Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

"Bứt phá" thúc đẩy nâng quyền kinh tế của phụ nữ dân tộc thiểu số

Mở rộng tiếp cận dịch vụ tài chính cho phụ nữ dân tộc thiểu số, nâng cao khả năng quản lý tài chính cho chi tiêu và sản xuất của gia đình… đó là những mục tiêu mà dự án “Bứt phá” hướng tới. Dự án do Tổ chức CARE Quốc tế tại Việt Nam và Công ty P&G (Procter & Gamble) phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Trung tâm phát triển cộng đồng tỉnh Điện Biên thực hiện.



Chị em sinh hoạt Nhóm Cổ phần Tài chính tự quản (VSLA)

Được khởi động ngày 12-6 tại Hà Nội, dự án “Bứt phá” sẽ được triển khai ở 4 tỉnh: Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên và Bắc Kạn trong thời gian 2 năm 2018-2019, với nguồn kinh phí là 200.000 USD (hơn 4 tỷ đồng). Dự án sẽ hỗ trợ các cộng đồng dân tộc thiểu số ở Việt Nam tiếp cận tốt hơn các dịch vụ tài chính vi mô, sử dụng công cụ kinh điển mà CARE phát triển từ thập niên 1990 là Nhóm cổ phần tài chính tự quản (VSLA-Village savings and loan association), hay còn gọi là Nhóm tiết kiệm thôn bản.

Theo một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB), chỉ có 21% người lớn ở Việt Nam được tiếp cận dịch vụ tài chính chính thức-mức thấp nhất trong khu vực Đông Á. Trong đó, hệ thống ngân hàng truyền thống phần lớn tập trung ở khu vực đô thị, khiến cho nhiều phụ nữ nghèo thuộc khu vực dân tộc thiểu số chưa thể tiếp cận các dịch vụ vay và tiết kiệm cần thiết cho đời sống hằng ngày, cũng như hoạt động sản xuất của họ.

Một khảo sát của CARE thực hiện tại tỉnh Điện Biên cuối năm 2017 cho biết thêm, phần lớn người chồng trong gia đình là người đưa ra quyết định cuối cùng. Ví dụ quyết định về đầu tư sản xuất, tỷ lệ phụ nữ tự quyết định chỉ chiếm 17,7%, trong khi tỷ lệ người chồng tự quyết định chiếm 49,4%. Đối với quyết định các khoản chi tiêu trong gia đình, tỷ lệ phụ nữ tự quyết định là 25,7% trong khi người chồng tự quyết định là 41,4%. “Các nghiên cứu trên của CARE cho thấy, vẫn còn cách biệt khá xa giữa phụ nữ dân tộc thiểu số và các nguồn lực, nhân tố giúp họ nâng cao quyền năng kinh tế. Do đó, dự án “Bứt phá” được triển khai nhằm hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số và gia đình cải thiện an sinh thông qua việc mở rộng tiếp cận dịch vụ tài chính. Cụ thể, phụ nữ và gia đình sẽ gia tăng tiết kiệm thông qua mô hình VSLA; tăng cường khả năng quản lý tài chính cho chi tiêu và sản xuất của gia đình” - ông Lê Xuân Hiếu, Giám đốc dự án thuộc CARE cho biết.



Nhiều thành viên đã có thể vay vốn để mua thức ăn gia súc, phân bón...

Phía CARE Quốc tế sẽ chuyển giao toàn bộ mô hình, công nghệ, tài liệu kỹ thuật cho Hội Liên hiệp Phụ nữ các tỉnh nhằm kết nối nguồn lực giúp chị em vùng sâu vùng xa, chị em khó khăn lập các tổ nhóm liên kết. Bên cạnh đó, các buổi sinh hoạt tổ nhóm sẽ góp phần giúp lồng ghép giới và vận động phụ nữ tham gia làm kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững, tích cực tham gia vào cuộc vận động “5 không 3 sạch” và xây dựng nông thôn mới.

Bà Bùi Thị Xiểm (ngoài cùng bên trái), người dân tộc thiểu số ở tỉnh Hòa Bình, chia sẻ

Theo chị Bùi Thị Xiểm - Chủ tịch Hội LHPN xã Chí Thiện, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình, qua sinh hoạt các Nhóm Cổ phần Tài chính tự quản (VSLA), chị em được nâng cao kiến thức và tự tin hơn để tham gia vào việc ra quyết định trong gia đình và cộng đồng địa phương; trang bị thêm kiến thức về chăn nuôi, sản xuất, cách lập và thực hiện kế hoạch cho bản thân…

Bảo Ngọc / TC Gia đình & Trẻ em