Có lẽ dư âm trận thua “trắng bụng” 0 – 3 trước U22 Thái Lan của U22 Việt Nam chiều ngày 24/8 định mệnh trên sân vận động Selayang còn phải mất nhiều thời gian nữa mới có thể lắng xuống, thất bại đến thảm hại của HLV Hữu Thắng và các học trò như một “cái tát trời giáng” vào niềm kiêu hãnh, tự hào của ông bầu Đoàn Nguyên Đức và những người làm bóng đá Việt Nam về một thế hệ cầu thủ được học hành bài bản nhất, được chăm bẵm và thử lửa nhiều nhất từ trước đến nay. Thế nhưng, thua dẫn đến bị loại đồng nghĩa với thất bại, một thất bại ê chề xuất phát từ những sai sót sơ đẳng nhất trong bóng đá cả về đấu pháp chiến thuật và sai sót cá nhân.
Thất bại của U22 Việt Nam chẳng khác nào như sát muối vào niềm kiêu hãnh của Bầu Đức về "lũ nhóc" của mình
Nhìn lại 3 trận thắng của cả hai đội Việt Nam và Thái Lan trước Đông Timor, Campuchia và Philipine trước khi diễn ra trận đối đầu sinh tử chiều 24/8 mới thấy, câu nói của ngài Alex Ferguson về bóng đá, rằng “phong độ là nhất thời còn đẳng cấp là mãi mãi” mới luôn đúng làm sao. Người Thái đã không cần đến những “chiến thắng tưng bừng”, không cần đến “những cơn mưa bàn thắng”, không cần sử dụng “dao phay” để “giết gà” như U22 Việt Nam đã làm trước những “gã tí hon”. Người Thái đã biết cách thắng vừa đủ, biết cách dưỡng sức và “ngấm ngầm” soi giò, xem cẳng từng vị trí trên sân của U22 Việt Nam, từ đó đưa ra đấu pháp hợp lý, lên giây cót tinh thần cho các cầu thủ trong trận chiến mà ở đó họ không có đường lùi.
Từ chức dường như là một quyết định hợp lý của HLV Hữu Thắng khi ông không hoàn thành nhiệm vụ.
Lẽ thường, khi thất bại, con người ta sẽ rất đau khổ, dằn vặt và người ta sẽ khóc. Cũng phải thôi vì chẳng ai có thể che giấu sự thất vọng, đau khổ trước thất bại. Trong một chừng mực nào đấy, đau khổ khi thất bại là một quy luật của cuộc chơi. Những giọt nước mắt của các cầu thủ U22 cùng đôi mắt ngấn lệ của HLV Hữu Thắng trong phòng họp báo ở sân vận động Selayang chiều 24/8 đã nói lên tất cả và là minh chứng cho điều ấy. Thực tế, bóng đá Việt Nam đã từng chứng kiến nhiều giọt nước mắt, thậm chí là gào khóc nức nở như trẻ thơ của những Quế Ngọc Hải, Công Vinh, Đình Luật … trên sân vận động Mỹ Đình hôm nào.
Đã quá nhiều lần người hâm mộ Việt Nam phải ngậm ngùi, cay đắng vì niềm tin vào các cầu thủ sụp đổ
Bóng đá Việt Nam một lần nữa lại tan vỡ giấc mộng vàng ở SEA games, một sân chơi trong “vùng trũng” nhất của bóng đá thế giới. Điều đáng nói là, sự kỳ vọng và giấc mơ vàng của người hâm mộ bóng đá Việt Nam vào một thế hệ cầu thủ tài năng, từng thắng như trẻ tre trước các đội tuyển cùng lứa U của các nền bóng đá phát triển đã sớm tan thành mây khói. Ngay cả một HLV được coi là bản lĩnh, tài năng, có tư duy chiến thuật hàng đầu Việt Nam như Hữu Thắng cũng đã thất bại. Trớ trêu thay, cứ mỗi khi người hâm mộ bóng đá Việt Nam hy vọng nhất về “những đứa con cưng” của mình, thì cũng là lúc chính “những đứa con cưng” ấy làm cho họ thất vọng tràn trề.
Cầu thủ nổi tiếng như Công Vinh cũng đã từng "nức nở" trên sân Mỹ Đình khi không vượt qua được chính mình
Nếu nói một cách sòng phẳng, những Công Phượng, Tuấn Tài, Xuân Trường và cả Phí Minh Long cùng nhiều cầu thủ khác của U22 Việt Nam không hề yếu, không hề kém cạnh so với các cầu thủ Thái Lan và các cầu thủ cùng trang lứa trong khu vực Đông Nam Á. Nhưng, như một phần của cuộc chơi, ngoài những toan tính chiến thuật thì sự tự tin và may mắn luôn là một phần quan trọng của bóng đá. Chẳng vậy mà cũng chính ngài Alex Ferguson từng thốt lên cay đắng: “Tôi không thể tin được. Tôi không thể tin được. Bóng đá. Thật chết tiệt”.