Hội thảo “Đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao” do Báo điện tử Tổ Quốc tổ chức, thu hút khoảng 100 nhà khoa học, chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý tham dự và “hiến kế” để phát triển ngành du lịch và nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao.
Tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Hoàng Lan, Tổng biên tập báo điện tử Tổ Quốc cho biết, Hội thảo được tổ chức vào thời điểm quan trọng khi Việt Nam khống chế và kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19, đã quyết đinh mở cửa toàn diện cho du lịch và đạt được nhiều kết quả khả quan.
Khi bàn về vai trò của công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao, bà Nguyễn Thị Hoàng Lan nhấn mạnh, để ngành du lịch bước vào giai đoạn phục hồi và phát triển bứt phá, việc tạo dựng nguồn nhân lực du lịch, trong đó có đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao, đang là một trong những nhu cầu cấp thiết, nhằm đáp ứng kịp thời những đòi hỏi ngày càng cao của thị trường lao động.
Đào tạo trong lĩnh vực du lịch cũng là một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện mục tiêu chiến lược phát triển du lịch đến năm 2030. Điều này cũng đặt ra những chiến lược cụ thể cho các đơn vị đào tạo nguồn nhân lực du lịch: Đó là phải nhanh chóng đổi mới phương thức đào tạo để có thể tạo ra những cơ hội nghề nghiệp mới mở rộng hơn trong lĩnh vực du lịch cho lao động Việt Nam trong tình hình mới.
Ngành Du lịch đang "Thừa thầy - Thiếu thợ"
Tham luận tại Hội thảo với chủ đề "Bài toán trong đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao hướng đến mục tiêu phát triển du lịch bền vững", PGS. TS Phan Thị Hồng Xuân - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo nguồn nhân lực ASEAN, Trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn - ĐHQG HCM cho rằng, ngành Du lịch đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng nhân lực có chuyên môn cao, hiện tượng "thừa thầy, thiếu thợ" trong cán cân lao động, đào tạo không đáp ứng nhu cầu thực tiễn, đào tạo chưa có hướng đi khác biệt để tạo lợi thế cạnh tranh,...
Nêu giải pháp cụ thể, PGS.TS Phan Thị Hồng Xuân cho rằng, cần phải nhanh chóng đổi mới phương thức đào tạo để có thể tạo ra những cơ hội nghề nghiệp mới mở rộng hơn cho sinh viên Việt Nam trong tình hình mới; Việc nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam cần sự đồng hành của nhà trường - nhà nước - doanh nghiệp và người dân, trong đó chú trọng đến đào tạo con người, xây dựng những sản phẩm độc đáo, tạo cơ chế, chính sách hỗ trợ và sự chung tay của toàn xã hội.
"Để làm được điều đó chúng ta cần xây dựng những thương hiệu du lịch lớn mang tầm quốc tế gắn với bản sắc văn hóa đặc sắc và con người Việt Nam về hình ảnh một Việt Nam đẹp đẽ, thân thiện, đôn hậu và mến khách" - PGS.TS Phan Thị Hồng Xuân nhấn mạnh.
Hợp tác cùng doanh nghiệp để đào tạo nhân lực
Bàn về khó khăn nguồn nhân lực sau đại dịch, dưới góc độ doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Phương Tâm, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đại Thành Công cho rằng: "Thừa thầy - thiếu thợ" - có lẽ đó chính là câu nhận xét tổng quan, đúng bản chất nhất trong vấn đề đào tạo nguồn nhân lực du lịch hiện nay, nhiều chuyên gia đã đề cập đến vấn đề này từ rất lâu nhưng để giải quyết cụ thể thì vẫn chưa có giải pháp căn cơ.
Theo bà Tâm, để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực hiện nay cần nêu cao vai trò liên kết giữa doanh nghiệp - cơ sở đào tạo - địa phương. Theo đó, trong vấn đề này cần phải có sự hỗ trợ kinh phí từ doanh nghiệp, các quỹ giải quyết việc làm từ địa phương để hỗ trợ những lao động trong quá trình đào tạo, bởi sau đại dịch thì kinh tế của họ rất khó khăn.
"Doanh nghiệp cần tham gia trực tiếp vào khâu đào tạo thì nguồn nhân lực khi đào tạo ra sẽ không lãng phí, được sử dụng đúng vị trí, lĩnh vực", bà Tâm nêu quan điểm.
Kết luận Hội thảo, đánh giá cao những ý kiến tâm huyết, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch (Tổng cục Du lịch) Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, các ý kiến Hội thảo đã khẳng định tầm quan trọng cũng như yêu cầu bức thiết đối với việc đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao, đặc biệt là trong tình hình mới hiện nay.
"Đây được xem là chìa khóa hữu hiệu để thúc đẩy công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, qua đó góp phần đưa du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn như mục tiêu Bộ Chính trị đã đề ra", ông Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh.
Ông Tuấn cho biết, các ý kiến tâm huyết của đại biểu tại Hội thảo sẽ được Ban tổ chức tập hợp, tổng hợp đầy đủ để đưa ra giải pháp cụ thể để báo cáo gửi tới Lãnh đạo Bộ VHTTDL, các đơn vị liên quan.
Nước ta hiện có khoảng 200 cơ sở đào tạo du lịch, trong đó có 62 trường đại học có khoa du lịch, 55 trường cao đẳng, 71 trường trung cấp, 4 trung tâm về dạy nghề nhưng nguồn cung ứng lao động du lịch chưa đáp ứng nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp trong giai đoạn phục hồi kinh tế.
Tuy nhiên, chất lượng nguồn lao động có chuyên môn, đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp cần thì còn hạn chế. Các cơ sở du lịch ngày càng tăng, nhưng năng lực đào tạo còn hạn chế. Tính liên thông về chương trình, kết cấu chương trình đào tạo giữa các cơ sở không đồng nhất; cơ sở đào tạo manh mún, nhỏ lẻ, chưa gắn thực tiễn…