Toàn cảnh hội nghị
Theo kết quả phiếu khảo sát của Bộ LĐ-TB&XH về xây dựng và ban hành quy chế dân chủ cơ sở tại nơi làm việc tại 139 doanh nghiệp thuộc 10 tỉnh, thành phố, có 61% doanh nghiệp xây dựng và ban hành quy chế dân chủ cơ sở tại nơi làm việc. Trong số đó, có 42% doanh nghiệp xây dựng đủ cả 3 loại quy chế và 19% doanh nghiệp xây dựng 1 đến 2 quy chế.
Theo báo cáo của sở LĐ-TB&XH tỉnh Đồng Nai, toàn tỉnh có 1.270 doanh nghiệp có công đoàn cơ sở thì có 42% doanh nghiệp xây dựng và ban hành quy chế dân chủ cơ sở tại nơi làm việc; tỉnh Bắc Giang có 68% doanh nghiệp có tổ chức công đoàn xây dựng và ban hành quy chế dân chủ tại nơi làm việc; tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu có 40% doanh nghiệp có tổ chức công đoàn xây dựng và ban hành quy chế dân chủ cơ sở tại nơi làm việc. Về tình hình thực hiện đối thoại tại nơi làm việc, qua khảo sát 139 doanh nghiệp cho thấy hầu hết các doanh nghiệp đều triển khai thực hiện đối thoại tại nơi làm việc, trong đó có 30% doanh nghiệp tổ chức đối thoại định kỳ 1 tháng/lần, 52% doanh nghiệp tổ chức đối thoại định kỳ 3 tháng/lần, 4% doanh nghiệp tổ chức 6 tháng/1 lần và 14% doanh nghiệp tổ chức 1 năm/1 lần.
Đánh giá sau 3 năm thực hiện qui chế dân chủ tại nơi làm việc, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho biết, từ tháng 5/2013 đến nay, việc thực hiện dân chủ cơ sở được áp dụng chung đối với tất cả các loại hình doanh nghiệp theo quy định của pháp luật lao động và được cụ thể hóa tại Nghị định số 60/2013/NĐ-CP ngày 19/6/2013 của Chính phủ. Đây là nội dung hết sức quan trọng, nhằm tạo điều kiện cho người lao động được biết, được bàn, được giám sát các hoạt động liên quan đến việc thực thi pháp luật, hoạt động sản xuất kinh doanh và bảo đảm các quyền và lợi ích chính đáng của người lao động tại doanh nghiệp, thông qua các hình thức như đối thoại, cung cấp thông tin hai chiều, qua đó tạo động lực để khuyến khích người lao động, phát huy sáng kiến trong lao động sản xuất, mang lại hiệu quả cao hơn. Triển khai thực hiện Nghị định số 60/2013/NĐ-CP của Chính phủ về thực hiện quy chế dân chủ cơ sở trong doanh nghiệp, các cấp uỷ đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể các cấp đã chủ động quán triệt, tổ chức triển khai thực hiện quy chế dân chủ đến người sử dụng lao động và các cấp công đoàn. Nhiều doanh nghiệp, người lao động đã nhận thức sâu sắc về sự cần thiết, ý nghĩa và tầm quan trọng của việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở tại nơi làm việc, phối hợp chặt chẽ với công đoàn cơ sở xây dựng, ban hành quy chế dân chủ cơ sở của doanh nghiệp mình để triển khai thực hiện. Qua 3 năm thực hiện quy chế dân chủ cơ sở tại nơi làm việc trong các loại hình doanh nghiệp, bước đầu đã có tác động tích cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, xây dựng quan hệ lao động ổn định, hài hòa, bảo đảm lợi ích của các bên...
Tuy nhiên, đánh giá của các đại biểu tại hội nghị cho thấy, các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhận thức về thực hiện dân chủ cơ sở tại nơi làm việc còn hạn chế. Nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm đến việc xây dựng quy chế dân chủ cơ sở theo quy định tại Nghị định số 60/2013/NĐ-CP của Chính phủ; một số doanh nghiệp có triển khai thực hiện nhưng còn mang tính chất đối phó, hình thức, chưa thấy được lợi ích thiết thực do thực hiện quy chế dân chủ cơ sở tại nơi làm việc mang lại. Vai trò của tổ chức đại diện tập thể người lao động chưa thực sự phát huy, dẫn đến tình trạng doanh nghiệp làm cũng được, không làm cũng được. Một số quy định của pháp luật lao động về đối thoại tại nơi làm việc và quy chế dân chủ cơ sở chưa thật sự phù hợp với tình hình thực tế ở doanh nghiệp.
Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp (ngoài cùng bên trái) tham dự hội nghị
Theo ông Lương Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Lao động tiền lương, để tiếp thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở trong các doanh nghiệp theo quy định tại Nghị định số 60/2013/NĐ-CP, trong thời gian tới, cần tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung một số quy định của Bộ luật Lao động 2012 và Nghị định số 60/2013/NĐ-CP theo hướng điều chỉnh lại phạm vi doanh nghiệp phải xây dựng quy chế dân chủ cơ sở tại nơi làm việc (quy định áp dụng đối với doanh nghiệp có từ 20 lao động trở lên). Xem xét điều chỉnh lại nội dung về dân chủ cơ sở tại nơi làm việc, nhất là nội dung người lao động được biết, nội dung doanh nghiệp cần phải công khai cho phù hợp với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong cơ chế thị trường. Xem xét giảm bớt số lần đối thoại định kỳ, không quy định cứng mà quy định linh hoạt hơn với số lần ít hơn và do doanh nghiệp quyết định. Đơn giản thủ tục, quy trình thực hiện đối thoại tại nơi làm việc, bỏ quy định bầu đại diện bằng hình thức cử đại diện tham gia đối thoại, các hình thức đối thoại cũng bảo đảm linh hoạt hơn, như đối thoại với đại diện, đối thoại với từng bộ phận, phân xưởng, giảm bớt nội dung không cần thiết trong biên bản kết thúc đối thoại... Phát huy hơn nữa vai trò của Ban chấp hành công đoàn cơ sở trong việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở tại nơi làm việc, đối thoại tại nơi làm việc và tổ chức hội nghị người lao động. Trong đó Ban chấp hành công đoàn cơ sở cần chủ động hơn trong việc đề xuất, kế hoạch và nội dung để thực hiện đối thoại định kỳ và tổ chức hội nghị của người lao động.