Lĩnh vực khai khoáng để xảy ra nhiều TNLĐ trong những năm gần đây
TNLĐ đứng thứ hai sau lĩnh vực xây dựng
Cụ thể, trong năm 2017, lĩnh vực khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng chiếm 9,2% tổng số vụ tai nạn lao động và 8,8% tổng số người chết. Nhiều vụ tai nạn lao động chết người cực kỳ nghiêm trọng như: Vụ sập mỏ đá Lèn Cờ (Nghệ An) làm 18 người chết, sập mỏ đá tại núi Hang Cá (xã Yên Lâm, huyện Yên Định, Thanh Hóa) làm 8 người chết, sập lò vôi tại Kinh Môn (Hải Dương) làm 5 người chết, sập mỏ đất thôn Trại Sơn, xã An Sơn, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng làm 5 người tử vong. Đây chỉ mới là “phần nổi của tảng băng chìm” vì khai khác khoáng sản là một trong những lĩnh vực sử dụng nhiều lao động phổ thông, không có giao kết hợp đồng lao động và chưa báo cáo, thống kê đầy đủ các vụ tai nạn lao động. Các vụ tai nạn như sập mỏ đá, mỏ khai thác đất thường khiến nhiều người lao động thiệt mạng cùng một lúc, nguyên nhân xuất phát từ cả phía người sử dụng lao động và người lao động.
Ông Nguyễn Hữu Hòa, Phó Trưởng phòng Thanh tra An toàn, vệ sinh lao động (Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, trong lĩnh vực khai thác khoáng sản xảy ra nhiều sai phạm về giao kết hợp đồng lao động, thậm chí nhiều nơi không tiến hành ký hợp đồng lao động. Theo ông Hòa, người lao động làm việc trong lĩnh vực khai khoáng chưa quen với phương thức sản xuất công nghiệp, khả năng nhận thức còn hạn chế. Một số lao động tại vị trí làm việc nguy hiểm như: Làm việc trên cao, tiếp xúc với vật liệu nổ, nguồn điện… nhưng chưa lường hết được nguy cơ tai nạn lao động. Vì vậy, họ đã vi phạm các quy định, quy trình quy chuẩn về an toàn lao động, không tự giác sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân dẫn đến gây tai nạn cho chính mình và những người xung quanh. Trong khi đó, người sử dụng lao động lại không xây dựng quy trình, biện pháp an toàn, vệ sinh an toàn lao động, không phổ biến hướng dẫn, huấn luyện an toàn lao động hoặc huấn luyện an toàn lao động chưa đẩy đủ cho người lao động, trước khi tiến hành công việc; không đảm bảo điều kiện, phương tiện bảo vệ cá nhân trong lao động và môi trường làm việc an toàn cho người lao động theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn…
Trước những tồn tại và bất cập trên và cũng xuất phát từ những thành công của Chiến dịch thanh tra năm 2015 trong lĩnh vực may mặc, Chiến dịch thanh tra năm 2016 trong lĩnh vực xây dựng, Chiến dịch thanh tra năm 2017 trong lĩnh vực điện tử, ngày 24/4/2018, Bộ LĐ-TB&XH đã phát động Chiến dịch thanh tra lao động năm 2018.
Do tai nạn lao động chết người trong lĩnh vực khai thác khóang sản làm vật liệu xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng vẫn chiếm tỷ lệ lớn, đứng thứ hai chỉ sau lĩnh vực xây dựng, vì vậy, chủ đề được chọn cho Chiến dịch thanh tra năm nay là “Tuân thủ pháp luật lao động trong khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng vì an toàn, sức khỏe người lao động”.
