Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Buôn Bir đổi mới

Đến xã Ea Hiao (huyện Ea H’Leo, Đắk Lắk) những ngày tháng 4 này, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước sự thay đổi của mảnh đất anh hùng. Không khí thi đua sản xuất, làm giàu và đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa mới tràn ngập khắp các buôn làng. Một trong những buôn có sức vươn mạnh mẽ từ đói nghèo và bộn bề khó khăn, đó là buôn Bir.

*Quá khứ hào hùng

Đã bước qua 78 mùa rẫy, nước da sạm đen vì nắng gió và những thăng trầm của cuộc sống thời bình lẫn cam go của thời chiến, già làng Y Bhoc nhớ lại: “Ngày ấy, theo tiếng gọi của Đảng, của Bác Hồ cả buôn chúng tôi đều hăm hở theo cách mạng để đánh đuổi quân địch.  Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, người dân buôn Bir một lòng theo Đảng, nuôi giấu cán bộ lập rất nhiều chiến công hào hùng”.

Người dân hăng hái vỡ đất hoang. 

Gần nửa thế kỷ đã qua, nhớ lại trận đánh khốc liệt của quân Mỹ ngụy lên Tây Nguyên năm 1973, khi đó già làng Y Bhoc đã cùng hàng chục du kích và bộ đội địa phương ngày đêm len lỏi đánh tỉa quân địch, sáng tạo ra cách ngụy trang để bộ đội giống y hệt người dân trong buôn vậy. Với địa thế rừng núi hiểm trở, cộng thêm lòng quả cảm của những người dân trong buôn, suốt trong những năm tháng kháng chiến, Ban cán sự tỉnh Đắk Lắk đã xây dựng chiến khu Dliê Ya – một dãy núi lớn thuộc địa phận xã Ea Hiao, thành một căn cứ trọng điểm của quân giải phóng. Khu vực này có nhiều đỉnh núi cao, trong đó ngọn Chư Kung, Chư Jú thuộc địa bàn buôn Bir có địa hình hiểm trở, được chọn làm căn cứ cách mạng, nuôi giấu cán bộ và bảo vệ dân làng trong những năm kháng chiến.

Người dân trên địa bàn xã Ea Hiao luôn nêu cao tinh thần bất khuất, vượt qua muôn vàn gian khó, đoàn kết, gắn bó bên nhau, một lòng một dạ thủy chung son sắt với Đảng, với cách mạng. Buôn Bir khi ấy như một bức tường thành vững chắc kẻ địch không thể xâm chiếm. Ngày dân đi lên rẫy, tối về lại đánh tỉa địch và chở che, nuôi giấu cán bộ cách mạng.

Vẫn miệt mài giữ nét văn hóa truyền thống.

Phó Bí thư Đảng ủy xã Ea Hiao, ông Ksor Duyên tâm sự:  “Những ngày khói lửa ấy, mỗi người dân buôn Bir đều rất dũng cảm. Họ chiến đấu vì những thôi thúc từ chính trong lòng mình vậy”. Trực tiếp nếm mật nằm gai những ngày ác liệt ấy, già Y Phin cũng thổ lộ: “Khổ đến mấy, hiểm nguy đến mấy  cũng không ngăn cản và làm nhụt ý chí của chúng tôi. Quân địch nhiều lần lựa chọn buôn Bir làm bàn đạp để tấn công Buôn Ma Thuột, nhưng chúng đã thất bại vì sự can trường của người dân nơi đây...”.

 Sau ngày giải phóng, già Y Phin đảm nhận chức Bí thư Đảng ủy xã, gắn bó với các buôn làng trong việc đảm bảo an ninh trật tự, phát triển kinh tế, cùng người dân vươn lên từng bước thoát nghèo nàn, lạc hậu.

Khắp ngõ hẻm đều treo cờ mừng ngày thống nhất đất nước.

