Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Các địa phương cấp phát gạo cứu đói sớm trước ngày 20 tháng 12 âm lịch

Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm, yêu cầu Cục bảo trợ xã hội (Bộ LĐ -TB&XH) phải đốc thúc ngay các địa phương, sao cho việc cấp phát gạo cứu đói năm nay phải làm tốt hơn năm 2016.

 

“Dứt khoát gạo phải đến được với người dân trước ngày 20/12 âm lịch, để người dân có cái Tết yên vui, ấm áp”, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm đã lưu ý như vậy tại Hội nghị tổng kết năm 2016, triển khai nhiệm vụ năm 2017 của Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) vừa diễn ra tại Hà Nội.

Báo cáo nhanh của các địa phương cho biết, hiện đã có trên 40 tỉnh, thành phố ban hành kế hoạch vận động, hỗ trợ tặng quà Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017.

 

Trước đó, Bộ LĐ -TB&XH đã có Công văn số 4714/LĐTBXH-BTXH ngày 24/11/2016 đôn đốc các địa phương rà soát, tổng hợp số hộ, số khẩu có nguy cơ thiếu đói trong dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu và giáp hạt đầu năm 2017; vận động tổ chức, cá nhân chăm lo Tết cho người nghèo, chủ động sử dụng ngân sách địa phương hỗ trợ kịp thời cho các đối tượng thiếu đói.

Cùng với đó, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm cho biết, năm 2016, lĩnh vực đảm bảo an sinh xã hội hết sức khó khăn, thiên tai diễn ra trên diện rộng, chưa năm nào số lượng cấp phát gạo cứu đói lại lớn như thế, lên đến hơn 60.000 tấn. Với tình hình thiên tai, lũ lụt diễn biến phức tạp nên Bộ LĐ-TB&XH không chờ các tỉnh báo cáo hết rồi mới tổng hợp. Tỉnh nào có đề xuất thì Bộ sẽ có văn bản gửi Chính phủ xem xét hỗ trợ ngay.

Theo thống kê, năm 2016, có tới 9 cơn bão và 7 áp thấp nhiệt đới hoạt động ở biển Đông, hiều hơn so với năm 2015 là 10 cơn. Ước tính thiệt hại về vật chất khoảng 38.82 tỷ đồng.

Với công tác đảm bảo an sinh xã hội dịp Tết Đinh Dậu, dự kiến mức hỗ trợ phổ biến cho các đối tượng bảo trợ xã hội và hộ nghèo là 300.000 đồng. Một số tỉnh có điều kiện ngân sách như: TP. Hồ Chí Minh có mức hỗ trợ  950.000đ/đối tượng bảo trợ xã hội và 1.100.000đ/hộ nghèo; Bình Dương mức 1.500.000đ; Cần Thơ, Hải Phòng, Bà Rịa-Vũng Tàu mức 600.000-800.000đ.

 Một số tỉnh, thành phố có tổng kinh phí tặng quà tết từ ngân sách địa phương lớn như: Hà Nội: 285 tỷ đồng, TP. Hồ Chí Minh: 661 tỷ đồng (tăng 60 tỷ đồng so với năm 2016), TP. Đà Nẵng: 25 tỷ đồng (chỉ tính riêng đối tượng BTXH và hộ nghèo), Bình Dương: 182,77 tỷ đồng (tăng 28% so với năm 2016), Hải Phòng: 98 tỷ đồng, Cần Thơ: 100 tỷ đồng, Quảng Nam: 126 tỷ đồng.

Ngoài ra, các tỉnh, thành phố đều đặt mục tiêu huy động nguồn lực, xã hội hóa để hỗ trợ quà Tết cho các đối tượng.

Tính đến 30/12/2016, Thủ tướng Chính phủ đã Quyết định hỗ trợ cho nhân dân 25 tỉnh với tổng số 67.061,0 tấm gạo cứu đói cho 3.464.533 người. Trong đó cứu đói Tết 17.177,7 tấn gạo; cứu đói giáp hạt 17.489,8 tấn gạo, cứu đói khắc phục hậu quả thiên tai 19.675,1 tấn gạo; cứu đói do hải sản chết 12.718,5 tấn gạo.

 Nhấn mạnh việc cần thiết phải có gạo sớm cho người dân, đảm bảo nhà nhà có Tết, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm yêu cầu: “Năm nay phải làm tốt hơn năm 2016. Cục Bảo trợ Xã hội phải chủ động chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương cấp phát gạo cho dân kịp thời, không để xảy ra sai phạm”.

 “Đặc biệt, năm nay phải đôn đốc các địa phương cấp phát gạo sớm hơn, phải trước ngày 20 tháng 12 âm lịch. Không được để đến tận 28, 29 Tết mới cấp phát gạo, chậm muộn, để người dân đón Tết vui vẻ, ấm áp”, Thứ trưởng nhấn mạnh thêm.

 Tính đến ngày 4/1/2017, đã có 12 tỉnh gửi công văn xin hỗ trợ gạo cứu đói dịp giáp Tết Đinh Dậu. Gồm các địa phương: Cao Bằng, Tuyên Quang, Yên Bái, Lào Cai, Hà Nam, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, Ninh Thuận, Đăk Nông. Tổng số gạo cần hỗ trợ là hơn 14.700 tấn. 

 

Trước đó, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH đã trình Chủ tịch nước mức quà Tết dành cho đối tượng người có công dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, gồm 2 mức: 400.000 đồng/suất và 200.000 đồng/suất. Tổng kinh phí khoảng 431 tỷ đồng.