Các thị trường tài chính toàn cầu đã lập tức chao đảo khi kết quả trưng cầu ý dân về Brexit được công bố.
Kết quả cuộc trưng cầu ý dân về tư cách thành viên của Anh trong Liên minh châu Âu (EU) công bố sáng 24/6 với phần thắng nghiêng về phe những người ủng hộ Anh ra khỏi EU đang gây ra những cú sốc liên hoàn trên các thị trường dầu mỏ và tài chính toàn cầu.
Tại thị trường châu Á, tính đến 11 giờ Hà Nội, giá dầu đã giảm hơn 6%. Dầu Brent Biển Bắc giao tháng 8/2016 đã giảm 3,14 USD (6,17%) xuống còn 47,77 USD/thùng. Dầu thô ngọt nhẹ WTI giao cùng thời điểm giảm 3,11 USD (6,21%) xuống còn 47,00 USD/thùng.
Tâm trạng hoảng sợ gây nên biến động lớn trên các thị trường chứng khoán châu Á. Chỉ số Nikkei của Nhật Bản giảm 7,6%, Hang Seng của Hồng Kông hạ 4,7%.
“Có vẻ như mọi chuyện đang tồi tệ hơn so với tính toán ban đầu, đến hiện tại, có vẻ như khả năng Brexit đã trở thành sự thật”, ngân hàng Mizuho Bank viết trong nhận định của mình. Các doanh nghiệp Nhật đang hoạt động tại Anh đặc biệt lo lắng về những hậu quả của Brexit.
Giới đầu tư “đua nhau” chạy về những tài sản trú ẩn an toàn như yen Nhật, đồng tiền tăng giá mạnh so với đồng USD. Giá vàng tăng khoảng 6%.
Đồng yen tăng giá lên mức cao nhất trong vòng hơn 2 năm qua, với tỉ giá ghi nhận được tại thời điểm mới nhất là 101,77 yen/1 USD.
Trong khi đó, thị trường chứng khoán Mỹ và châu Âu đồng loạt tăng giá. Chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 230,24 điểm (1,3%) lên 18.011,07 điểm; chỉ số Standard and Poor's 500 tăng 27,87 điểm (1,3%) lên 2.113,32 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 76,72 điểm (1,6%) lên 4.910,04 điểm. Tại châu Âu, chỉ số CAC của Pháp tăng 2%, chỉ số DAX của Đức tăng 1,8% trong khi chỉ số FTE 100 của Anh tăng 1,2%.
Trong nước, đồng bảng Anh đã sụt giá xuống mức thấp nhất kể từ năm 1985. Một bảng Anh hiện chỉ đổi được 1,3466 USD, mức thấp nhất trong 3 thập kỷ qua.
Các ngân hàng trung ương vội vã ứng phó
Ngân hàng trung ương tại nhiều quốc gia trên thế giới đã lên tiếng cam kết sẽ thực hiện nhiều biện pháp nhằm bảo đảm sự ổn định của các thị trường tài chính, khi kết quả bỏ phiếu tại Anh cho thấy, Anh sẽ rời khỏi EU.
Ít phút sau khi kết quả kiểm phiếu hoàn tất, Ngân hàng trung ương Anh đã đưa ra thông báo sẽ bảo đảm sự bình ổn của thị trường, kết hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan cùng với ngân hàng trung ương các quốc gia khác trên toàn cầu trong tình huống bất ngờ này.
“Ngân hàng trung ương Anh đang theo dõi chặt chẽ mọi diễn biến. Chúng tôi đã thực hiện các kế hoạch ứng phó toàn diện và đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, cùng các cơ quan trong nước cũng như các ngân hàng trung ương nước ngoài. Ngân hàng trung ương Anh sẽ thực hiện mọi bước đi cần thiết để thực thi trách nhiệm đối với sự ổn định tiền tệ và tài chính”.
Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhật Bản Haruhiko Kuroda và Bộ trường Tài chính Nhật Taro Aso, cho biết, ngân hàng trung ương tại 6 quốc gia phát triển đã sẵn sàng để bảo đảm tính thanh khoản của thị trường bằng hệ thống giao dịch ngoại tệ.
Hệ thống này đã được thiết lập trong suốt thời kỳ khủng hoảng kinh tế toàn cầu xảy ra và chính thức hoạt động ổn định vào năm 2013. 6 quốc gia kể trên bao gồm Nhật, Mỹ, khu vực đồng euro, Anh, Thụy Sỹ và Canada.
Hàn Quốc và Ấn Độ là các quốc gia mới nhất thông báo đã phải can thiệp vào thị trường tiền tệ nhằm ổn định đồng nội tệ. Các chuyên gia tài chính cho rằng Đan Mạch, Singapore cũng sẽ phải thực hiện hành động tương tự.
Ngân hàng trung ương Kenya cho biết họ sẵn sàng kiềm chế bớt những bất ổn trên thị trường tài chính, trong khi Ngân hàng trung ương Thái Lan nhận định, họ kiểm soát được tình hình hiện tại ở Thái Lan.
Hiện tại, các thành viên thị trường đang chờ đợi các hành động mới từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Theo Lam An (tổng hợp)/Chinhphu.vn