Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Các tỉnh thành chủ động triển khai chi trả gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ đúng đối tượng

(Dân sinh) - Với phương châm kịp thời, minh bạch, không để sót đối tượng, các tỉnh thành đã chủ động, kịp thời rà soát và đẩy nhanh tiến độ thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Giải ngân nhanh giúp người lao động đỡ khó khăn

Gói an sinh lần 2 trị giá 26 nghìn tỷ đồng được kỳ vọng giải ngân nhanh, để tiếp thêm động lực giúp người lao động (NLĐ), doanh nghiệp (DN), vốn đang chật vật chống đỡ dịch bệnh Covid-19.

Các tỉnh thành chủ động triển khai chi trả gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ đúng đối tượng - Ảnh 1.

Nhiều người bán vé số lẻ đã được nhận hỗ trợ

Một số địa phương triển khai gói an sinh 26 nghìn tỷ đồng rất nhanh, với hàng nghìn người đã nhận được tiền hỗ trợ, như: TP.HCM, An Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Bến Tre, Cần Thơ...

Ông Châu Văn Ly, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH An Giang cho biết, khoảng 8.600 người bán vé số lẻ trên địa bàn tỉnh đã được nhận hỗ trợ, tổng tiền 12,9 tỷ đồng. Các nhóm LĐ khác như tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không lương, ngừng việc... cũng song song triển khai hỗ trợ. Riêng LĐ tự do (trừ người bán vé số), rà soát sơ bộ có trên 42.900 người, dự kiến hỗ trợ 73 tỷ đồng.

Tại Long An, bà Nguyễn Hồng Mai, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho hay, đã rà soát và chi hỗ trợ trực tiếp cho 20.486 LĐ tự do, tổng kinh phí đã chi trên 16,7 tỷ đồng (trong đó có 10.362 người bán vé số lẻ đã được nhận trên 7,7 tỷ đồng). Về hỗ trợ tiền ăn với người cách ly y tế (F0, F1), theo bà Mai, toàn tỉnh có trên 5.300 người, tổng tiền hỗ trợ hơn 8,9 tỷ đồng...

Các tỉnh thành chủ động triển khai chi trả gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ đúng đối tượng - Ảnh 2.

Người lao động tự do được nhận tiền hỗ trợ

Còn theo Sở LĐ-TB&XH Bà Rịa - Vũng Tàu, tới nay đã chuyển 284 tỷ đồng cho cấp huyện để chi hỗ trợ NLĐ theo gói an sinh lần 2. Các địa phương ở Bà Rịa-Vũng Tàu đã lập danh sách trên 30.200 người thuộc diện hỗ trợ. Ngoài ra, có trên 3.700 người bán vé số lẻ đã nhận hơn 2,8 tỷ đồng. Tương tự, tại Bến Tre, hơn 7.100 người bán vé số lẻ được hỗ trợ 3,5 tỷ đồng; Cần Thơ đã chi hỗ trợ hơn 5.600 người bán vé số lẻ với tổng tiền hơn 6,8 tỷ đồng...

Lào Cai triển khai chi trả gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ đúng đối tượng

Để Nghị quyết 68/NQ-CP sớm đi vào cuộc sống, UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành Kế hoạch số 303 ngày 16/7/2021 về triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Các tỉnh thành chủ động triển khai chi trả gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ đúng đối tượng - Ảnh 3.

Gói an sinh xã hội hơn 26 nghìn tỷ đồng được chuyển đến đúng đối tượng trong thời gian sớm nhất

Theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Lào Cai, với gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ này, lần đầu tiên nhiều đối tượng LĐ được nhận hỗ trợ từ Nhà nước; đó là hỗ trợ một lần đối với đạo diễn nghệ thuật, diễn viên, họa sỹ giữ chức danh nghề nghiệp hạng IV, hướng dẫn viên du lịch được cấp thẻ hành nghề bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Việc mở rộng phạm vi, hình thức, đối tượng được hỗ trợ là minh chứng cụ thể nhất cho quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước đó là "không để ai bị bỏ lại phía sau" không chỉ trong đại dịch mà còn trong bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào.

