Thời gian qua, thị trường Trung Quốc chiếm khoảng 30%-33% thị phần xuất khẩu cá tra của Việt Nam. Đối với thị trường Mỹ, châu Âu… dịch Covid-19 còn phức tạp, do đó cần có chiến lược đưa sản phẩm vào các thị trường này với sản lượng phù hợp.
Nhiều dự báo cho thấy quý 3 năm nay thì thị trường cá tra mới tăng trưởng trở lại, tuy nhiên vấn đề đa dạng hóa thị trường đang được đặt ra khi thị trường Trung Quốc khó hồi phục hoàn toàn trong thời gian ngắn, còn thị trườn Mỹ vẫn còn ảnh hưởng bởi Covid-19.
Thời gian tới, theo các chuyên gia, đẻ tập trung gỡ khó cho xuất khẩu cá tra, trong tháng 5 và tháng 6/2020, các doanh nghiệp có thể tập trung vào xuất khẩu sản phẩm cá tra sang thị trường Trung Quốc, vì thị trường này đang phục hồi khá tốt.
Tiếp đó, từng bước tháo gỡ các thị trường khác, như thị trường châu Âu, thị trường Hoa Kỳ. Và quan trọng hơn là năm nay, Bộ NN&PTNT, Công Thương đặt quyết tâm cùng với các doanh nghiệp, các địa phương mở tiếp những thị trường mới đầy tiền năng, như thị trường Nga, thị trường Nhật Bản, thị trường nội địa. Với thị trường nội địa 100 triệu dân này, đây mới là thị trường bền vững lâu dài.
Theo một số doanh nghiệp xuất khẩu cá tra, kể từ tháng 2/2020, xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc - Hồng Kông đã khởi động trở lại và hoạt động xuất khẩu đang dần trở lại bình thường.
Chỉ trong nửa đầu tháng 3/2020, giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường này đã được gần 13 triệu USD, tăng 1 triệu USD so với cả tháng 2/2020 trước đó. Nếu tốc độ xuất khẩu tăng như dự đoán, một số doanh nghiệp xuất khẩu cá tra tự tin nhận định rằng, giá trị xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc trong các tháng tới có thể tăng 40 - 50%.
Tiếp đó, từ tháng 6, tháng 7 trở đi có thể tiếp cận, khôi phục lại thị trường châu Âu. Đối với thị trường Nhật Bản cũng rất yêu thích sản phẩm cá tra, nhưng với thị trường này cần tăng cường chế biến sâu, sản phẩm chất lượng. Đồng thời, sẽ có chương trình đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Nga trong thời gian tới. Cùng với đó, cần phải tận dụng EVFTA để mở rộng thị trường xuất khẩu.