Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

  2. Kinh tế

Cá kho làng Vũ Đại bán chạy gấp 20 lần nhờ thương mại điện tử

Bắt đầu kinh doanh từ năm 2009 với hơn 200 sản phẩm được bán ra, nhờ áp dụng thương mại điện tử, doanh số của cơ sở này đã tăng hàng chục lần sau 4 năm.

 

Đây chỉ là một trong số những ví dụ tiêu biểu được nghiên cứu để đưa ra các đánh giá tại báo cáo “Internet, thương mại điện tử và hoạt động của các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam”. Báo cáo do nhóm chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương phối hợp với Hiệp hội thương mại điện tử (Vecom) và Viện Nghiên cứu phát triển Bền vững Vùng thực hiện, vừa được công bố sáng 29/10. 

Đại diện nhóm nghiên cứu cho biết, năm 2009, chủ cơ sở sản xuất cá kho làng Vũ Đại (tỉnh Hà Nam) bắt đầu kinh doanh và chỉ bán được 257 sản phẩm. Sau đó ông lập trang web bán hàng và đến 2010 thì sử dụng quảng cáo trực tuyến. Số lượng đơn hàng nhờ đó tăng mạnh qua các năm và đến 2013, số sản phẩm bán ra tăng lên hơn 5.300. Hiện đơn vị này đã có đại lý ở Hà Nội và TP. HCM. 

 

 

Cá kho làng Vũ Đại được biết đến nhiều thông qua quảng cáo trực tuyến. Ảnh: Anh Quân.


Ở một trường hợp khác, Công ty Nhà Việt được thành lập năm 2011 với hoạt động chính là dịch vụ dọn vệ sinh. Trong nửa năm đầu, công ty không sử dụng dịch vụ quảng cáo trực tuyến mà chỉ theo phương thức truyền thống. Việc này tuy tiết kiệm chi phí nhưng không hiệu quả. Sau đó, doanh nghiệp bắt đầu sử dụng quảng cáo trên mạng và doanh thu đã tăng trưởng 100% mỗi năm. Hiện chi phí mỗi tháng để duy trì quảng cáo trực tuyến của công ty là 12 triệu đồng, chiếm 10% doanh thu. 

Không chỉ thuận lợi trong việc kinh doanh ở thị trường trong nước, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ được khảo sát đã tìm kiếm được khách hàng ở thị trường Bắc Mỹ, Tây Âu nhờ các trang quảng cáo trực tuyến trên Google, mạng xã hội… 

Ông Nguyễn Đình Chúc - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Bền vững Vùng cho rằng, đó là những dẫn chứng cụ thể và rõ ràng cho thấy thương mại điện tử giúp doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng trưởng nhanh chóng, đồng thời giảm chi phí thuê địa điểm kinh doanh ở một số nơi…

Tuy nhiên, cũng theo ông, hiện nay ở Việt Nam, chi phí thương mại điện tử vẫn ở mức khá cao (ước khoảng 20% doanh thu). Đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, khi xuất hiện trên môi trường mở cũng có nghĩa là họ phải chịu những thách thức trong việc bảo vệ thương hiệu của mình. 

“Mặc dù họ có thể đã đăng ký bản quyền cho thương hiệu nhưng cũng không thể hoàn toàn ngăn chặn các trang web bán sản phẩm giả trên mạng, ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp”, ông Phúc nhận định.

Bên cạnh đó, theo chuyên gia này, môi trường internet đã tạo ra một thị trường đầy tiềm năng nhưng với những doanh nghiệp vừa và nhỏ, nếu không có phương thức sản xuất hiện đại, sẽ rất khó trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm và tăng doanh số bán hàng. 

Cũng đồng tình với những lợi ích mà thương mại điện tử mang lại cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp vừa và nhỏ, tuy nhiên, ông Nguyễn Hữu Tuấn – Trưởng phòng phát triển Thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử cho rằng, có sự phân bổ không đồng đều giữa các nhóm sản phẩm. Cụ thể, nhóm hàng thời trang, mỹ phẩm, chăm sóc sức khỏe, thực phẩm, máy tính, hàng điện tử, gia dụng ghi nhận doanh thu tốt nhất. Trong khi những nhóm còn lại thì mức tăng khiêm tốn hơn. 

Theo ông Trần Kim Chung - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, thương mại điện tử ở Việt Nam còn ở dưới mức tiềm năng. Hiện giá trị thương mại điện tử hàng năm mới bằng khoảng 0,3% tổng giá trị bán lẻ. Nguyên nhân là sự thiếu niềm tin vào chất lượng hàng hóa vẫn còn hiện hữu. Theo đó, nhóm nghiên cứu khuyến nghị Chính phủ nên thiết lập môi trường pháp lý thuận lợi cho thị trường số phát triển, đảm bảo các giao dịch thương mại điện tử an toàn.