Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Cả đời đau đáu với sân khấu truyền thống

Luôn đau đáu với những đề tài về sân khấu lịch sử, tuồng cổ, ông từng ngày cần mẫn để cống hiến cho những kịch bản. Từ đó, nỗi đau thế sự, sự tự hào về lịch sử dân tộc, khát vọng về việc trường tồn của môn nghệ thuật độc đáo này luôn thường trực trong từng nếp nghĩ và in đậm trên từng tác phẩm của ông. Ông là nhà viết kịch Nguyễn Sỹ Chức.

 

Đam mê và những thăng trầm

Sau bao thăng trầm của cuộc sống hiện nhà viết kịch Nguyễn Sỹ Chức về công tác tại Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Khánh Hòa. Ông bộc bạch rằng: “Không cắt nghĩa được rõ ràng nhưng từ tấm bé tôi đã khao khát cống hiến hết sức mình cho kịch bản sân khấu. Thế là lao vào hoạt động, không nghĩ đến bất cứ điều gì ngoài sáng tạo đam mê”. Có lúc cuộc sống rơi vào những biến cố cả sức khỏe lẫn nghề nghiệp nhưng kịch bản sân khấu lại như một liều “thần dược” tiếp thêm cho ông có sức mạnh để rồi lại tiếp tục cháy bỏng với đam mê.

Năm 16 tuổi, cậu bé Nguyễn Sỹ Chức sốc ba lô dời vùng quê Thanh Hóa gia nhập Đoàn ca kịch giải phóng khu Trung-Trung bộ. Vừa làm nhạc công ông vừa mày mò viết những trang kịch bản sân khấu đầu tiên. Viết bất cứ điều gì ông cũng nghiêm khắc và nghĩ đến tính công chúng, phục vụ cho công chúng của những vở kịch ấy chứ không bao giờ dễ dãi với con chữ của mình. Năm 1978, hai kịch bản sân khấu “Tiếng đàn thuở xa xưa” và “Mối tình qua Tết Lirboog” do ông cùng một tác giả khác viết kịch đã gây ấn tượng mạnh trong Hội diễn sân khấu toàn quốc năm ấy và đoạt Huy chương Vàng cho tác giả kịch bản. Nhiều người ngỡ ngàng khi tác giả mới 22 tuổi.

Nhà viết kịch Nguyễn Sỹ Chức.

Sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, Nguyễn Sỹ Chức công tác trong đoàn Dân ca kịch Khánh Hòa rồi làm trưởng đoàn. Để cứu môn nghệ thuật sân khấu đang có xu hướng mai một này, Nguyễn Sỹ Chức đi đầu trong việc “tiếp lửa” và vực dậy đam mê sân khấu của nhiều thế hệ diễn viên sân khấu trên địa bàn tỉnh. Nhiều ngày ròng rã hình ảnh ông như muốn giành giật với thời gian từng phút để cho sân khấu trong tỉnh và nhiều tỉnh khác có kịch bản hay được dàn dựng khiến nhiều người khâm phục lẫn ái ngại. Cứ thế, đến nay Nguyễn Sỹ Chức đã viết trên 70 vở kịch sân khấu truyền thống cho các đoàn chuyên nghiệp trên toàn quốc dàn dựng ở các sân khấu lớn. Làm trưởng đoàn một thời gian, nhà viết kịch Nguyễn Sỹ Chức lại chuyển về làm cán bộ Nhà hát tuồng Khánh Hòa rồi cán bộ Sở Văn hóa - Thông tin. Ở vị trí nào, ông cũng không ngừng nghỉ viết kịch sân khấu. Những tác phẩm gây tiếng vang lớn liên tục ra đời như: Kịch bản tuồng “Trần Hưng Đạo” đoạt giải Ba (không có giải Nhất) cuộc thi sáng tác kịch bản sân khấu toàn quốc năm 1998-1999. Kịch bản tuồng “Huyền thoại mẹ xứ sở” đoạt giải B-Giải thưởng tác phẩm kịch sân khấu xuất sắc năm 2001 (Hội Nghệ sỹ sân khấu Việt Nam). Tập kịch bản sân khấu truyền thống “Nhân quả” đoạt giải thưởng của Ủy ban toàn quốc các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam năm 2001” và nhiều giải thưởng khác...

