Tại TP.HCM
Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử TPHCM Nguyễn Thị Lệ cho biết, TP.HCM đã cơ bản hoàn tất công tác chuẩn bị bầu cử. Lần bầu cử này, thành phố có 10 đơn vị bầu cử ĐBQH với 50 ứng cử viên và 32 đơn vị bầu cử ĐBHĐND với 158 ứng cử viên. Đến nay, hoạt động tiếp xúc giữa người ứng cử với cử tri để vận động bầu cử cơ bản hoàn thành. Nhìn chung, cử tri đánh giá rất cao chương trình hành động của các ứng cử viên.
Ủy ban Bầu cử Thành phố cũng đã chuẩn bị phương án bỏ phiếu trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 phức tạp hơn. Phương án cho 4 tình huống: Tổ chức bầu cử tại các khu vực, địa điểm bỏ phiếu; tổ chức bầu cử cho cử tri cách ly tại nhà; tổ chức bầu cử tại khu vực cách ly tập trung và nơi thực hiện cách ly xã hội, hoặc phong tỏa; và bầu cử tại bệnh viện, cơ sở y tế điều trị cho bệnh nhân nghi ngờ hay xác định mắc Covid-19.
Cụ thể, vào ngày bầu cử, nếu địa điểm bỏ phiếu đang phải thực hiện giãn cách xã hội, tổ bầu cử sẽ tăng cường vệ sinh, khử khuẩn khu vực tổ chức bầu cử, khử khuẩn phiếu bầu và thùng phiếu, bảo đảm yêu cầu về giãn cách. Cùng với đó, triển khai phân luồng ra-vào một chiều, bố trí thời gian bỏ phiếu và phân luồng từ xa cho cử tri của từng khu vực, điểm dân cư.
Đối với các khu vực cách ly tập trung và nơi thực hiện cách ly xã hội, hoặc bị phong tỏa, việc tổ chức bầu cử bảo đảm nghiêm ngặt các điều kiện, biện pháp phòng chống dịch, như: Bố trí thùng phiếu ở vị trí phù hợp, có hàng rào ngăn cách, tổ chức các thùng phiếu lưu động và nhất là người phục vụ bầu cử phải sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân đầy đủ trong khi làm nhiệm vụ, được xét nghiệm SARS-CoV-2 trước và sau khi thực hiện nhiệm vụ.
Với cử tri đang cách ly tại nhà, Tổ bầu cử sẽ tổ chức thùng phiếu lưu động, hướng dẫn cách thức bầu cử theo quy trình, bảo đảm hạn chế tối đa tiếp xúc gần và người phục vụ bầu cử sử dụng các phương tiện phòng hộ cá nhân đầy đủ trong khi làm nhiệm vụ.
Trong khi đó, tại các bệnh viện, cơ sở y tế điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19, nếu đủ điều kiện và được Hội đồng Bầu cử cho phép tổ chức điểm bầu cử riêng thì nơi đó phải thực hiện nghiêm ngặt, đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch tại điểm bỏ phiếu, tránh lây nhiễm trong quá trình bầu cử.
Hiện tại, ngoài việc chuẩn bị và triển khai các yêu cầu phục vụ bầu cử, ngành y tế thành phố cũng đang rà soát, thống kê các khu vực cách ly, số lượng người đang cách ly để bảo đảm việc triển khai các phương án bỏ phiếu theo quy định và nhất là theo diễn biến tình hình dịch trên địa bàn thành phố.
Đến thời điểm này, có thể nói, công tác chuẩn bị cho kỳ bầu cử ĐBQH và ĐBHĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đã cơ bản hoàn thành. TPHCM đã sẵn sàng cho Ngày hội lớn của toàn dân.
Tại Đồng Nai:
Đồng Nai là tỉnh có đông đồng bào Công giáo nhất cả nước với hơn một triệu giáo dân. Thời gian qua, với sự tuyên truyền sâu rộng, bà con đã nhận thức sâu sắc về quyền và nghĩa vụ tham gia bầu cử, hướng về Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp, nhiệm kỳ 2021 - 2026 với tâm thế phấn khởi.
