Đây là hoạt động thuộc phạm vi dự án “Tăng cường quản lý các yếu tố rủi ro có nguy cơ cao dẫn tới tai nạn giao thông và hậu quả lớn nhằm cải thiện an toàn giao thông đường bộ tại Việt Nam” do Hiệp hội An toàn giao thông đường bộ toàn cầu (GRSP) và Tổ chức Vận động chính sách y tế toàn cầu (GHAI) hỗ trợ kỹ thuật.
Hội thảo đánh dấu bước quan trọng góp phần hoàn thiện các quy định pháp luật về trật tự an toàn giao thông. Tham gia hội thảo là các đại biểu đến từ các Ủy ban, Hội đồng và cơ quan của Quốc hội bao gồm Ủy ban Pháp luật, Ủy bạn Tư pháp, Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban các vấn đề xã hội, Viện Nghiên cứu lập pháp, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, báo Đại biểu Nhân dân, từ các báo đài, viện nghiên cứu và các tổ chức quốc tế.
Tại hội thảo, Giáo sư Sử học Dương Trung Quốc chia sẻ: “Quá trình đô thị hóa ở Việt Nam gắn liền với giao thông vận tải. Vì thế, cần đặc biệt chú trọng đến tâm lý của dân chúng trong quá trình xây dựng và triển khai thực thi pháp luật để tránh những phản ứng tiêu cực của công chúng. Chúng ta cần có các chế tài phù hợp đảm bảo sự bình đẳng với tất cả mọi người. Giáo dục và truyền thông rất quan trọng trong quá trình tuyên truyền và thực thi pháp luật”.
Các đại biểu đã nghe báo cáo kỹ thuật chuyên sâu về các yếu tố hành vi nguy cơ cao gây mất an toàn giao thông đường bộ trong thực tiễn tại Việt Nam. Nội dung báo cáo bao gồm các bằng chứng khoa học, những kinh nghiệm quốc tế của Hiệp hội An toàn giao thông đường bộ toàn cầu (GRSP) và Tổ chức Vận động chính sách y tế toàn cầu (GHAI), và khuyến nghị các giải pháp giúp tăng cường an toàn giao thông để hoàn thiện các quy định pháp luật.
Ông Lưu Văn Đức, Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc Quốc hội phát biểu tại hội thảo: “Tôi đánh giá cao báo cáo kỹ thuật chuyên sâu, đồng thời hoàn toàn nhất trí với các khuyến nghị trong báo cáo. Tôi ủng hộ việc gửi các khuyến nghị này đến Quốc hội. Tôi cũng đồng tình với Giáo sư Dương Trung Quốc rằng điều quan trọng là phải thực hiện các chiến dịch truyền thông và các chương trình giáo dục phù hợp với các nhóm dân cư cụ thể. Chúng ta không chỉ nhắm vào việc xử phạt mà cần tuyên truyền nâng cao ý thức thái độ và sự tuân thủ của mọi người. Tôi cũng khuyến khích áp dụng công nghệ tiên tiến trong quá trình thực thi pháp luật”.
Bên cạnh các chia sẻ từ các nhà khoa học và chuyên gia hàng đầu trong nước về quy định pháp luật hiện hành, điểm ưu việt cũng như các tồn tại, bất cập, hội thảo còn có sự tham gia của Tiến sĩ Roberto Araneta Valera, Cục phó Cục Thực thi pháp luật, Vụ Giao thông đường bộ và Tiến sĩ Natasha Daphne Marcelo, Quản lý dự án ATGT, Tổ chức ImagineLaw chia sẻ kinh nghiệm thực tế trong quá trình xây dựng các quy định và thực thi pháp luật liên quan tới thiết bị an toàn cho trẻ em trên các phương tiện cơ giới tại Philippines.
Báo cáo kỹ thuật chuyên sâu của dự án có thể là tài liệu tham khảo đối với các nhà quản lý xây dựng chính sách trong việc hoàn thiện các quy định và giải pháp nâng cao an toàn giao thông tại Việt Nam, đảm bảo thực hiện mục tiêu an toàn giao thông đem lại cuộc sống hạnh phúc cho mọi người dân. Các khuyến nghị chính liên quan đến 5 yếu tố hành vi có nguy cơ gây mất an toàn giao thông trong báo cáo kỹ thuật chuyên sâu bao gồm:
Thiết bị an toàn cho trẻ em: Trẻ em có chiều cao dưới 135cm và dưới 12 tuổi được chở trên xe ôtô cá nhân bắt buộc phải được bảo vệ bằng các thiết bị an toàn phù hợp với chiều cao và độ tuổi và không được phép ngồi hàng ghế của người lái xe ở tất cả các phương tiện cơ giới
Dây an toàn: Tất cả các ghế trên xe ôtô đều phải có dây an toàn. Yêu cầu tất cả người ngồi trên xe ôtô (gồm cả lái xe và hành khách cả ghế trước và ghế sau) đều phải thắt dây an toàn đúng cách.
Quản lý nồng độ cồn: Các hành vi vi phạm quy định nồng độ cồn ở mức đặc biệt nghiêm trọng kể cả khi chưa gây hậu quả cũng cần được xem xét truy tố xử lý hình sự. Cần Lưu trữ hồ sơ vi phạm và quản lý chặt chẽ tái phạm và xử phạt lũy tiến đối với các hành vi tái phạm vi phạm nồng độ cồn.
Quản lý tốc độ: Quy định thống nhất tốc độ khu vực đô thị và khu vực đông dân cư xuống 50 km/h với tất cả các loại đường. Tại khu vực có tình trạng giao thông phức tạp như trường học, giảm tốc độ giới hạn xuống 30km/. Đồng thời cần quy định cụ thể tốc độ tối đa của từng loại phương tiện trên cao tốc theo hướng tốc độ của xe khách và xe tải phải thấp hơn xe con
Mũ bảo hiểm: Duy trì quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn với tất cả người ngồi trên xe mô tô, xe máy, xe đạp điện, xe máy điện; Bổ sung quy định xử phạt về hành vi không đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn cho trẻ em dưới 6 tuổi trên xe mô tô xe máy.