UBND tỉnh Vĩnh Phúc vừa có chỉ đạo các địa phương chuẩn bị kế hoạch sẵn sàng các khu cách ly y tế tập trung để đón hơn 2.400 công dân từ các tỉnh, thành phố phía Nam trở về.
BCĐ phòng, chống COVID-19 tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, tính đến ngày 25/7, hơn 5.600 trường hợp đã trở về từ các vùng có dịch và được lực lượng chức năng đưa tới các cơ sở cách ly y tế tập trung. Hiện nay, toàn tỉnh có 22/42 cơ sở cách ly y tế tập trung được vận hành phục vụ cách ly các trường hợp F1 và công dân từ các vùng có dịch trở về.
Đặc biệt đến nay, tỉnh có hơn 2.400 công dân từ các tỉnh, thành phố đang có dịch đăng ký về quê, trong đó số người từ TP HCM là gần 1.000.
Do đó, cùng với triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã chỉ đạo các địa phương chuẩn bị kế hoạch sẵn sàng các khu cách ly y tế tập trung, trước mắt, bảo đảm 20.000 giường. Đồng thời, tiếp tục khảo sát, nâng công suất, mở rộng thêm 30.000 giường, sẵn sàng đáp ứng với các tình huống có thể xảy ra.
Ngành y tế cũng đã xây dựng, hoàn thiện kịch bản, tình huống xảy ra ở cấp độ 3, mức độ vừa, với 1.000 bệnh nhân; xây dựng kế hoạch huy động tập huấn cho lực lượng tình nguyện viên phục vụ trên cơ sở mỗi huyện có ít nhất 100 tình nguyện viên, ở tỉnh ít nhất 600 tình nguyện viên… để chủ động đón hàng nghìn công dân từ vùng dịch trở về.
Thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh Nghệ An về việc đón công dân bị ảnh hưởng do dịch COVID-19 từ TP HCM và các tỉnh, thành phố phía Nam có nhu cầu cấp thiết trở về quê, tất cả địa phương trong tỉnh đã nhanh chóng lên phương án, thiết lập các cơ sở lưu trú nhằm đáp ứng nhu cầu cách ly cho người dân.
Chẳng hạn, huyện Nghi Lộc đã bố trí 305 phòng cách ly tại 29 xã, thị trấn để có thể đáp ứng cho nhu cầu của 1.226 người dân. Huyện cũng đã giao cho các ban, ngành, đoàn thể và chính quyền các địa phương cùng phối hợp thực hiện, trên tinh thần bảo đảm an toàn tối đa, nếu phát hiện có người nhiễm COVID-19 thì sẽ tổ chức thu dung, điều trị ngay.
Theo kế hoạch của UBND tỉnh Nghệ An, các đối tượng được sắp xếp về quê là người già, trẻ em, phụ nữ mang thai, lao động tự do, người mất việc làm, người mắc kẹt do thăm thân, công tác, học sinh, sinh viên…
Công dân khi trở về sẽ được cách ly tập trung tại các khu cách ly tập trung của tỉnh do Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh đảm nhận, khu cách ly tập trung do UBND các huyện, thành phố, thị xã quản lý. Những trường hợp có nhu cầu sẽ được cách ly tập trung tại các khu cách ly dịch vụ có thu phí là các khách sạn, cơ sở lưu trú bảo đảm các điều kiện an toàn phòng, chống dịch.
Tất cả công dân trở về từ TP HCM và các tỉnh, thành phố phía Nam đều tổ chức cách ly tập trung 14 ngày. Sau 14 ngày, công dân buộc phải tiếp tục cách ly tại nhà 7 ngày.
Tính đến hết ngày 26/7, Nghệ An đã có gần 10.000 người đăng ký về quê, trong đó từ TP HCM gần 4.000 người, Bình Dương gần 3.000 người, Đà Nẵng gần 1.000 người…
Tỉnh Hà Nam cũng đã lên phương án đón công dân từ TP HCM về địa phương.
Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam Lê Thị Thủy thống nhất quan điểm là tiếp nhận công dân Hà Nam đang sinh sống tại TPHCM có nhu cầu cấp thiết và có nguyện vọng trở về quê, các lao động mất việc làm dài ngày, có hoàn cảnh khó khăn, người già, trẻ em, phụ nữ mang thai, người bị mắc kẹt do đi công tác, học tập, thăm thân… với số lượng từ 700 đến 1.000 người.
Các công dân cần phải có đơn được Hội Đồng hương Hà Nam tại TP HCM tổng hợp, thẩm định và được UBND tỉnh Hà Nam phê duyệt; thông tin đầy đủ về người thân, địa điểm về; có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2; phương tiện di chuyển từ TP HCM về Hà Nam bằng tàu hỏa. Tỉnh sẽ hỗ trợ các công dân vé tàu và kinh phí xét nghiệm.
Về phương án cách ly, giao cho các huyện, thị xã, thành phố chủ động phương án cách ly tập trung hoặc tại nhà nhưng phải bảo đảm an toàn về phòng, chống dịch. Theo thống kê của Hội Đồng hương Hà Nam tại TP HCM, khoảng 1.000 công dân của tỉnh có nguyện vọng được trở về địa phương.
Tối 28/7, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có công văn hỏa tốc gửi Bí thư, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố về việc hỗ trợ các đối tượng ưu tiên về địa phương phòng chống dịch COVID-19.
Theo đó, BCĐ phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Lâm Đồng đề nghị lãnh đạo các địa phương chỉ đạo chính quyền cơ sở, cơ quan chức năng liên quan nắm thông tin số lượng người dân Lâm Đồng từ các tỉnh, thành phố nói trên có nguyện vọng trở về địa phương để chủ động xây dựng kế hoạch, trong đó ưu tiên người già yếu, tàn tật, phụ nữ mang thai, trẻ em, người ốm đau và người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn… Những người này phải có xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính trong vòng 72 giờ trước khi về địa phương.
Các địa phương hướng dẫn công dân thuộc đối tượng ưu tiên đăng ký danh sách, cung cấp đầy đủ thông tin cá nhân, đồng thời, kiểm tra, rà soát, lập danh sách và tổ chức đón công dân thuộc đối tượng ưu tiên về địa phương bảo đảm an ninh trật tự, an toàn và phòng, chống dịch bệnh theo quy định.
UBND tỉnh Lâm Đồng cũng yêu cầu các địa phương bảo đảm đầy đủ nhân lực, vật lực, cơ sở vật chất cho công dân khi trở về được xét nghiệm, cách ly tập trung, điều trị bệnh… theo đúng quy định. Tổ chức cách ly theo quy định, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng lây nhiễm chéo trong khu cách ly và lây nhiễm ra cộng đồng.
UBND tỉnh Cà Mau đã tổ chức họp bàn các giải pháp an toàn trước khi triển khai công tác đón công dân chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 trở về địa phương.
Qua thống kê chưa đầy đủ, Cà Mau hiện có khoảng 230.000 người dân đang học tập, sinh sống và làm việc tại các tỉnh khác. Hiện số bà con còn kẹt ở lại ở các tỉnh cũng rất lớn. Trong đó, số lượng bà con mong muốn về quê là khoảng vài chục nghìn người, đa số ở các tỉnh có diễn biến dịch phức tạp.
Lãnh đạo tỉnh Cà Mau chủ trương thông qua Ban liên lạc Hội Đồng hương Cà Mau - Bạc Liêu tại TP HCM tiếp tục rà soát đối tượng thực sự khó khăn để tìm các nguồn hỗ trợ bà con.
Ban liên lạc cho biết đã thành lập ban cứu trợ nhằm kêu gọi quyên góp, vận động hỗ trợ bà con giảm bớt khó khăn trong bối cảnh dịch COVID-19. Tuy nhiên, việc đưa bà con về phải bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, tránh tạo vùng dịch mới.