Thời gian gần đây, tại các giáo xứ trên địa bàn xã treo rất nhiều băng rôn, khẩu hiệu chào mừng, tuyên truyền liên quan đến bầu cử. Danh sách ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp cũng được niêm yết tại các nhà thờ.
Linh mục Trần Phúc Thịnh, Chánh xứ Giáo xứ Đức Huy, xã Gia Tân 1 cho biết: "Trong các thánh lễ, tôi luôn nhắc nhở đồng bào về bầu cử; đề nghị bà con đọc, nghiên cứu kỹ danh sách ứng cử viên được niêm yết tại giáo xứ. Bầu cử là bổn phận của mọi cử tri, đồng bào Công giáo phải tham gia cho tốt, đến ngày bầu cử mọi người cố gắng sắp xếp công việc, đi bầu sớm."
Theo nhận thức của ông Trần Thiện Cường ở Giáo xứ Đức Huy, đi bầu cử là trách nhiệm của mọi cử tri. Ngoài đi bầu cử đầy đủ, cử tri còn phải có trách nhiệm với lá phiếu của mình, không để người khác bầu hộ, bầu thay.
Danh sách các ứng cử viên được niêm yết ngay trong giáo xứ nên ông Cường có nhiều thời gian để tìm hiểu. Đến ngày bầu cử, ông sẽ bỏ phiếu cho những người mà ông tin tưởng lựa chọn.
Theo số liệu thống kê của Ủy ban bầu cử tỉnh đến ngày 13/5, toàn tỉnh có tổng số cử tri là 2.246.874 người, trong đó thường trú là 1.952.943 người; tạm trú là 293.931 người thực hiện quyền bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 vào ngày 23/5.
Toàn tỉnh có 20 người ứng cử đại biểu Quốc hội (trong đó có 6 người do Trung ương giới thiệu và 14 người do địa phương giới thiệu) được phân bổ về 4 đơn vị bầu cử; có 135 người ứng cử đại biểu HĐND cấp tỉnh (1 người tự ứng cử) được phân bổ về 27 đơn vị bầu cử; có 630 người ứng cử đại biểu HĐND cấp huyện được phân bổ về 95 đơn vị bầu cử; 7.466 người ứng cử đại biểu HĐND cấp xã (1 người tự ứng cử) được phân bổ về 1.157 đơn vị bầu cử. Toàn tỉnh có 1.492 tổ bầu cử.
Để chuẩn bị chu đáo cho ngày hội non sông, trong suốt nhiều tháng qua, bám sát các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, tỉnh đã rất nghiêm túc, tích cực lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết cho việc bầu cử. Nhờ đó, các công việc chuẩn bị cho bầu cử được hoàn tất, đúng tiến độ, yêu cầu để đảm bảo cho ngày bầu cử 23-5 diễn ra thành công, tốt đẹp.
Đặc biệt, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 rất phức tạp, tỉnh đã chủ động xây dựng các phương án, dự lường các tình huống liên quan đến dịch bệnh Covid-19 và tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; tập trung bảo đảm thông tin thông suốt, kịp thời, chính xác; kiên quyết không để các thế lực thù địch, phản động lôi kéo quần chúng, phá hoại cuộc bầu cử…, đảm bảo tổ chức thành công cuộc bầu cử.
Tại Bình Dương
Theo Ủy ban Bầu cử tỉnh, cùng với cả nước, ngày mai (23-5), toàn tỉnh có 1.719.918 cử tri đi bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 tại 1.100 khu vực bỏ phiếu trên địa bàn tỉnh. Trong đó, có 22 tổ đặc thù và tổ bầu cử tại khu vực bỏ phiếu trong khu cách ly tập trung để thực hiện công tác bầu cử.
