Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ vừa có chỉ thị về tổ chức kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2016 đối với các cơ sở giáo dục đại học.
Ông Nhạ yêu cầu các trường được giao nhiệm vụ chủ trì cụm thi phối hợp với sở giáo dục bố trí đầy đủ cán bộ, giảng viên đủ tiêu chuẩn tham gia các khâu, coi thi, chấm thi... Các trường chủ trì cùng Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh phải bảo đảm an ninh, không để xảy ra ách tắc giao thông ở điểm thi; bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, điện nước.
Các địa phương có trách nhiệm tổ chức lực lượng xã hội tham gia hỗ trợ cho thí sinh và người nhà trong việc ăn, nghỉ, đi lại; xây dựng phương án dự phòng để xử lý tình huống bất thường như thời tiết, thiên tai, cháy nổ...
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ. |
Các điều kiện về cơ sở vật chất, phòng thi, y tế, danh sách thí sinh tương ứng với phòng thi... cũng phải được quan tâm đặc biệt. "Tuyệt đối không để xảy ra lỗi kỹ thuật trong sắp xếp phòng thi", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Đối với những thí sinh bị sai sót thông tin cá nhân, thất lạc giấy báo dự thi..., các điểm thi phải hướng dẫn và giúp các em chỉnh sửa, bổ sung trong ngày làm thủ tục dự thi.
"Các trường phải rà soát kỹ phần mềm chấm thi trắc nghiệm, phần mềm tổng hợp điểm thi đúng theo quy chế hiện hành (đặc biệt lưu ý đến việc quy tròn điểm môn thi, thang điểm môn ngoại ngữ); tăng cường hạ tầng công nghệ thông tin để bảo đảm việc công bố kết quả tại cụm thi được thông suốt", Bộ trưởng yêu cầu.
Theo chỉ thị của Bộ trưởng, các trường cần thông tin kịp thời, đầy đủ, công khai phương án tuyển sinh, quy định về tuyển sinh, kết quả tuyển sinh của đơn vị. Việc tiếp nhận thông tin đăng ký xét tuyển của thí sinh phải được tổ chức khoa học, không để xảy ra lộn xộn, mất trật tự, gây bức xúc tại những nơi tiếp nhận đăng ký xét tuyển.
Các trường phải lựa chọn phần mềm xét tuyển phù hợp; kiểm tra độ tin cậy, nhất là phần mềm xét tuyển do các trường tự viết, tuyệt đối không để xảy ra sai sót mang tính hệ thống khi phần mềm xét tuyển không thể hiện đầy đủ quy định của quy chế tuyển sinh hiện hành.
Ngày 1 đến 4/7, khoảng một triệu thí sinh cả nước sẽ tham dự kỳ thi THPT quốc gia nhằm xét tốt nghiệp và xét tuyển sinh đại học, cao đẳng. Năm 2015, lần đầu tiên kỳ thi THPT quốc gia được tổ chức, 4 ngày thi diễn ra suôn sẻ, nhưng đến đợt xét tuyển đầu tiên thì phát sinh nhiều lộn xộn, gây ức chế cho cả thí sinh, phụ huynh và cán bộ tuyển sinh.
Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo khi đó đã phải lên tiếng nhận trách nhiệm.