Dấu ấn và những trăn trở

Tài hoa là vậy, tận cùng đam mê và cống hiến là vậy, nhưng nhà viết kịch Nguyễn Sỹ Chức luôn chọn cho mình một tâm thế riêng; rút ra khỏi những đua chen, toan tính. Với ông, đưa đến cho sân khấu truyền thống những vở kịch hay, những đêm đỏ đèn là niềm hạnh phúc cao nhất. Những giải thưởng góp thêm sức mạnh tinh thần để ông gạt qua nhiều biến cố của cuộc sống. Không chỉ dừng lại ở đam mê mà Nguyễn Sỹ Chức còn dấn thân muốn làm mới các vở diễn sân khấu lịch sử. Nhiều kịch bản sân khấu về đề tài lịch sử in đậm dấu ấn sáng tạo và những nhọc nhằn của Nguyễn Sỹ Chức như: “Sóng dậy Lê Triều”, “Nhạn cô thần”, “Giọt nắng nhân tình”, “Phù vân”, “Danh phận”, “Thiết vương Trịnh Tùng”... Tất cả các vở kịch này đều đạt giải cao của các kỳ Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc. Các vấn đề lịch sử được Nguyễn Sỹ Chức uyển chuyển đưa vào sân khấu một cách không khô cứng mà vẫn giữ nguyên được giá trị truyền tải. Như trong kịch bản “Sóng dậy Lê Triều” bằng bút pháp tuồng cổ kết hợp trào phúng đã tái hiện thời kỳ thái sư Mạc Đăng Dung ép vua Lê Cung Hoàng ban Chiếu nhường ngôi rồi lập nên nhà Mạc đồng thời ngợi ca sự tận trung của An Thanh hầu Nguyễn Kim người đã cùng con rể là Điện tiền tướng quân Trịnh Kiểm phò tá vua Lê Trang Tông ở Thanh Hóa khôi phục Lê triều.

 Hay trong tác phẩm “Danh phận” (Đoạt giải A, giải tác phẩm kịch sân khấu xuất sắc nhất năm 2011 của Hội Nghệ sỹ sân khấu Việt Nam). Bằng bút pháp tuồng cổ kết hợp với phúng dụ, Nguyễn Sỹ Chức đã khắc họa được những việc trái luân thường, đạo nghĩa xảy ra trong triều thần họ Mạc. Vua tôi nhà Mạc nhiều người có danh nhưng không giữ phận. Chính sự triều đình ngày một đổ nát, lòng người ly tán, vậy mà vua Mạc còn lao vào ăn chơi, trác táng... “Danh phận” như một câu hỏi lớn, một bài học cần rút ra về Phận và Danh cho người đời hiện tại và các thế hệ sau khi họ đang mang trọng trách trước quốc gia, dân tộc. Vở kịch sân khấu này được đánh giá đã đi sâu vào tâm thức nhiều giai cấp. Nghệ thuật sân khấu truyền thống nhưng lại uyển chuyển và mang đậm hơi thở thế sự, nhân sinh.

Một trong những kịch khác để lại sự sửng sốt và bất ngờ với người xem khi tác giả kịch bản Nguyễn Sỹ Chức đã chuyển tải được cả thực tại trong một vở diễn về lịch sử truyền thống. Đó là kịch bản sân khấu “Phù vân”. “Phù vân” được dàn dựng và diễn ở Nhà hát Lớn Hà Nội và được chọn là một trong những tác phẩm xuất sắc kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. “Phù vân” tái hiện nguyên vẹn giai đoạn lịch sử giao thời giữa nhà Lý và nhà Trần. Từ những vấn đề riết róng của lịch sử phong kiến này, Nguyễn Sỹ Chức đã thổi lên những vấn đề thế sự như sự lựa chọn quyền lực và danh vọng, có những thứ quyền lực để có được con người ta phải làm những điều trái luân thường đạo lý nhưng đến cuối cùng có khi quyền lực giành giật được ấy lại như đám mây trôi, như “Phù vân”. Vở kịch này cũng truyền tải được vấn đề, người tài và bổn phận với dân, với nước, trách nhiệm của nhân dân và từng cá nhân trong hoàn cảnh đất nước có biến động.

Trang viết phản ánh tác giả, trường hợp này đúng với nhà viết kịch Nguyễn Sỹ Chức. Với ông, trong tâm thế của một người cầm bút bộc trực và thẳng thắn thì những hào quang, những huy chương luôn nằm sau sự trăn trở với nghề, với cuộc sống. Bạo tàn và cái xấu ở thời điểm nào đó có thể chiến thắng cái đẹp, cái tử tế nhưng cuối cùng cũng phải bị trừng phạt, niềm tin về sự chiến thắng của cái đẹp vẫn là sợi chỉ xuyên suốt trong những tác phẩm của ông.