Ủy ban Bầu cử tỉnh đã ban hành Kế hoạch 122/ KH-UBBC truyền hình trực tiếp bầu cử trong buổi sáng ngày 23-5 tại 4 điểm cầu, gồm: Ấp Phú Thuận, xã Phú An, TX.Bến Cát; khu phố 6, phường Hiệp Thành, TP.Thủ Dầu Một; khu phố Khánh Hòa, phường Tân Phước Khánh, TX.Tân Uyên; trường THCS Mỹ Phước, phường Mỹ Phước, TX.Bến Cát.
Cơ quan Thường trực Ủy ban Bầu cử tỉnh tiếp tục đôn đốc, nhắc nhở các địa phương tiếp tục rà soát, cập nhật tình hình dân số, cử tri đến ngày 22-5, đặc biệt là đối với sự biến động cử tri tại các khu cách ly tập trung. Đến nay, toàn tỉnh đã thành lập 1.100 tổ bầu cử ở 1.100 khu vực bỏ phiếu với số lượng thành viên từ 11 đến 21 người/tổ; trong đó có 22 tổ đặc thù (bao gồm 16 tổ đặc thù là lực lượng vũ trang và 6 tổ đặc thù là các cơ sở cai nghiện, trại giam) với số lượng thành viên từ 5 đến 9 người/tổ. Để thực hiện phương án tổ chức cho cử tri trong các khu cách ly tập trung đi bầu cử, Ủy ban Bầu cử tỉnh đã chỉ đạo cho UBND cấp xã kiện toàn, bổ sung kịp thời thành viên tổ bầu cử tại khu vực bỏ phiếu có khu cách ly tập trung để thực hiện công tác bầu cử.
Đối với công tác chuẩn bị cơ sở vật chất cho cuộc bầu cử, đến nay Tiểu ban Nội dung - Tài chính - Hậu cần đã trang bị cho 1.100 khu vực bỏ phiếu trên toàn tỉnh. Về con dấu, Tiểu ban Nội dung - Tài chính - Hậu cần đã hoàn thành việc cấp phát đầy đủ các loại con dấu cho 101 Ủy ban Bầu cử các cấp, 780 Ban bầu cử các cấp, 1.100 dấu Tổ bầu cử và 1.100 dấu “Đã bỏ phiếu”.
Về hòm phiếu, Ủy ban Bầu cử tỉnh đã cấp phát 2.200 hòm phiếu chính và 2.200 hòm phiếu phụ, trong đó có 1.100 hòm phiếu nhỏ để thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Công tác in ấn các loại tài liệu, mẫu biểu phục vụ công tác bầu cử đã được cấp phát đầy đủ cho các tổ bầu cử.
Để vận hành tốt phần mềm tổng hợp kết quả bầu cử và ứng dụng báo cáo tiến độ cử tri đi bầu cho ngày 23-5, Ủy ban Bầu cử tỉnh chỉ đạo Tiểu ban Nội dung - Tài chính - Hậu cần phối hợp với Ủy ban Bầu cử cấp huyện đã thực hiện xong tổng diễn tập đồng loạt, kiểm tra kết quả tổng hợp trên toàn tỉnh.
Tại Bến Tre
Bí thư Tỉnh ủy Phan Văn Mãi, Chủ tịch HĐND tỉnh Bến Tre cho biết, hiện tại công tác lập, niêm yết danh sách cử tri, ứng cử viên, giải quyết khiếu nại, tố cáo và chuẩn bị các điều kiện vật chất phục vụ bầu cử được thực hiện kịp thời, đầy đủ, đảm bảo phục vụ tốt cuộc bầu cử. Công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội và y tế chuẩn bị cho công tác bầu cử được quan tâm, thực hiện tốt. Đến nay, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác chuẩn bị bầu cử.
Ngày 23-5-2021 tới, trên 995 ngàn cử tri trong toàn tỉnh sẽ cùng với cả nước đi bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021 - 2026, tại 1.286 khu vực bỏ phiếu trong toàn tỉnh.
