Chiều ngày 21/12, đoàn công tác của Bộ LĐ-TB&XH do Thứ trưởng Lê Văn Thanh làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với lãnh đạo UBND TP.HCM về Tình hình thực hiện Chỉ thị 37-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về quyết định số 416/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định, tiến bộ trong tình hình mới tại TP.HCM.
Tham gia cùng đoàn công tác của Bộ có ông Nguyễn Mậu Quyết - Phó Vụ trưởng Vụ Xã hội, Ban kinh tế Trung ương; ông Phạm Anh Thắng - Phó Chánh Văn phòng Bộ - Trưởng Đại diện VP Bộ tại TP.HCM; ông Vũ Trọng Bình - Cục trưởng Cục Việc làm; ông Tống Văn Lai - Phó Cục trưởng Cục Quan hệ lao động và Tiền lương.
Về phía UBND TP.HCM có ông Võ Văn Hoan - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM; ông Nguyễn Văn Lâm - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM; đại diện LĐLĐ TP.HCM cùng đại diện các Sở, ban, ngành và các quận, huyện trên địa bàn TP.
Kịp thời hỗ trợ lao động mất việc làm
Báo cáo với Thứ trưởng và đoàn công tác của Bộ, ông Nguyễn Văn Lâm cho biết, TP.HCM hiện có 17 khu chế xuất, khu công nghiệp, 1 khu công nghệ cao, 1 công viên phần mềm, 10 cụm công nghiệp. Tổng số doanh nghiệp hoạt động là 248.897 đơn vị với số lao động làm việc là 2.812.237 người.
Về quản lý lao động và quan hệ lao động, Sở LĐ-TB&XH đã tham mưu UBND TP ban hành các kế hoạch tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động trong doanh nghiệp. Ban Thường vụ LĐLĐ TP chỉ đạo Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở hướng dẫn công đoàn các doanh nghiệp phát huy vai trò đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của đoàn viên, người lao động, nâng cao phúc lợi cho đoàn viên, người lao động.
“Tính đến ngày 15/12, TP đã tiếp nhận Thoả ước lao động tập thể của 5.044 lượt doanh nghiệp; có 11.978 công đoàn cơ sở đã phối hợp người sử dụng lao động tổ chức Hội nghị người lao động; có 12.978 công đoàn cơ sở đã phối hợp người sử dụng lao động tổ chức đối thoại định kỳ…”, ông Lâm thông tin.
Cũng theo ông Lâm, năm 2022, có 31 doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM thông báo cho người lao động thôi việc vì lý do kinh tế với số lao động bị mất việc làm 2.969 người. Trong số này có 2 doanh nghiệp là Công ty TNHH Việt Na Saho (1.425 lao động mất việc) và Công ty TNHH Tỷ Hùng (1.185 lao động mất việc) có thông báo phương án lao động cho người lao động.
Trước thực trang này, Sở đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan để theo dõi tình hình doanh nghiệp trên địa bàn TP để kịp thời phối hợp giải quyết các vấn đề phát sinh có liên quan đến quan hệ lao động. Tổ chức phiên giao dịch việc làm, kết nối cung - cầu lao động ngay sau khi doanh nghiệp thông báo cho người lao động nghỉ việc.
“Trong thời gian tới, Sở phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan kịp thời hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện đúng quy định pháp luật lao động về đảm bảo chế độ chính sách cho người lao động. Đặc biệt, theo dõi tình hình trả lương, trả thưởng dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 cho người lao động”, ông Lâm khẳng định.
Tiếp tục chăm lo đời sống người lao động
Tham gia ý kiến tại buổi làm việc, ông Phạm Anh Thắng cho rằng quan hệ lao động tại TP.HCM trong thời gian qua rất ổn định. Tuy nhiên, trong thời gian tới, TP.HCM cần tiếp tục quan tâm hơn đến quan hệ lao động. Đặc biệt là nhóm lao động phi chính thức, sớm đưa nhóm này vào nhóm có quan hệ lao động để đảm bảo chế độ cho người lao động.
Bên cạnh đó, ông Thắng cũng kỳ vọng TP.HCM quan tâm hơn đến công tác an sinh xã hội trên địa bàn TP. Nhất là là trên địa bàn quận Bình Tân, qua khảo sát cho thấy địa bàn này tập trung nhiều công nhân và còn nhiều lao động phi chính thức.
Qua nghe báo cáo và trao đổi với các đơn vị, đại diện các quận, huyện trên địa bàn TP.HCM, Thứ trưởng Lê Văn Thanh nhận định TP.HCM là địa bàn có nhiều doanh nghiệp và người lao động. Thời gian qua, các doanh nghiệp trên địa bàn TP đã quan tâm hơn đến quan hệ lao động, thị trường lao động.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng đề nghị TP cần nâng cao công tác thanh tra, kiểm tra và nâng cao vai trò của công đoàn, đặc biệt tăng cường tổ chức thành lập công đoàn mới.
Thực hiện công điện 1170 của Thủ tướng Chính phủ, Thứ trưởng Lê Văn Thanh đề nghị TP.HCM đảm bảo việc làm và chăm lo đời sống an sinh cho người lao động, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão sắp tới.
“UBND TP.HCM yêu cầu các khu công nghiệp, khu chế xuất phối hợp với Sở LĐ-TB&XH, công đoàn để điều tra, nắm bắt tình hình tiền lương, tiền thưởng Tết cho người lao động. Doanh nghiệp nào không có thưởng Tết thì phải có hỗ trợ kịp thời để người lao động an tâm”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Trước khi làm việc với UBND TP.HCM, nhằm nắm bắt tình hình quan hệ lao động hài hoà, ổn định, tiến bộ trong tình hình mới tại TP.HCM, sáng cùng ngày đoàn công tác của Bộ LĐ-TB&XH đã có buổi thực địa tại Công ty TNHH Tỷ Hùng (quận tân Bình) và Công ty CP Dệt May đầu tư thương mại Thành Công (quận Tân Phú).
Tại buổi kiểm tra thực địa, Thứ trưởng ghi nhận và biểu dương các doanh nghiệp đã thực hiện đúng quy định của pháp luật, có chế độ phúc lợi tốt cho người lao động. Đồng thời, Thứ trưởng cũng đề nghị các doanh nghiệp tiếp tục quan tâm hơn nữa cho người lao động, đặc biệt là nhà ở cho người lao động.