tóm tắt nội dung của đoạn văn đó. Khi đi học về, các con sẽ làm trả bài cho mẹ, đặt sẵn vở để mẹ kiểm tra. Mục tiêu mà không có kế hoạch thì khó thành công, nên để chinh phục tiếng Anh, bạn cần thiết kế một kế hoạch, dựa trên đặc điểm tính cách, ưu nhược điểm của người học để đạt hiệu quả tốt nhất.
Xây dựng thói quen
Thói quen có sức mạnh rất lớn, do đó hãy xây dựng thói quen thực hành tiếng Anh mỗi ngày, giống như đánh răng mỗi buổi sáng.
Quay lại với ví dụ của Seal và Suzie, tôi yêu cầu các con phải đọc, viết mỗi ngày và duy trì điều này như một thói quen, ngày mưa cũng như nắng, chỉ trừ thứ 7 và chủ nhật. Hôm trước, tôi kiểm tra thấy Seal làm bài qua loa cho xong. Tôi bảo với con việc này giúp con nâng cao khả năng đọc, viết tiếng Anh, rèn tính kiên trì, kỷ luật. "Nếu con giữ được thói quen này trong một năm, mẹ tin chắc con có đầy đủ phẩm chất để thành công trong mọi việc sau này", tôi nói với Seal.
Chiến thắng bệnh trì hoãn
Khi Seal làm bài đọc, thay vì bắt con đọc cả bài dài mỗi ngày, tôi để con tự điều chỉnh độ dài dựa trên độ khó của bài và lịch học tập hôm đó. Con được phép chia nhỏ bài để làm dần, ở mức mẹ và con đều thấy hợp lý.
Bạn cũng có thể áp dụng cách tương tự. Sau khi có kế hoạch và lập mục tiêu, nhiều khi bạn thấy ngại, không muốn làm và nghĩ "thôi, để mai tính tiếp". Do đó, hãy chia nhỏ mục tiêu để dễ hoàn thành hơn. Ví dụ, thay vì cố nghe một tiếng hãy khởi đầu bằng việc nghe 15-30 giây mỗi ngày.