Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Bứt phá hiệu quả, không điều chỉnh bất cứ chỉ tiêu nào!

Đây là khẳng định của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tại buổi đánh giá kết quả thực hiện chính sách trong lĩnh vực lao động - người có công và xã hội 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019. "Chúng ta không điều chỉnh bất cứ chỉ tiêu nào, mà phấn đấu vượt các chỉ tiêu đề ra. Bứt phá, bứt phá và hiệu quả. Dứt khoát như thế”, ông nhấn mạnh.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Chúng ta không điều chỉnh bất cứ chỉ tiêu nào, mà phấn đấu vượt các chỉ tiêu đề ra

 

6 tháng: tỷ lệ thất nghiệp còn 1,99%- thấp nhất từ trước đến nay

Tham dự Hội nghị có các Thứ trưởng: Lê Tấn Dũng, Lê Quân, cùng lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá cao nỗ lực của lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Bộ LĐ-TB&XH trong 6 tháng đầu năm 2019. Bộ trưởng ghi nhận, có nhiều mô hình tốt, có nhiều cách làm việc hiệu quả, cần tiếp tục được nhân rộng.

Đối với những kết quả đạt được của ngành trong 6 tháng đầu năm, Bộ trưởng nhấn mạnh, nhiều lĩnh vực có chuyển động tương đối tốt.

Cụ thể, kết quả tạo việc làm 6 tháng qua rất khả quan, đã tạo việc làm trong nước tới 777 nghìn người, và đưa gần 67 nghìn người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Chất lượng đi lao động đi làm việc ở nước ngoài có chuyển biến rõ rệt. Công tác định hướng được quan tâm và chú trọng hơn trong việc lựa chọn thị trường lao động uy tín.

6 tháng qua, tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục rút xuống còn 1,99%. “Đây là tỷ lệ thấp nhất từ trước đến nay. Năm 2018, tỷ lệ này là 2,2 %, Việt Nam đứng thứ 8 trong 160 quốc gia có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Đáng chú ý, về phát triển BHXH tự nguyện, Bộ trưởng nhắc lại quyết tâm được ông đưa ra từ cuối năm ngoái, phấn đấu hết năm 2019 đạt 200 nghìn người mới tham gia- nếu đạt được, đây sẽ là con số bằng 14 năm qua. Đến nay, mới 6 tháng đầu năm đã có 125 nghìn người tham gia, nâng tổng số người tham gia BHXH tự nguyện lên trên 400.000 người.

Với con số này, theo ông quyết tâm đó hoàn toàn có thể đạt được. Đến hết năm 2019 ước tính sẽ có khoảng 450 nghìn người tham gia. 

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, kết quả trên có được nhờ sự kết hợp tổng hợp nhiều nỗ lực, như: “Công tác xây dựng chính sách, đổi mới tư duy trong cách triển khai BHXH tự nguyện, công tác truyền thông được chú trọng”.

Cùng với đó, đời sống nhân dân cải thiện. Số hộ thiếu đói giảm 30,9%. Đây là con số đáng mừng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh. Dự kiến lúc đầu còn khoảng 5,3%, hiện nay chính thức còn 5,23%, vượt kế hoạch đề ra. 

 

Thứ trưởng Lê Tấn Dũng cho rằng, toàn ngành phải rà roát lại, quyết liệt hơn nữa những chỉ tiêu của ngành, để đạt được kết quả cao nhất

 

Liên quan đến Giáo dục nghề nghiệp, Bộ trưởng đánh giá, đào tạo tuyển sinh tương đối tốt, chuyển biến rõ rệt.

“Lĩnh vực báo chí truyền thông của ngành, cụ thể là báo Lao động & Xã hội thời gian qua cũng có nhiều nỗ lực, có nhiều đổi mới”, Bộ trưởng ghi nhận.

Đặc biệt, lĩnh vực xây dựng thể chế là một trong những trọng tâm đột phá của Bộ trong năm nay, Bộ trưởng đánh giá 6 tháng đầu năm có những thành công tốt, cơ bản các nhiệm vụ của Chính phủ giao đều không có nợ đọng. 

Bộ trưởng đơn cử 1 ví dụ, (mà các phóng viên Quốc hội đã từng chứng kiến tại thảo luận tổ, khi đóng góp ý kiến về Luật Giáo dục (sửa đổi), người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH đã chỉ rõ những điểm mà đa số đại biểu Quốc hội cho là xác đáng, cần ghi rõ Bộ LĐ-TB&XH giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về lĩnh vực Giáo dục nghề nghiệp- P.V).

“Việc đưa hẳn 1 điều, quy định trong trường nghề được đào tạo văn hóa, đã giúp cho thực hiện liên thông tốt hơn. Theo đúng thông lệ quốc tế. Điều này, sẽ tạo bước chuyển biến căn bản có tính chất nền tảng trong Giáo dục nghề nghiệp”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

Người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH cũng không quên nhắc lại 2 sự kiện quan trọng, được quan tâm tại Quốc hội những ngày cuối tháng 5 và tháng 6 vừa qua. Đấy là Bộ cũng đề xuất và trình Chính phủ và Quốc hội về việc Việt Nam gia nhập Công ước số 98 của ILO; Dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi) lần đầu trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến. Đây là những sự kiện quan trọng, góp phần đưa EVFTA đi đến chặng cuối cùng.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Ngô Trường Thi, Chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo cho biết, phấn đấu đến năm 2020 cả nước không còn hộ nghèo có thành viên thuộc đối tượng chính sách người có công. Cả nước có 53 tỉnh, TP còn đối tượng này, và đa số các địa phương phấn đấu hết năm 2019 sẽ không còn đối tượng hộ nghèo này. Số hộ nghèo thuộc đối tượng chính sách người có công năm 2018 còn gần 16 nghìn hộ, so với năm 2017 đã giảm hơn 5 nghìn hộ.

