Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Các địa phương triển khai gói hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi COVID-19

(Dân sinh) - Phát biểu tại Hội nghị Hội nghị trực tuyến Sơ kết 6 tháng đầu năm triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm năm 2021 trong lĩnh vực lao động, người có công và xã hội và thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg diễn ra sáng 14/7, lãnh đạo các địa phương cho biết: Hiện các địa phương đang nhanh chóng triển khai để kịp thời đưa gói hỗ trợ đến đúng đối tượng.

Tại hội nghị, ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP. HCM - cho biết, thành phố đã thông qua gói hỗ trợ an sinh xã hội. Các chính sách đặc thù cho 6 nhóm đối tượng đặc thù với kinh phí 886 tỉ đồng như lao động tự do (230.000 người), thương nhân chợ truyền thống (60.000 người)…

Theo đó, người bị cách ly tại các khu cách ly tập trung của TP. HCM được hỗ trợ 80.000 đồng/người/ngày, trong khi lực lượng tham gia phòng chống dịch nhận 120.000 đồng/người/ngày.

Các địa phương triển khai gói hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi COVID-19  - Ảnh 1.

Các đại biểu tham dự tại điểm cầu Hà Nội.

Nhóm tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương như công nhân, giáo viên mẫu giáo… hưởng hỗ trợ 1 lần là 1,8 triệu đồng/người. Trẻ em và phụ nữ mang thai được hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/người.

Bên cạnh đó, khoảng 24.000 lao động không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp cũng được hỗ trợ 1 lần là 1,8 triệu đồng/người.

Tính đến ngày 13/7, TP. HCM đã hỗ trợ cho gần 227.000 người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) với số tiền trên 148.000 tỉ đồng.

Hiện nay, TP.HCM đã hỗ trợ 106.000 người đạt 46% với tổng kinh phí 160 tỉ (từ 6-7 đến nay). Những đối tượng này yếu thế nhất được hỗ trợ đặc thù với mức 1,5 triệu đồng.

Mục tiêu của thành phố là đến ngày 15-7 sẽ hoàn thành việc triển khai hỗ trợ các đối tượng theo Nghị quyết 68 và quyết định 23. Ngoài ra, TP. HCM phấn đấu đến 30-7, các chủ doanh nghiệp, người sử dụng lao động chuyển tiền hỗ trợ qua tài khoản cho lao động, công nhân không cần làm thủ tục gì.

Lao động tự do không cần làm thủ tục, chính quyền cơ sở xét và gửi về quận, huyện duyệt trong 2 ngày và chuyển tài khoản ngân hàng, nếu không có thì cán bộ đưa tận nhà cho bà con

Sau khi nghe báo cáo của TP. HCM, Bộ trưởng Bô LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung lưu ý, Thành phố cần quan tâm hơn đến đối tượng công nhân, lao động tự do … Mở rộng mô hình chợ rau, cây ATM, cơm từ thiện với cách thức phù hợp Chỉ thị 16.

Trong đợt dịch này, tỉnh Bắc Giang là một trong số các tỉnh bị chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19. Tuy nhiên, nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp lãnh đạo Chính phủ và các bộ ngành và sự quyết tâm của chính quyền và nhân dân. Từ ngày 13/7 đến nay, toàn tỉnh đã có tổng số hơn 109.000 lao động đi làm trở lại.

Thời điểm xảy ra dịch bệnh, toàn tỉnh có tổng 199.000 lao động phải nghỉ việc. Sau khi dịch xảy ra, ngày 25/5, UBND tỉnh đã thành lập ban chỉ đạo, có kế hoạch hỗ trợ khôi phục lại sản xuất, tham mưu UBND tỉnh hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động.

Trong thời gian vừa qua, tỉnh Bắc Giang đã tổ chức công tác hỗ trợ công nhân và người lao động, có trên 60.000 người lao động (chủ yếu lao động ngoại tỉnh), triển khai việc thăm hỏi động viên người lao động, người có công.

Báo cáo tại hội nghị, đại diện Sở LĐ-TB&XH TP Hà Nội cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2021 vừa qua, với sự cố gắng của các đơn vị và dưới sự chỉ đạo của các cấp lãnh đạo, Hà Nội đã tổ chức được 111 phiên giao dịch, sàn giao dịch việc làm thông qua nhiều hình thức trực tuyến, trực tiếp và online, giải quyết việc làm cho hơn 97.000 lao động (đạt 61,2% kế hoạch đề ra). Trong đó, hỗ trợ vốn vay việc làm cho hơn 28.000 lao động với số vốn 1.282 tỷ đồng. Hỗ trợ bảo hiểm thất nghiệp cho hơn 33.000 người với số tiền 830 tỷ đồng…

Về việc thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg, sở đã khẩn trương thành lập tổ công tác của sở để tham mưu cho UBND TP Hà Nội triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Sở LĐ-TB&XH TP Hà Nội cũng đang xin ý kiến các bộ ngành, phấn đấu trong tháng 7/2021, kịp thời triển khai các chính sách thụ hưởng cho người lao động theo tinh thần chỉ đạo của Bộ trưởng LĐ-TB&XH.

Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng đã trình HĐND thống nhất và cách đây 2 ngày đã hỗ trợ 90.000 người, tổng số tiền là 92 tỉ đồng gồm 3 nhóm. Cụ thể, người có công  với cách mạng và bảo trợ xã hội với số tiền 1 triệu đồng/người; nhóm lao động tự do gồm giáo viên mầm non, bảo mẫu, lái xe taxi… với mức 1,5 triệu đồng/người và ba là  các hộ kinh doanh chợ đêm hỗ trợ 3 triệu đồng/lần.