Cuối năm vừa rồi, tôi quyết định nghỉ việc ở Ngân hàng sau gần 5 năm làm việc và chuyển sang một con đường mới là trở thành huấn luyện viên yoga. Đó được xem như là một bước ngoặt lớn đối với tôi vì khi bước đến gần mốc tuổi 30, bạn bè xung quanh nếu không có gia đình thì cũng đã có công việc ổn định với mức lương khá tốt, còn tôi lại chọn quay ngược lại tất cả, bắt đầu mọi thứ từ đầu, từ con số 0 tròn trĩnh.
Lúc nghỉ việc, tôi chỉ mang theo một thứ duy nhất chính là niềm tin rằng tôi muốn bắt đầu sống một cuộc sống mới, là chính mình, sống từng phút và cảm nhận cuộc sống.
Tôi được làm công việc mình yêu thích; được tận hưởng cảm giác cho đi mà tôi từng hằng ao ước. Tôi cảm nhận được cảm giác mỗi việc mình làm đều có thể mang lại lợi ích cho bản thân và cho cả người khác nữa. Nhưng không phải lúc nào cũng chỉ có niềm vui mà đôi khi cũng có cả sự sợ hãi. Những nỗi sợ đó cứ luôn nói với tôi rằng:
"Học đại học xong rồi bỏ không làm để đi làm công việc tay chân thế này, người ta cười cho đấy. Quay lại làm ngân hàng đi, cho sang trọng thoải mái."
"Làm thế này nhỡ không có lớp dạy thì làm sao mà có tiền để sống đây."
"Bao nhiêu tuổi rồi mà còn lông bông, chẳng chịu ổn định để lập gia đình. Làm thế này rồi thì làm gì có ai muốn lấy mình nữa."
Những suy nghĩ này cứ liên tục liên tục đảo tới đảo lui, nói đi nói lại với tôi từng ngày. Nếu những ngày bận rộn với việc học hành, tập luyện thì không sao, nhưng nếu chỉ cần tôi nghỉ học hoặc không có lịch tập thì tôi sẽ lại bắt đầu nghĩ đến. Kinh khủng nhất là vào đêm, khi tôi chuẩn bị đi ngủ.
Có nhiều lần, tôi đã khóc một mình vì tưởng tượng ra cảnh mình không có tiền để sống, cảnh mình bị người khác cười nhạo vì làm công việc tay chân, cảnh không có ai dám yêu mình vì mình là một đứa còn "lông bông" không đi làm, không có tổ chức. Những ngày đầu, tôi cảm thấy như những nỗi sợ ấy cứ lớn dần lên, nó lớn đến mức gần như có thể nuốt chửng mình và cứ thôi thúc mình rằng quay lại đi, xin việc và đi làm lại đi, đi làm lại đi. Có hôm tôi sợ đến nỗi bật khóc rưng rức.
Lúc đó, điều duy nhất tôi nghĩ đến là chị Muniba Mazari, "Iron woman" của Pakistan, đã nói rằng "Bạn có thể sợ hãi, bạn có thể khóc, nhưng từ bỏ không bao giờ nên là một sự lựa chọn", và tôi làm theo. Tôi sợ sao? Vậy tôi sẽ để cho bản thân cảm nhận nỗi sợ đó. Đôi khi nó khiến toàn thân tôi run lên; nước mắt cứ thế chảy tràn ra và nức nở. Nhưng cùng lúc đó tôi sẽ lấy thảm ra tập. Vừa tập và vừa khóc. Vừa tập xong mấy chục vòng chào mặt trời, mồ hôi nhễ nhãi ướt áo cũng cuốn luôn nỗi sợ của mình đi.
Sau đó, khi thật sự bình tâm lại, tôi nhận ra rằng nỗi sợ chỉ xuất hiện khi mình tưởng tượng về những viễn cảnh trong tương lai mà mình nghĩ rằng nó sẽ xảy ra. Còn hiện tại thì sao? Hiện tại tôi vẫn còn tiền sống; tôi vẫn còn đi dạy được và cũng đâu ai cười nhạo mình đâu. Tại sao tôi phải tự tưởng tượng ra những điều đó và tự đe dọa bản thân về nó?
Nhưng có phải những điều đó sẽ chắc chắn sẽ không xảy ra không? Không. Tâm trí tôi cũng có lý do khi cảm thấy sợ hãi những điều đó. Vậy nếu nó xảy ra thì tôi sẽ làm gì được đây?
- Sợ hết tiền vậy tôi sẽ học cách sử dụng tiền đúng cách hơn. Tiền chỉ dùng cho những việc thật sự cần thiết. Những thứ không cần thiết thì sẽ tối giản hết và cố gắng để kiếm thêm lớp dạy nữa.
- Sợ người ta cười chê thì tôi sẽ ngừng quan tâm đến người khác nghĩ gì. Vốn dĩ suy nghĩ ở trong đầu họ, mình không thể thay đổi được. Mình không có khả năng và cũng không thể làm cho tất cả mọi người hiểu mình nên mình chỉ cần làm tốt việc của mình là được.
- Sợ công việc như mình sẽ không thể tìm được người yêu. Tôi nghĩ lại vốn dĩ trước đây khi mình có công việc ổn định thì mình cũng không có tình yêu như mình hằng mong muốn, thế thì công việc ổn đâu có phải là điều kiện để mình có tình yêu đẹp. Nguyên nhân từ chính bản thân mình, mình tin là khi mình yêu và thể hiện con người thật của mình, thì người yêu mình thực sự cũng sẽ xuất hiện. Nếu so với việc phải dành thêm thời gian để chờ người phù hợp, thì tôi cảm thấy sợ việc phải cố gắng thể hiện mình là một người khác để được yêu hơn.
Cứ thế, tôi nhận ra rằng những nỗi sợ không phải là thứ tồn tại để ngăn cản mình mà nó thể hiện những hạn chế mà mình đang có. Chúng có thể là giới hạn trong khả năng hoặc giới hạn trong suy nghĩ. Nhận ra điều đó, thay vì nghĩ đến chuyện bỏ cuộc, tôi nghĩ đến việc làm sao để phá bỏ những giới hạn của chính mình.
Đến bây giờ, tôi vẫn biết rằng mình chưa hoàn toàn hết sợ. Nhưng mỗi khi thấy sợ, tôi sẽ nhận ra được thêm một điều gì đó về chính bản thân mình, thay đổi nó và tiếp tục bước tiếp. Tôi có thể sợ, có thể khóc, nhưng từ bỏ sẽ không bao giờ là một sự lựa chọn.