Xông xáo tìm cách làm ăn mới

Những ngày tháng 4 này, buôn Bir đã khác xưa rất nhiều. Ngày ấy, khi đất nước vừa giải phóng, còn bộn bề khó khăn, người dân trong buôn phải ăn củ mỳ, lá rừng để sống qua ngày. Nhưng giờ thì khác lắm rồi, nhà nhà đều tập trung đoàn kết làm ăn, không còn cảnh những tốp trẻ nheo nhóc rách rưới chạy dọc các ruộng rẫy trơ trọi nắng cháy nữa, các em đều được đến trường học. Những “vùng đất chết” trong chiến tranh bởi bom đạn ngày nào, giờ đã thành những rẫy cà phê xanh ngút ngàn, cả buôn có hàng trăm con trâu, mấy chục con bò. Nhiều gia đình đã vươn lên khá giả, kinh tế phát triển đồng bộ với việc bảo tồn văn hóa truyền thống.  “Trước đây, người dân của buôn còn đói kém, nay lúa gạo chứa đầy nhà. Nhiều con em được đi học, thậm chí có người học cao. Sau này chúng mang tri thức về áp dụng để phát triển kinh tế, văn hóa thì buôn Bir còn sung túc hơn nữa”.- Già làng Y Phin phấn khởi.

Đứng giữa rẫy cà phê xanh bạt ngàn của gia đình mình, Nay Plak vui mừng cho biết: “Hồi chưa triển khai cách làm mới, cứ thích là trồng, thường mất mùa liên tục, có khi mất trắng. Giờ biết chăm sóc có kỹ thuật nên trúng đậm. Vài héc ta cà phê kết hợp với chăn nuôi nữa có nhà hai tầng ở rồi. Có cả xe máy và các phương tiện nghe nhìn khác nữa. Nhiều nhà khác trong buôn mình cũng đua nhau làm ăn lắm chứ không hề chịu cảnh nghèo đói nữa đâu”.

Điện lưới và đường nhựa đã phủ khắp buôn Bir.

Với Nay Phinh, từ nghèo đói nay được biết đến như một “đại gia” của buôn. Ông bộc bạch: “ Được cán bộ vận động làm ăn nhiều mô hình mới ban đầu bỡ ngỡ lắm, không muốn theo đâu nhưng dần dần rồi quen. Thấy hiệu quả hơn hẳn việc làm rẫy theo kiểu sở thích ngày xưa. Biết làm ăn nên cái nghèo nó cũng sợ mình rồi”.

Trưởng buôn Bir, ông Ksor Blok cho biết: “Những năm qua, số hộ nghèo trong buôn liên tục giảm. Đầu năm 2014, toàn buôn có 43 hộ nghèo, nay đa giảm một nửa.Toàn bộ đường trong buôn đã nhựa hóa 100%. Ngày trước, con em muốn đến lớp phải vượt hàng chục cây số, nay trên địa bàn buôn có hẳn 1 trường tiểu học, 1 trường mầm non với hơn 150 em học sinh theo học. Phòng trào học tập của trẻ nhỏ được các già làng xem là việc quan trọng, luôn động viên con cháu cố gắng học hành chăm chỉ. Nhìn vào những thành quả này, già làng Y Phin bảo, cũng đã có lúc buôn Bir chìm trong u buồn, nghèo khó bởi đồng bào các dân tộc thiểu số chưa tiếp thu những cách làm mới, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nuôi trồng. “Cách mạng gian khổ còn làm được, giờ làm ăn không thành thì có tội với Đảng với Bác Hồ lắm chứ...” - già Y Phin quả quyết.

Trong kháng chiến, nơi đây là vùng căn cứ cách mạng thì giờ đây, vùng đất này tiêu biểu cho những lễ hội văn hóa, tình đoàn kết buôn làng. Ông K’Đức, người từng tham gia chiến dịch giải phóng Buôn Ma Thuột tâm sự : “Sau giải phóng tôi quay về buôn và tự hào về sự đổi mới của quê hương. Hiện nay, những buổi sinh hoạt cộng đồng gắn liền với những bếp lửa bập bùng và chính bếp lửa đó sẽ làm cho tiếng chiêng ngân xa hơn, lời tư vấn của các cán bộ cho người dân cũng thấm sâu hơn” .

Nhiều thanh niên trong buôn Bir cũng bày tỏ: “Thế hệ chúng tôi tự hào được sinh ra trên quê hương anh hùng, luôn ý thức việc học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là một điều cần thiết trong cuộc sống mỗi ngày. Mỗi tối cuối tuần, đoàn thanh niên của xã đều tổ chức sinh hoạt phong trào bảo vệ an ninh thôn, buôn, thu hút rất đông người trẻ tham gia đoàn kết xây dựng quê hương, buôn làng giàu đẹp...”