Lớp học sửa xe gắn máy tại Trung tâm Dạy nghề huyện Đầm Dơi. Ảnh Báo Cà Mau
Từ đầu năm đến nay, tỉnh Cà Mau đã đào tạo nghề cho gần 23.000 lao động, đạt 65% kế hoạch; giải quyết việc làm cho hơn 30.200 lao động, đạt trên 80% so kế hoạch. Trong đó, giải quyết việc làm lao động ngoài tỉnh đạt gần 19.600 người, xuất khẩu lao động là 26 người.
Theo kế hoạch, giai đoạn 2017-2020, tỉnh phấn đấu đào tạo nghề cho 140.000 lao động, trong đó dạy nghề theo Quyết định 1956/QĐ-TTg phê duyệt đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 là 45.000 lao động.
Để đạt được chỉ tiêu trên, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh tăng cường phối hợp giữa cơ sở đào tạo, đơn vị và doanh nghiệp sử dụng lao động thực hiện đào tạo nghề theo địa chỉ, vừa đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp, vừa chuyển dịch lao động sang khu vực phi nông nghiệp phù hợp với phát triển kinh tế, xã hội và phát triển nhân lực của địa phương; tiếp tục triển khai hiệu quả Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn; đặc biệt là chú trọng việc đào tạo nghề theo nhu cầu người học và điều kiện thực tế ở địa phương; định hướng đào tạo nghề sát với thực tiễn, đào tạo nghề gắn với chuyển giao khoa học - kỹ thuật, tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận được với những giống cây trồng, vật nuôi đạt chất lượng, hiệu quả, phát huy các mô hình thí điểm gắn với quy hoạch xây dựng nông thôn mới; tổ chức nhiều phiên giao dịch việc làm lưu động, sàn giao dịch việc làm online, qua đó giúp cho người lao động và doanh nghiệp tìm được thông tin về lĩnh vực lao động, việc làm.
Tuy nhiên, để đào tạo nghề có hiệu quả, tỉnh cần quy hoạch công tác đào tạo nghề gắn với nhu cầu của thị trường; quan tâm đầu tư phát triển cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác đào đạo nghề đủ tiêu chuẩn, đáp ứng theo ngành nghề, trình độ phù hợp với từng học viên; đào tạo nghề phải gắn với việc làm cụ thể của địa phương, cần chú trọng đến chất lượng, theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, đảm bảo cho người lao động sau khi học nghề xong sẽ có việc làm ngay.