 

Q.TBT Nguyễn Trung Chính nêu những thuận lợi, khó khăn trong phát triển báo ngành đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của độc giả

 

Năm 2020, không còn hộ nghèo thuộc đối tượng chính sách người có công

Đánh giá chung 6 tháng đầu năm so với các năm trước, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng cho rằng, các lĩnh vực của ngành đều đạt kết quả khá đồng đều. Nhấn mạnh tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, dứt khoát không điều chỉnh bất cứ chỉ tiêu nào, do đó theo Thứ trưởng, năm 2019 là năm tăng tốc, tập trung 3 chỉ tiêu Quốc hội giao. Để đạt được kết quả "tăng tốc", Thứ trưởng Dũng cho rằng, toàn ngành phải rà roát lại, quyết liệt hơn nữa những chỉ tiêu của ngành, để đạt được kết quả cao nhất.

Về điều này, người đứng đầu ngành Lao động – TB&XH cũng khẳng định, chúng ta không điều chỉnh bất cứ chỉ tiêu nào, mà phấn đấu vượt các chỉ tiêu đề ra. “Bứt phá, bứt phá và hiệu quả. Dứt khoát như thế”, ông nhấn mạnh. 

Theo đó, từ nay đến cuối năm, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung yêu cầu, ngay sau buổi làm việc này, các đơn vị rà soát lại công việc của mình. Trong đó đặc biệt quan tâm về thể chế.

Nêu rõ một cửa hành chính tập trung là rất quan trọng, vì thế bắt đầu từ tháng 7 này tập trung làm một cửa. Tập trung xử lý cải cách hành chính. Cùng với đó, tinh thần tới đây kiện toàn, tinh gọn bộ máy, hiệu lực, hiệu quả, chủ động tuyển dụng cán bộ mới, công khai, minh bạch.

Đơn cử, các trường theo hệ thống Tổng Cục GDNN kiên quyết không chạy theo số lượng, nhất là các trường Cao đẳng chỗ nào yếu thì bỏ, trường nào tự chủ hiệu quả thì giữ. 

 

Toàn cảnh buổi làm việc

Về lĩnh vực người có công và giảm nghèo, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị các cơ quan chuyên môn nỗ lực thực hiện lộ trình xoá tình trạng hộ nghèo có thành viên thuộc đối tượng chính sách.

Bộ trưởng yêu cầu ngay trong tuần này chuẩn bị công văn để Bộ gửi đến các tỉnh, thành còn tình trạng hộ nghèo có thành viên thuộc đối tượng chính sách người có công, và đề nghị có chương trình hành động cụ thể để xóa nghèo cho những hộ này. Phấn đấu để tháng 7 sang năm, không còn hộ nghèo là gia đình chính sách nữa.

Nhân ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7 sắp đến, Bộ trưởng yêu cầu Cục Người có công tổ chức thực hiện tốt các hoạt động kỷ niệm, trong đó có 2 sự kiện lớn: Lễ trao bằng Tổ quốc ghi công cho 468 gia đình liệt sĩ sẽ được tổ chức tại TP. Vĩnh Long vào ngày 22/7;

Gặp mặt tuyên dương 500 Thương binh nặng tiêu biểu toàn quốc (mất sức lao động 81% trở lên) vào ngày 25/7 tại Hà Nội, sẽ truyền hình trực tiếp. Theo Bộ trưởng, đây là cuộc gặp mặt lịch sử chưa bao giờ có. 500 thương binh nặng sẽ kèm theo thân nhân phục vụ, do đó phải chuẩn bị chu đáo, an toàn tuyệt đối.

Về lĩnh vực lao động việc làm, Bộ trưởng yêu cầu Cục Việc làm phải đẩy mạnh hơn nữa các tham mưu chính sách; kết nối chặt chẽ đào tạo nghề với việc làm. Tìm mọi giải pháp để nâng cao số lượng lao động qua đào tạo. Đặc biệt là lao động có chứng chỉ. 

Về lĩnh vực Bảo hiểm xã hội, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung lưu ý 2 việc: tập trung tuyên truyền về điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo lộ trình; Rà soát lại tất cả các điều liên quan trong Luật BHXH, để bổ sung vào Bộ luật Lao động (sửa đổi) cho phù hợp.

 

Đáng chú ý, quan tâm đến các đối tượng yếu thế, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tiếp tục “đặt hàng” cho Cục Bảo trợ xã hội. Đây là lần thứ 2 liên tiếp Cục này nhận được sự “đặt hàng” được đánh giá là “rất khó” từ Bộ trưởng.

Việt Nam có khoảng 3 triệu người khiếm thị, khiếm thính, và hiện đã có nhiều chính sách, “nhưng liệu có thể cung cấp cho người khiếm thị 1 đôi mắt công nghệ không, và người khiếm thính một đôi tai công nghệ không. Hoặc cần có một chính sách có thể trợ giúp cho người khiếm thính, khiếm thị có được những sự trợ giúp đó không? Tôi đặt hàng các đồng chí”, ông nói và đề ra mốc thời gian từ nay đến ngày 17/10- ngày vì người nghèo- Cục Bảo trợ có thể “thiết kế” thành công chủ trương được Bộ trưởng “đặt hàng” này.