Ông Nguyễn Sơn Bình - Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai cho biết, đơn vị đã tổng hợp hồ sơ của 32 LĐ hoạt động nghệ thuật  (nhóm 9) để thực hiện chính sách hỗ trợ viên chức hoạt động nghệ thuật, gửi Sở LĐ-TB&XH thẩm định, trình UBND tỉnh và đã được phê duyệt với tổng số tiền hỗ trợ 118,72 triệu đồng. Gói hỗ trợ này là sự động viên lớn lao cho các nghệ sỹ khi hoạt động của đoàn nghệ thuật gần như phải tạm dừng trong vòng hơn 1 năm trở lại đây.

Theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Lào Cai, tính đến ngày 5/8, toàn tỉnh đã rà soát bước đầu thống kê có trên 2.000 đối tượng, DN thuộc các nhóm được hỗ trợ theo Nghị quyết 68/NQ-CP với số tiền hỗ trợ trên 9,9 tỷ đồng. Trong đó, thực hiện chính sách giảm mức thu Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (nhóm 1) cho 1.359 đơn vị, doanh nghiệp với tổng số tiền được giảm mức đóng 12 tháng (từ tháng 7/2021 đến tháng 6/2022) hơn 8,94 tỷ đồng; số đối tượng được hỗ trợ từ nhóm 4 đến nhóm 11 được các đơn vị trong tỉnh tổng hợp theo Nghị quyết 68/NQ-CP là trên 600 người với số tiền hỗ trợ trên 1 tỷ đồng. Đến nay, toàn tỉnh đã có 1.693 đối tượng, DN được cấp có thẩm quyền phê duyệt với số tiền chi trả trên 1,34 tỷ đồng.

Thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh Lào Cai về việc triển khai thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP; ông Nguyễn Đức Bình, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Bát Xát cho biết: đến nay, toàn huyện đã có 46 đối tượng được phê duyệt hỗ trợ với kinh phí trên 117 triệu đồng; trong đó có 1 trẻ em trong khu cách ly, 12 người cách ly y tế và điều trị Covid-19 (nhóm 7,8) và 33 hộ kinh doanh (nhóm 10).

Theo ông Đường Minh Tấn, Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Lào Cai: Chỉ trong tháng 7/2021, Bảo hiểm xã hội tỉnh đã thực hiện chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (nhóm 1) cho 1.301 DN có 23.839 LĐ với số tiền trên 697 triệu đồng.

Bà Nguyễn Thị Thu, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội  Chi nhánh tỉnh Lào Cai cho biết: Thực hiện Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; đơn vị đã tập trung rà soát đối tượng, triển khai tuyên truyền, hướng dẫn các thủ tục hồ sơ vay vốn đến khách hàng đảm bảo công khai, minh bạch, cho vay đúng đối tượng thụ hưởng, kịp thời. Ngày 24/7/2021, Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh Lào Cai nhận được hồ sơ của Trường Mầm non Hải Phượng (TP Lào Cai) đề nghị được vay vốn để trả lương ngừng việc và phục hồi sản xuất, kinh doanh. Qua thẩm định, hồ sơ của đơn vị đầy đủ yếu tố pháp lý, đủ điều kiện được Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh Lào Cai phê duyệt cho vay với số tiền 77,7 triệu đồng. Lãi suất cho vay là 0%/năm. Thời hạn cho vay là 11 tháng, hạn trả cuối cùng đến 28/6/2022.

Theo Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đinh Văn Thơ: Sau khi tiếp nhận hồ sơ của các đơn vị, cá nhân đủ điều kiện, Sở tập trung thẩm định với thời gian ngắn nhất xong vẫn đảm bảo đúng đối tượng và trình UBND tỉnh phê duyệt để doanh nghiệp, NLĐ sớm được thụ hưởng chính sách. Hiện chỉ còn chính sách nhóm 12 tại Nghị quyết số 68/NQ-CP: Hỗ trợ đối tượng NLĐ không có giao kết hợp đồng LĐ (LĐ tự do) là cần rà soát và có sự tham mưu kỹ của các địa phương, ngành liên quan. Tuy nhiên, các địa phương trong tỉnh đang gấp rút rà soát, lập danh sách, thẩm định đảm bảo đúng đối tượng, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt để người dân được động viên, chia sẻ kịp thời bằng gói hỗ trợ của Chính phủ.

