![](https://cdnphoto.dantri.com.vn/nFQP2asJiB1DwngjiAIx8r4h-LM=/thumb_w/680/2024/01/31/img0069-1706681723703.jpg)
Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung thăm và tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng. Ảnh: Mạnh Dũng
Ông Đào Ngọc Lợi cho hay, các hoạt động sẽ được tổ chức trang trọng, thiết thực, hiệu quả; phân công rõ trách nhiệm các cơ quan, đơn vị trong tổ chức, triển khai thực hiện.
Ở Trung ương, tập trung vào 3 hoạt động chính gồm:
Một là, hoàn thiện dự thảo pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng sửa đổi.
Pháp lệnh Ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa IX thông qua ngày 29 tháng 8 năm 1994. Từ đó đến nay, Pháp lệnh đã được sửa đổi 6 lần qua các năm 1998, 2000, 2002, 2005, 2007, 2012 và được đổi tên thành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sau đây gọi là Pháp lệnh) để phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước qua từng thời kỳ.
“Đến thời điểm hiện nay, công tác thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng tiếp tục đặt ra các yêu cầu mới, đòi hòi cần tiếp tục hoàn thiện. Quan điểm sửa đổi lần này là không mở rộng mà giữ nguyên các đối tượng ảnh hưởng được hưởng ưu đãi. Tuy nhiên, có chuẩn hóa các điều kiện, tiêu chuẩn công nhận người có công trong thời chiến và thời bình để đảm bảo xác định đúng đối tượng, không để sót đối tượng và khắc phục tình trạng lọt đối tượng và lợi dụng chính sách ưu đãi người có công để trục lợi; bảo đảm nguyên tắc cống hiến và công bằng trong thực hiện chế độ ưu đãi người có công, đồng thời bổ sung các chế độ chính sách còn chưa được ghi nhận trong Pháp lệnh hiện hành. Hiện nay, dự thảo Pháp lệnh đã hoàn thiện và được đăng tải trên website của Chính phủ và cổng thông tin của Bộ”, ông Đào Ngọc Lợi nói.
Ông Lợi thông tin thêm, pháp lệnh lần này đã xin ý kiến rất rộng rãi của các Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, UBND các địa phương, các Sở LĐTBXH. “Từng đơn vị chúng tôi có những yêu cầu khác nhau, ví dụ Đoàn đại biểu Quốc hội đi sâu vào thảo luận, góp ý về kỹ thuật, nội dung liên quan, UBND các tỉnh thì lấy ý kiến rộng rãi của các ban, ngành. Với các Sở LĐTBXH thì lấy ý kiến của những người trực tiếp làm công tác người có công ở địa phương… Dự kiến tháng 9 năm nay sẽ trình Chính phủ. Sau khi Chính phủ thông qua, sẽ tiếp tục trình Quốc hội ban hành vào tháng 11 năm 2019.
Hoạt động trọng tâm thứ hai là tổ chức Lễ trao bằng Tổ quốc ghi công tại Vĩnh Long. Song song với đó là trao tặng nhà tình nghĩa, tổ chức thăm hỏi người có công trên địa bàn tỉnh.
Hoạt động trọng tâm thứ ba là tổ chức gặp mặt, tuyên dương thương binh nặng tiêu biểu đối với 500 thương binh nặng, mất sức lao động 81% trở lên tại Hà Nội. Chương trình sẽ được tổ chức tại Trung tâm hội nghị Quốc gia Mỹ Đình và truyền hình trực tiếp trên sóng VTV1.
Trong tháng 7/2019, Bộ LĐTBXH sẽ phối hợp với các địa phương tổ chức thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách và các trung tâm nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng.
Bộ LĐTBXH, Bộ Quốc phòng chủ trì phối hợp các bộ, ngành liên quan và địa phương tập trung rà soát, giải quyết hồ sơ còn tồn đọng sau chiến tranh, phấn đấu đến hết năm 2019 giải quyết căn bản đối với hồ sơ đề nghị công nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh.
Bộ Xây dựng chủ trì phối hợp với Bộ LĐTBXH, Bộ Tài chính, các bộ, ngành liên quan và địa phương tiếp tục triển khai việc hỗ trợ người có công với cách mạng có khó khăn về nhà ở theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ, phấn đấu đến hết năm 2019 cơ bản hoàn thành việc hỗ trợ.
Bộ Quốc phòng, Bộ LĐTBXH phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan và các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác rà phá bom mìn; tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, đồng thời đẩy nhanh tiến độ xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin.
Bộ LĐTBXH phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, các cơ quan thông tấn, báo chí phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về ưu đãi người có công với cách mạng; gương điển hình người tốt việc tốt trong công tác người có công với cách mạng; người có công vượt khó vươn lên làm kinh tế giỏi, đặc biệt là những tấm gương thương binh nặng; các tập thể, đơn vị, xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ…
![](https://cdnphoto.dantri.com.vn/uXROH7Vheb15Ao7cxhG2YF247Oo=/thumb_w/680/2024/01/31/ba-chi-1706681723705.jpg)
Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Lê Tấn Dũng thăm và tặng quà mẹ liệt sĩ. Ảnh Thảo Vân
Nhân dịp này, Chủ tịch nước đã ban hành quyết định về việc tặng quà cho đối tượng người có công với cách mạng nhân dịp kỷ niệm 72 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2019) với tổng kinh phí là hơn 332,5 tỷ đồng.
Gần đây nhất, ngày 1/7/2019, Chính phủ ban hành Nghị định 58/2019/NĐ-CP quy định mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng. Theo đó, mức chuẩn để xác định các mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng theo quy định tại Nghị định 58/2019/NĐ-CP là 1.624.000 đồng (quy định cũ tại Nghị định 99/2018/NĐ-CP là 1.515.000 đồng). Nghị định 58/2019/NĐ-CP cũng quy định rõ về mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi hàng tháng. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/8/2019.
Tại địa phương, căn cứ điều kiện cụ thể của từng địa phương, UBND các tỉnh, thành phố có trách nhiệm chủ động tổ chức các hoạt động kỷ niệm tập trung các hoạt động cơ bản như: Tổ chức gặp mặt, thăm hỏi, tri ân, biểu dương người có công với cách mạng; tập trung rà soát, giải quyết căn bản dứt điểm các hồ sơ còn tồn đọng theo chỉ đạo của trung ương; thực hiện đầy đủ, kịp thời chế độ ưu đãi; thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, xử lý nghiêm những trường hợp lợi dụng chính sách ưu đãi người có công để trục lợi; Tập trung tu bổ, sửa chữa nâng cấp các công trình ghi công liệt sĩ; Tổ chức thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ, dâng hương tại các nghĩa trang liệt sĩ trên toàn quốc vào 20 giờ, ngày 26/7/2019; Vận động xây dựng Qũy Đền ơn đáp nghĩa…
Minh Châu/TC GĐ&TE