Đến giờ này, công tác chuẩn bị đã được tiến hành theo luật định, đúng hướng dẫn và đảm bảo tiến độ kế hoạch đề ra. Từ công tác thành lập các tổ chức bầu cử, hiệp thương giới thiệu người ra ứng cử, hoàn thiện hồ sơ của người ứng cử, rà soát, niêm yết danh sách cử tri, tổ chức cho người ứng cử tiếp xúc với cử tri, giới thiệu chương trình hành động, cũng như các công việc khác như tiếp nhận giải quyết các khiếu nại, tố cáo của cử tri có liên quan đến người ứng cử, công tác bầu cử.
Tại Cần Thơ
Sáng 21/5, đồng chí Trần Việt Trường, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo công tác bầu cử thành phố, cùng đại diện các sở, ngành liên quan đến kiểm tra công tác chuẩn bị bầu cử tại quận Thốt Nốt.
Ðồng chí Chủ tịch UBND thành phố đã đến kiểm tra việc bố trí khu vực bầu cử, trang trí phòng bỏ phiếu, rà soát, cập nhật, điều chỉnh, bổ sung danh sách cử tri, tình hình dư luận trong nhân dân đối với cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và HÐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, công tác thông tin, tuyên truyền về bầu cử và phát thẻ cử tri, vận động cử tri đi bỏ phiếu đúng thời gian quy định; công tác đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống dịch Covid-19 tại địa phương và các khu vực bỏ phiếu.
Chủ tịch UBND thành phố Trần Việt Trường đánh giá cao công tác chuẩn bị bầu cử của quận Thốt Nốt, đặc biệt trong tuyên truyền có nhiều ý tưởng, cách làm sáng tạo. Ðồng thời, đề nghị tiếp tục tăng cường thông tin về danh sách, tiểu sử các ứng cử viên, thời gian, địa điểm, quy trình bầu cử gắn với thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, chú ý phù hợp với từng địa bàn, đối tượng cụ thể, trong đó có các tôn giáo, vì Thốt Nốt có hơn 80% đồng bào theo đạo.
Tại Cà Mau
Ông Lê Quân, Phó Bí thư tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch UBBC tỉnh Cà Mau cho biết, đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho ngày bầu cử trên địa bàn tỉnh đã cơ bản hoàn thành. UBBC tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo hoàn thiện các công việc để chuẩn bị tốt nhất cho công tác bầu cử, trong đó chú trọng đến một số nội dung như: Công tác phòng chống dịch Covid-19; rà soát, kiểm tra việc chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất và các điều kiện cần thiết để phục vụ bầu cử; chú trọng tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ công tác bầu cử thật sâu sát, cụ thể, kỹ lưỡng cho các tổ chức phụ trách bầu cử, nhất là Tổ bầu cử.
Về chất lượng, nhìn chung, những người ứng cử đảm bảo đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định và có trình độ cao hơn so với các nhiệm kỳ trước. Cụ thể: Đối với người ứng cứ đại biểu HĐND cấp tỉnh thì tỷ lệ người có trình độ trên Đại học chiếm tới 46,59%, tỉ lệ này ở nhóm người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV là 61,54%. Với người ứng cử đại biểu HĐND cấp huyện thì tỷ lệ ứng viên có trình độ trên Đại học là 14,37%, Đại học là 77,94% và chỉ có 7,69% người ứng cử có trình độ dưới Đại học. Riêng đối với cấp xã thì trình độ ứng viên có tỉ lệ trên Đại học là 1,49%, Đại học là chiếm 53,87%.
Ngoài ra, danh sách ứng viên cũng thể hiện tương đối hài hòa về cơ cấu như tỷ lệ về nữ giới, nhóm trẻ tuổi (dưới 40), người ngoài Đảng, người dân tộc thiểu số... Cụ thể: Người ứng cử đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2021 - 2026 có 44,32% là nữ giới; người ngoài Đảng là 10,23%; dưới 40 tuổi là 34,09%; người dân tộc thiểu số là 7,95%; tôn giáo là 5,68%.
Có thể nói rằng, đến thời điểm hiện tại, các địa phương, đơn vị đã xây dựng xong kế hoạch phòng, chống dịch Covid-19, an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường và chất lượng nước, sẵn sàng phục vụ cho bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 trên địa bàn tỉnh Cà Mau.