Đắk Lắk triển khai gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ đồng theo hình thức cuốn chiếu

Hiện tỉnh Đắk Lắk đang rà soát thống kê đối tượng, xây dựng kế hoạch để NLĐ dễ dàng tiếp cận chính sách, bảo đảm tính khả thi, hiệu quả của chính sách và nguồn lực để thực hiện.

Ông Trần Tiến (phường Tân Lập, TP.Buôn Ma Thuột) nói: "Tôi chạy xe ôm hơn 20 năm mà chưa thấy cái khổ như thế này bao giờ. Thường ngày, tôi chạy xe kiếm được 200.000 đ – 300.000 đ nhưng từ khi áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 thì tôi và vợ đi làm thuê ở quán nhậu cũng chỉ ngồi nhà mà không có tiền mua cái ăn cho 2 con. Tôi mong sớm được nhận hỗ trợ này của Chính phủ."

Ông Trần Văn Bích - Giám đốc Công ty TNHH Môi trường Đông Phương (TP.Buôn Ma Thuột) cho biết: "Đơn vị có tổng cộng 214 công nhân đang làm việc, ngay khi chính quyền thành phố áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 16 thì họ vấp phải nhiều khó khăn. Hiện, chủ doanh nghiệp chỉ cố gắng duy trì mức lương cơ bản cho họ còn lại thưởng và bồi dưỡng hàng tháng đều cắt hết vì không có nguồn thu. Nhiều người có cuộc sống rất khó khăn. Tôi mong người lao động của đơn vị nằm trong nhóm đối tượng được hưởng gói 26 nghìn tỉ đồng, sẽ sớm nhận tiền thụ hưởng, để vượt qua khó khăn".

Các tỉnh thành chủ động triển khai chi trả gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ đúng đối tượng - Ảnh 4.

"Siêu thị 0 đồng" đã đi vào hoạt động để phục vụ bà con khó khăn

Lãnh đạo Phòng Lao động, Việc làm và Giáo dục nghề nghiệp (thuộc Sở LĐ-TB&XH, tỉnh Đắk Lắk) cho hay, mục tiêu của địa phương là bảo đảm hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách. Mỗi đối tượng chỉ được hưởng một lần trong một chính sách hỗ trợ. NLĐ được hỗ trợ một lần bằng tiền (trừ các đối tượng hưởng chính sách bổ sung) chỉ được hưởng một chế độ hỗ trợ; không hỗ trợ đối tượng tự nguyện không tham gia.

NLĐ làm việc ở TP.HCM hay các địa phương khác khi trở về nhà ở Đắk Lắk vẫn được đăng ký, làm thủ tục nhận tiền hỗ trợ ở địa phương nếu chưa nhận ở các tỉnh, thành trước đó công tác.

Đối với chính sách hỗ trợ lao động không có giao kết hợp đồng LĐ (LĐ tự do) tỉnh cũng sẽ triển khai các tiêu chí, điều kiện thuận lợi để NLĐ dễ dàng tiếp cận chính sách; bảo đảm tính khả thi, hiệu quả của các chính sách và nguồn lực để thực hiện.

"Các sở, ban ngành liên quan định kỳ hàng tháng sẽ báo cáo tình hình thực hiện, đề xuất giải pháp xử lý những vướng mắc phát sinh gửi Sở LĐ-TB&XH tỉnh trước ngày 20 hàng tháng để tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan khác có liên quan nhằm đảm bảo tính minh bạch, tiền phải đến tay người dân. Hiện việc lập danh sách đang thực hiện, trình UBND tỉnh phê duyệt. Địa phương sẽ chi hỗ trợ theo hình thức cuốn chiếu, với phương châm sẽ hỗ trợ sớm nhất đến người dân, đúng đối tượng", lãnh đạo Phòng Lao động, Việc làm và Giáo dục nghề nghiệp nhấn mạnh.

Việt Cường 
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