Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Bóng đá Việt: Ngơ ngác đến bao giờ?

Bóng đá trong nước có những niềm vui bởi lứa cầu thủ trẻ mới đang dần định hình được chỗ đứng. Sự vươn lên, khẳng định mình của một thế hệ cầu thủ giàu triển vọng có lẽ là niềm vui lớn nhất của bóng đá Việt Nam trong năm 2015. Tuy nhiên, vẫn còn đâu đó những nỗi buồn...

Buồn nhiều hơn vui

Sau nhiều năm bóng đá chỉ là những cuộc chơi, nơi đánh bóng và kiếm tiền của các ông bầu, đã xuất hiện nhiều lò đào tạo và nhiều CLB chú tâm hơn đến việc đào tạo trẻ. Đây là tín hiệu hết sức đáng mừng khi bóng đá tự thân nó sẽ đào thải bớt dạng ông bầu sốc nổi, thích làm bóng đá vì thương hiệu. Niềm vui còn ở chỗ ý thức của các đội bóng Việt Nam ở sân chơi châu lục đã được nâng lên. Đội tuyển U23 có vé vào VCK và đội tuyển quốc gia thi đấu quyết tâm tại vòng loại World Cup, hay đội tuyển U19 có vé dự VCK châu lục.

Lãnh đạo VFF chưa tạo nên dấu ấn khởi sắc như kỳ vọng.

Nhưng bóng đá Việt cũng không kém những nỗi buồn. Ngày V-League 2015 khởi tranh là ngày mà người hâm mộ sống trong hy vọng về một cuộc thoát xác của bóng đá nước nhà sau khi đã chìm tới đáy. Từ lời hứa cải tổ vì bóng đá “sạch”, giảm bớt bạo lực của người đứng đầu VFF cho đến sự xuất hiện của “cơn sốt” HAGL đã tạo ra hiệu ứng rất tốt cho V-League 2015. Những vòng đấu đầu tiên thật sự diễn ra hấp dẫn, sôi nổi và nhất là việc khán giả đến sân tăng lên chóng mặt. Sân nhà của SLNA, Thanh Hóa, Bình Dương, Hải Phòng, Đồng Tháp... luôn đầy ắp người xem, đặc biệt các trận đấu của HAGL luôn rơi vào tình trạng cháy vé.

Trong suốt lượt đi, khi các cuộc đua chưa căng thẳng các trận đấu đều diễn ra hấp dẫn, vô tư. Đặc biệt lối chơi bạo lực được giảm xuống rõ rệt. Nhưng rồi khi lượt về khởi tranh mọi thứ bắt đầu trở lại bản chất của nó. Đội bóng thể hiện rõ nhất 2 bộ mặt khác nhau ở V-League 2015 là HAGL. Nếu như hồi đầu mùa người ta xem Công Phượng và các đồng đội thi đấu 1 cách đầy hy vọng về thứ bóng đá đẹp, cống hiến và vô tư thì điều đó không còn xuất hiện ở lượt về nữa. Lối chơi đẹp mắt khiến đội bóng phố Núi thất bại liểng xiểng ở lượt đi bị thay bằng cách đá thực dụng ở lượt về. Thế nhưng “chìa khóa” giúp đội bóng của bầu Đức thoát hiểm ngoạn mục chính là chuỗi trận đấu “xuất thần” ở những vòng đấu cuối. Kể từ khi HLV Quốc Tuấn lên thay Graechen, HAGL bất ngờ toàn thắng 3 trận để thoát khỏi vị trí cuối bảng. 2 chiến thắng “kỳ lạ” trước SLNA và Hà Nội T&T bị lên án kịch liệt nhưng rồi chẳng có cuộc điều tra nào được mở ra. Và tới vòng 25 thì đội bóng phố Núi hoàn tất chiến dịch trụ hạng bằng trận hòa với ĐTLA trong trận cầu mà mọi hình ảnh không bị lộ ra ngoài.

Chẳng riêng gì HAGL mà Cần Thơ cũng bị chỉ trích nặng nề vì nhiều trận đấu mà người ta nghi ngờ về câu chuyện “xin cho” lại tái diễn.

Những “vua áo đen”

V-League 2015 cũng giống như bao mùa giải trước, công tác trọng tài vẫn hết sức bất cập. Gần như không có vòng đấu nào là các đội không khiếu nại về các “vua áo đen”. Ban trọng tài thì cũng đầy đủ hình phạt như đình chỉ công tác, phạt hành chính, cảnh cáo với các trọng tài nhưng sai lầm thì vẫn lặp đi, lặp lại qua từng vòng đấu.

Các cầu thủ trẻ HAGL đã trưởng thành hơn nhiều sau lần đầu lên chơi V-league.

Một vấn đề khác bị đánh giá là rất kém ở V-League 2015 là công tác điều hành của BTC. Mùa giải năm nay đã phải ngắt quãng quá nhiều lần để các ĐTQG tập trung thi đấu. Lỗi chắc chắn nằm ở phía VPF bởi ngay từ khi lên lịch thi đấu thì phải tính toán được thời điểm hợp lý để tránh trùng với các giải quốc tế. Nhiều chuyên gia cho rằng, V-League 2015 còn tồi tệ hơn các năm trước ở tất cả các mặt. Khâu tổ chức kém, trọng tài mắc quá nhiều sai sót, bạo lực không suy giảm, thậm chí vấn đề “xin cho” điểm giữa các đội bóng còn có dấu hiệu tăng lên. Thế nhưng đáng buồn nhất là sau rất nhiều “cú phốt” đáng hổ thẹn thì VPF, VFF không tự thừa nhận yếu kém để chỉnh sửa.

Điều đáng buồn hơn nằm ở chỗ cơ quan quản lý nền bóng đá vẫn thiếu định hướng và thiếu tầm nhìn xa ở khâu điều hành. Cả năm trời, những người theo dõi bóng đá chỉ thấy những người ngồi ở các vị trí điều hành thường ra những phán quyết chẳng giống ai và luôn chạy theo phản ứng của dư luận mà hành động.

Bóng đá Việt sẽ mãi ngơ ngác đến bao giờ?