Ông Lý Xuân Hồng, người từng là “sát thủ” của loài khỉ ở Vườn Quốc gia Xuân Sơn (Phú Thọ) kể: “Đó là kỷ niệm buồn nên không muốn nhắc đến. Tuy nhiên, nếu câu chuyện của tôi có thể hạn chế được nạn săn bắn thú rừng thì tôi sẵn sàng chia sẻ”.
Khu Bến Thân là lõi của Vườn Quốc gia Xuân Sơn. Những năm 90 của thế kỷ trước, nơi đây vẫn là vùng rừng núi hoang vu, có rất nhiều loài thú hoang sinh sống. Gia đình ông đã lập nghiệp ở đây nhiều năm, ngoài làm nương thì săn bắn là nguồn thu nhập chính. Năm 1983, sau khi rời quân ngũ, ông lập gia đình riêng. Ông chăm chỉ phát rẫy, làm nương trồng cây lương thực. Thế nhưng, mỗi khi cây trồng sắp được thu hoạch thì từng đàn khỉ lại kéo đến phá phách, bẻ trộm ngô, bí, dưa.
Ông Hồng vui với cuộc sống bình dị hiện tại. Ảnh ông Hồng với cháu. |
Để bảo vệ hoa màu, ông trú luôn trên nương với khẩu súng săn để đuổi khỉ. Ngoài ra, cứ vài ngày, ông lại bắn hạ một con để cải thiện bữa ăn gia đình. Ông Hồng thông thuộc từng địa bàn, thói quen sinh hoạt của khỉ. Nhìn buồng chuối dại, vạt ngô khỉ ăn dở ông biết giờ nào chúng sẽ quay lại và đàn khỉ có bao nhiêu con, con đầu đàn sẽ đứng canh gác ở vị trí nào để chọn nơi nằm phục đắc địa. Chỉ trong vài năm, ông đã hạ sát hàng trăm con khỉ.
Vào một ngày cuối thu cách đây không lâu, ông Hồng vác súng đi săn. Đã quá trưa nhưng ông vẫn chưa săn được con thú nào. Bỗng nhiên có tiếng kêu “chít choét, chít choét” của hai con khỉ đuổi nhau, rồi lần lượt cả đàn khỉ từ đâu lao tới. Ông quan sát, thấy một con khỉ lớn, chắc là con đầu đàn nên tìm vị trí ngắm bắn. Sau tiếng súng, con khỉ lớn trúng đạn. Trước khi rơi xuống, nó còn cẩn thận đặt con lên cành cây. Lúc này, ông mới biết đó là con khỉ mẹ đang ôm con.
Ông chạy lại nơi con khỉ mẹ rơi, con khỉ con như quên hết sợ hãi lao xuống bên cạnh khỉ mẹ và chạy vòng quanh, dường như nó khóc và “gọi” mẹ. Lúc này, khỉ mẹ chưa chết, nó cố đưa “tay” ra hiệu đuổi đứa con đi, vì sợ con gặp nguy hiểm. Sau đó, khỉ mẹ ngước mắt lên nhìn ông như oán hận, rồi lìa đời. Ông Hồng bần thần, choáng váng. Khỉ con chạy vào bụi rậm gần đó thấy mẹ nằm vật xuống, bèn chạy lại kêu la thảm thiết. “Thấy con khỉ to, tôi nghĩ nó là con đầu đàn nên mới bắn. Nếu biết là khỉ mẹ nuôi con thì tôi đã không ngắm bắn”, ông Hồng chia sẻ.
Trả nợ cho rừng
Hôm đó, người thợ săn đã lập mộ cho khỉ mẹ, rồi trở về nhà cùng con khỉ nhỏ xíu luôn miệng kêu gào. Vợ con có hỏi, ông cũng chỉ im lặng. Mấy ngày sau, ông chẳng đoái hoài đến việc săn bắn. Vợ ông ngạc nhiên, bởi trước nay ông vốn nói nhiều, lại là thợ săn nổi tiếng trong làng. Bấy giờ, ông mới đem câu chuyện khỉ mẹ kể lại cho gia đình nghe và quyết tâm nuôi chú khỉ con. Vợ ông cũng ủng hộ.
Gia đình ông xem chú khỉ con như một thành viên trong nhà. Những ngày mới về, khỉ con khát sữa mẹ, cứ kêu thất thanh. Khi ấy, vợ ông mới sinh con thứ ba. Biết khỉ con đói, vợ ông vắt sữa, cho vào bát nhỏ mang ra cho khỉ. Chú khỉ cầm bát uống sữa một cách ngon lành. Khỉ con được uống sữa của vợ ông hơn 3 tháng, mỗi ngày 2 lần. Ngoài ra, mỗi chuyến đi rừng, ông đều lấy chuối cho khỉ con ăn. “Thấy nó lớn lên từng ngày, chúng tôi vui lắm, xem như đã chuộc một phần lỗi của mình”, ông Hồng tâm sự.
Giờ đây, cả làng của ông Hồng không còn ai săn bắn khỉ nữa |
Khi khỉ con lớn hơn, ông thả về rừng để khỉ sống cùng bầy đàn. Từ đó, ông không còn săn bắn nữa. Để lo cho gia đình, ông làm nương rẫy, trồng cây ăn trái; chăn nuôi gà, vịt, lợn, cuộc sống khó khăn cũng dần qua.
Những người bạn săn thấy ông bỏ nghề cũng ngạc nhiên lắm. Ông không ngần ngại chia sẻ câu chuyện của mình. Ngoài ra, trong các buổi họp thôn, ông cũng kể lại câu chuyện của mình và khuyên cánh thợ săn bỏ nghề. Một vài lần, người dân chưa thông, ông kiên trì vận động. Dần dần, từng người bỏ súng săn. Sau vài tháng, cả 89 hộ không ai còn súng săn trong nhà. Đến năm 1992, cả làng không ai còn súng săn và đi săn nữa.