Năm 2018: Tập trung thanh tra lĩnh vực khai khoáng và sản xuất VLXD
Chiến dịch thanh tra lao động năm 2018 với chủ đề “Tuân thủ pháp luật lao động trong khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng vì an toàn, sức khỏe người lao động” nhằm mục đích nâng cao nhận thức và tăng cường tuân thủ các quy định của pháp luật lao động, pháp luật về an toàn vệ sinh lao động của người sử dụng lao động, người lao động và toàn thể xã hội; Cải thiện điều kiện làm việc của người lao động nhằm giảm thiểu rủi ro, sự cố gây mất an toàn vệ sinh lao động, giảm thiểu tai nạn lao động; Nâng cao năng lực cho hệ thống thanh tra lao động các cấp. Đồng thời nhằm tăng cường hoạt động thanh tra tại các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng từ đó kịp thời phát hiện, chẩn chỉnh, xử lý những hành vi vi phạm pháp luật về lao động, an toàn vệ sinh lao động; phát hiện những bất cập, sơ hở trong cơ chế, chính sách để kiến nghị với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền áp dụng các biện pháp khắc phục.
Theo đó, chiến dịch sẽ diễn ra trên địa bàn 63 tỉnh, thành phố. Trong đó, tại một số địa phương sẽ có sự tham gia trực tiếp của Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Tài nguyên và Môi trường theo kế hoạch thanh tra năm 2018 đã được phê duyệt. Các địa phương còn lại thực hiện chiến dịch dưới sự hướng dẫn trực tiếp về chuyên môn từ Thanh tra Bộ. Chiến dịch thanh tra lao động năm 2018 tập trung thanh tra trực tiếp ít nhất 500 doanh nghiệp khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng. Bên cạnh đó, Chiến dịch còn hướng tới thực hiện các mục tiêu cụ thể: Tăng cường số lượng các doanh nghiệp khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng được thanh tra. Đến hết năm 2018, giảm thiểu số vụ tai nạn lao động chết người tại doanh nghiệp khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng từ mức 19,5% số vụ và 18,2% số người chết (theo báo cáo tình hình tai nạn lao động 6 tháng đầu năm 2017) xuống còn từ 10 -15% số vụ nghiêm trọng và số người chết xuống dưới 10% vì tai nạn lao động trong cả nước. Cũng qua đợt thanh tra, các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực an toàn vệ sinh lao động mong muốn thanh tra viên lao động được trang bị kiến thức, kỹ năng thanh tra chuyên sâu về an toàn vệ sinh lao động trong khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng. Để thực hiện được các mục tiêu nêu trên, chiến dịch sẽ triển khai thực hiện ba hoạt động, đó là các hoạt động tuyên truyền; các hoạt động thanh tra tại doanh nghiệp và hoạt động giám sát, tổng kết.
Hoạt động tuyên truyền sẽ nhằm trang bị cho người sử dụng lao động, người lao động những kiến thức, kỹ năng cần thiết để thực hiện tốt chính sách và công tác an toàn vệ sinh lao động, qua đó nâng cao nhận thức về việc tuân thủ pháp luật, cải thiện điều kiện an toàn vệ sinh lao động cho người lao động.
Hoạt động thanh tra tại các doanh nghiệp khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng được thực hiện nhằm phát hiện kịp thời, xử lý những hành vi vi phạm pháp luật về lao động, an toàn vệ sinh lao động; phát hiện những bất cập, sơ hở trong cơ chế, chính sách để kiến nghị với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền áp dụng các biện pháp khắc phục.
Hoạt động giám sát, tổng kết, thanh tra LĐ-TB&XH và đối tác ba bên sẽ giám sát chặt chẽ quá trình triển khai chiến dịch ở các địa phương và chủ trì việc tổng kết, rút kinh nghiệm sau khi kết thúc chiến dịch. Để các cuộc thanh tra đi vào thực chất, thanh tra Bộ LĐ-TB&XH sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có cùng chức năng quản lý chuyên môn như Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, các cơ quan chức năng ở địa phương. Đến thời điểm hiện tại các địa phương đã thanh tra được 200 doanh nghiệp, thanh tra Bộ cũng đã tiến hành thanh tra được hơn 40 doanh nghiệp.